Hạt sachi (tên khoa học là Plukenetia volubilis) được biết đến với những tên gọi khác như sacha inchi, lạc sacha, lạc Inca. Nó có nguồn gốc từ vùng rừng nhiệt đới Nam Mỹ như Venezuela, Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru,… Hiện nay, sacha inchi được trồng thương mại ở nhiều nước Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Ở Việt Nam, loài cây này đã được trồng trên Tây Nguyên (2015), và Hòa Bình (2017), đến năm 2018 thì đạt khoảng 1500 hecta tính luôn vùng Bình Thuận và Điện Biên.
Hạt sacha inchi được mệnh danh là một loại “siêu thực phẩm” của thế giới vì có nguồn dinh dưỡng vượt trội. Đây vừa là cây nông nghiệp, vừa là cây dược liệu, cây lâm nghiệp, cây lấy dầu, đặc biệt là để lấy hạt. Sản phẩm được chế biến từ hạt Sachi rất đa dạng như: dầu ăn, thực phẩm, mỹ phẩm,…
Cấu tạo và thành phần dinh dưỡng
Quả sachi là dạng quả nang đường kính 3–5 cm phân thành 4 tới 7 múi, gọi là thùy. Mỗi thùy có hạt hình bầu dục màu nâu sẫm, đường kính 1,5–2 cm, nặng 45-100 gram. Khi non quả có màu xanh lục, đến khi chín thì ngả màu nâu rồi đen khi già. Trái có thịt mềm, nhão màu đen và không ăn được. Muốn thu hoạch người ta thường để nguyên trái trên cây cho khô hẳn rồi mới hái về. Hạt sacha inchi tươi không ăn được vì chứa một lượng đáng kể các alkaloid, saponin và lectin có thể gây độc nếu tiêu thụ trước khi rang hoặc nấu chín.
Thành phần của nó chứa nhiều protein (27%) và có hàm lượng dầu cao (35 – 60%). Dầu sacha inchi chứa nhiều các acid béo thiết yếu như omega-3 linolenic acid (~ 45-53% tổng hàm lượng chất béo) và omega-6 linoleic acid (~ 34-39% tổng hàm lượng chất béo), cũng như omega-9 (~ 6-10% tổng hàm lượng chất béo). Hàm lượng omega-3 của loại hạt này cao gấp 17 lần so với cá hồi. Nguồn omega-3 rất hiếm trong tự nhiên và không thể được tổng hợp bởi cơ thể, vì thế nó là một hợp chất thiết yếu và không thể thiếu trong chế độ ăn.
Đây cũng là loại hạt chứa nhiều vitamin E, A và các khoáng chất như kali, magie, canxi, chất xơ cùng nhiều chất chống oxy hoá khác. Nó còn cung cấp một lượng calo tương đối đáp ứng nhu cầu hoạt động, tập luyện của cơ thể (28g hạt sachi cung cấp khoảng 170 calo).
Ta thấy rằng hàm lượng protein và chất béo của sachi đều cao hơn so với hạt đậu nành, đậu phộng và hướng dương. Một số acid amin thiết yếu trong hạt sachi cũng có hàm lượng cao vượt trội như isoleucine, cysteine, methionine, tyrosine, threonine, tryptophan.
Bảng: So sánh hàm lượng các acid amin của các loại hạt (mg/g protein)
Thành phần | Hạt sachi | Hạt đậu nành | Hạt đậu phộng | Hạt hướng dương |
Isoleucine | 50 | 45 | 34 | 43 |
Cysteine | 25 | 13 | 13 | 15 |
Methionine + cysteine | 37 | 26 | 25 | 34 |
Tyrosine | 55 | 31 | 39 | 19 |
Threonine | 43 | 39 | 26 | 37 |
Tryptophan | 29 | 13 | 10 | 14 |
Thị trường của sacha inchi
Thị trường hiện nay đang dần đi theo xu hướng tập trung vào thực phẩm dinh dưỡng cao và có các thành phần tự nhiên tốt cho sức khỏe. Vì thế hạt sachi rất được ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là tại các nước Mỹ Latinh, tiếp theo là Châu Âu và Bắc Mỹ. Việc sử dụng sachi ngày càng rộng rãi trong các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung đã củng cố sự tăng trưởng của thị trường sachi toàn cầu và dự kiến sẽ mở rộng đáng kể trong tương lai. Theo báo cáo mới của Expert Market Research, thị trường sachi toàn cầu được định giá 92 triệu đô la Mỹ vào năm 2019 dự kiến sẽ đạt 117,4 triệu đô la Mỹ vào cuối năm 2025.
Trên thị trường Việt Nam hiện tại, các sản phẩm từ sacha inchi được chia thành 2 dạng: dạng bột và dạng lỏng. Một số sản phẩm từ sachi phổ biến ở Việt Nam như dầu sachi, bột sachi, sachi rang muối. Hiện nay xu hướng của các công ty sản xuất thực phẩm tham gia vào thị trường sacha inchi là gia tăng số lượng sản phẩm cũng như sự đa dạng về ứng dụng của loại siêu hạt này.
Nam Pro