Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024
Trang chủMô hình khởi nghiệpTrồng nấm bào ngư ở miền Tây, thu gần nửa tỷ mỗi năm

Trồng nấm bào ngư ở miền Tây, thu gần nửa tỷ mỗi năm

Ông Lê Văn Út, ở Thới Hưng, phường Thới An Đông, quận Bình thủy, TP.Cần Thơ là người sản xuất phôi giống và trồng nấm bào ngư trong nhà, lãi mỗi năm trên 400 triệu đồng.

Từ năm 1997, khi nghề trồng nấm bắt đầu phát triển, ông Út đã có kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất phôi và trồng nấm mèo đen nhưng thu nhập không cao. Mãi đến năm 2009, sau khi được UBND phường cử đi tập huấn về mô hình trồng nấm bào ngư Nhật, ông mới mạnh dạn đầu tư vào mô hình này. Nhận thấy đây là một mô hình hấp dẫn, ít vốn lại không cần diện tích lớn nên ông quyết định chuyển sang trồng nấm bào ngư.

Gia đình ông Lê Văn Út đang thu hoạch nấm bào ngư bán mỗi ngày.
Gia đình ông Lê Văn Út đang thu hoạch nấm bào ngư bán mỗi ngày. Ảnh: Ngọc Trinh.

Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên thành công, ông Út cất thêm trại và đẩy mạnh việc sản xuất phôi giống để cung cấp cho người trồng. Ông cho biết, việc cất trại cũng không đòi hỏi nhiều vốn, mỗi trại có diện tích 6 x 12m, mái lợp lá, nền đất và xung quanh cần có lưới bao phủ để tạo ánh sáng và độ ẩm thích nghi. Ngoài ra, ông còn phải trang bị thêm máy phun sương tự động được gắn trên máy nhà và trang bị đồng hồ đo độ ẩm trong nhà trồng nấm. Nhiệt độ lý tưởng cho một nhà trại nấm 25 – 28 độ C và ẩm độ 75 – 85%.

Cũng theo ông Út, muốn cho phôi tăng trưởng tốt, cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, bảo đảm môi trường không bị nhiễm bệnh. Nhà trại phải cách xa chuồng trại gia súc, các nguyên liệu dùng làm phôi phải được bảo quản tốt, tuyệt đối không ẩm mốc.

Bà Nguyễn Thị Phấn, vợ ông Út, người thường xuyên theo dõi các công đoạn sản xuất cho biết, trên thị trường hiện nay, nấm bào ngư có lượng tiêu thụ khá mạnh và giá cả cũng ổn định. Mức giá cho mỗi kg dao động 35.000 đến 40.000 đồng. Với 5 nhà trại, khoảng 25.000 bịch phôi, bình quân mỗi ngày bà Phấn thu hoạch 50 – 60 kg nấm tươi. Thời gian từ khi cấy meo vào bịt phôi cho đến lúc thu hoạch nấm mất khoảng 60 ngày và thời gian phôi cho nấm kéo dài 7 – 8 tháng mới tàng. Bình quân mỗi bịch phôi từ đầu đến cuối vụ có thể cho từ 300 đến 600 gram. Thời điểm này, mỗi đợt ông nhập về một xe nguyên liệu mùn cưa khoảng 8 tấn, cho ra 8.000 bịch phôi. Sau khi trừ hết các chi phí, tiền lãi thu về khoảng 4 – 5 triệu đồng. Với cách làm nói trên, bình quân mỗi năm ông Út thu lãi trên 400 triệu đồng.

Với sự năng động và tinh thần dám nghĩ dám làm, đăc biệt là vốn kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm, vợ chồng ông Út không những trực tiếp trồng nấm mà còn sản xuất và cung cấp phôi giống để giao cho bà con nông dân ở một nơi như quận Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh…với giá 5.000 đồng/bịch. Sau đó ông còn đứng ra thu mua lại sản phẩm của người trồng để giao lại cho thương lái.

Bình quân mỗi bịch phôi giống có thể cho từ 300 – 600 gram nấm/vụ.
Từ nhiều năm nay, không ít bà con nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nhờ trồng nấm mà tự xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là nấm rơm và nấm bào ngư.Bình quân mỗi bịch phôi giống có thể cho từ 300 – 600 gram nấm/vụ. Ảnh: Ngọc Trinh.
Ông Út khẳng định trồng nắm bào ngư không khó, cũng không vất vả như các loại nấm khác. Chỉ cần nắm vững quy trình kỹ thuật, các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng, môi trường…, ai cũng có thể trồng nấm bào ngư. Theo ông Út, nhà trại phải có hệ thống cửa cho thông thoáng, sạch sẽ, tránh gió lùa trực tiếp, ánh sáng vừa phải, tỏa đều để nấm phát triển đều khắp. Do đó, muốn thành công trước nhất là nhà trại phải đúng quy cách. Kế đến là cách sắp xếp các bịch phôi nấm sao cho vững vàng, không bị ngã đổ và ít chiếm diện tích.

Sau khi cấy meo, phôi nấm được treo thành hàng đứng, đợi cho tơ chạy đầy thì bắt đầu tưới nước. Theo ông Út, muốn cho phôi phát triển tốt, nấm mọc dầy, chất lượng tốt, người trồng phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ, đăc biệt là khâu tưới nước. Nước được tưới 3 – 4 lần mỗi ngày, bằng béc phun nhuyễn như sương.

Kỹ thuật sản xuất phôi cũng đòi hỏi hết sức nghiêm ngặt, vì phôi rất nhạy cảm với môi trường, nhất là hóa chất và thuốc trừ sâu. Trước và sau khi trồng, người nuôicần làm vệ sinh quanh khu vực, khử trùng tiêu độc các loài nấm dại. Ngay cả chất độn như mùn cưa cũng phải chọn những loại gỗ tốt, không có tinh dầu mới đạt yêu cầu. Sau khi cho nguyên liệu vào bịch nylon, tất cả đều được đem hấp ở nhiệt độ 200 độ C suốt 7 tiếng đồng hồ, sau đó để nguội mới bắt đầu cấy meo.

Bình quân mỗi bịch phôi giống có thể cho từ 300 – 600 gram nấm/vụ.
Công đoạn sản xuất bịch phôi giống của gia đình ông Út để cung cấp thị trường. Ảnh: Ngọc Trinh.

Ngoài sản xuất và mua bán phôi nấm, ông Út còn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con nuôi trồng nấm sạch, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân nuôi trồng nấm tại nhà để tăng thêm thu nhập. Trại sản xuất nấm bào ngư của ông Út cũng đã được cấp bằng độc quyền Sở hữu trí tuệ. Vì thế, đầu ra sản phẩm của ông không còn lo ngại. Khi nấm thu hoạch xong, thương lái đến tận nhà thu mua.

Bà Nguyễn Thị Hồng Điểu, Giám đốc Trung tâm khuyến nông TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay phong trào trồng nấm bào ngư đang phát triển mạnh ở các quận Bình Thủy, Ô Môn và huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh. “Đây được xem là mô hình tốt, phát triển theo chủ chương nông nghiệp gắn với đô thị, thực hiện theo chỉ đạo phát triển ngành nấm của Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra”, bà Điểu chia sẻ.

Theo Zing

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

BÀI VIẾT MỚI