Bệnh trĩ là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn – trực tràng với tỉ lệ bệnh nhân chiếm khoảng 20%-45% dân số. Người bệnh cần tránh bia, rượu, nên ăn nhiều chất xơ như ăn cam, quýt, những thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhuận tràng như rau lang, rau mồng tơi, rau đay, rau dền để nấu canh ăn thường xuyên rất tốt cho người bệnh trĩ.
Dưới đây là tuyệt chiêu ăn uống để bạn “xóa sổ” bệnh trĩ nhé!
Chuối là loại quả có giá trị nhuận tràng tốt, sau mỗi bữa ăn nên dùng một quả chuối.
Đặc biệt, người bệnh nên sử dụng rau dấp cá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, rất hiệu quả trong trị táo bón, bệnh trĩ.
Củ khoai lang cũng có công dụng nhuận tràng tốt, nên ăn thêm vào các bữa ăn phụ.
Thực phẩm nhiều chất sắt: Do bệnh trĩ gây mất máu mãn tính nên người bệnh dễ bị thiếu máu. Thực phẩm nhiều chất sắt sẽ giúp cơ thể tạo máu và cung cấp nguồn sắt dự trữ để sử dụng khi cần. Những loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt bao gồm gan gà, cua hấp, cá ngừ, mận, mơ khô, nho khô, hạt hướng dương, hạt điều, hạnh nhân, mè, khoai tây luộc, rau bó xôi, bông cải xanh nấu chín, dưa đỏ, tôm…
Nước trái cây: Đặc biệt là nước của các loại quả mọng có màu đậm sẽ giúp ích cho người bị bệnh trĩ.
Anh đào, dâu đen và dâu xanh chứa các chất anthocyanin và proanthocyanidin vốn có thể làm giảm đau sưng do bệnh trĩ gây ra bằng cách củng cố các tĩnh mạch trĩ. Uống ít nhất 1 ly nước trái cây hỗn hợp nói trên mỗi ngày.
Gừng, tỏi, củ hành: Bổ sung 3 loại củ này vào chế độ ăn của bạn. Mỗi loại củ này giúp phân hủy fibrin. Fibrin giúp khắc phục thương tổn ở mô, nội tạng và động mạch. Tuy nhiên, cần lưu ý là dư thừa chất này có thể gây viêm ở động và tĩnh mạch, đặc biệt là khu vực hậu môn.
Các loại dầu: Trong mỗi bữa ăn, nên dùng dầu ô liu, dầu lanh và giấm táo trong món rau trộn. Trong món súp hay bất kỳ món ăn nào thích hợp, hãy dùng dầu ô liu và dầu lanh. Vào cuối mỗi bữa ăn nên uống bổ sung dầu cá, đây là một trong những loại dầu quan trọng nhất cần dùng thường xuyên.
Ngoài ra, người mắc bệnh trĩ nên hạn chế ăn muối do nó có khuynh hướng giữ nước lại trong cơ thể, khiến cho các tế bào và mạch máu trương căng, làm trầm trọng hơn các triệu chứng bệnh trĩ.
Cũng nên siêng năng vận động, không ngồi lâu một chỗ – nhất là những người làm việc văn phòng, thợ may, người ngồi nhiều với máy tính…Hằng ngày nên tập thể dục nhẹ nhàng.
Theo Báo lao động