Với cuộc sống bận rộn, thịt đóng hộp mang lại sự tiện lợi vượt trội, giúp tiết kiệm thời gian chế biến mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cần thiết. Sản phẩm này còn rất phù hợp cho những chuyến du lịch, dã ngoại hay dự trữ trong những tình huống khẩn cấp, nhờ vào khả năng bảo quản lâu dài mà không cần tủ lạnh. Vì thế, thị trường thịt đóng hộp hiện nay có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Vậy ngay bây giờ, hãy cùng Foodnk tìm hiểu một dây chuyền sản xuất thịt hộp sẽ trải qua các công đoạn nào nhé!
Dây chuyền sản xuất
1. Tiếp nhận nguyên liệu thịt đầu vào
Đầu tiên, nguyên liệu thịt được tiếp nhận từ các nhà cung cấp uy tín và kiểm tra chất lượng để đảm bảo không có bất kỳ mầm bệnh, ký sinh trùng và đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Xử lý nguyên liệu
Thịt sẽ được làm sạch để loại bỏ tạp chất và vi khuẩn bám trên bề mặt. Sau khi làm sạch, thịt được cắt nhỏ bằng máy cắt thịt và loại bỏ các phần không sử dụng. Tiếp theo, thịt heo sẽ được kiểm tra kim loại bằng máy dò kim loại. Thiết bị này có thể phát hiện các mảnh kim loại nhỏ, đảm bảo không có các mảnh kim loại còn sót lại trên nguyên liệu. Trong quy trình sản xuất thịt đóng hộp, việc kiểm tra kim loại là một bước quan trọng.
-
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Kim loại từ các dụng cụ, máy móc hoặc khu vực sản xuất có thể vô tình lẫn vào nguyên liệu thịt. Nếu không được phát hiện và loại bỏ, các mảnh kim loại này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.
-
Bảo vệ thiết bị sản xuất
Các mảnh kim loại có thể gây hư hỏng nghiêm trọng cho máy xay nhuyễn và các thiết bị chế biến khác. Khi máy hoạt động với tốc độ và lực cắt cao, do đó, bất kỳ mảnh kim loại nào lẫn vào cũng có thể làm gãy lưỡi dao hoặc làm hỏng bộ phận cơ khí. Điều này, dẫn tới làm gián đoạn sản xuất và chi phí sửa chữa cao.
-
Đảm bảo chất lượng sản phẩm
Sự hiện diện của kim loại trong sản phẩm còn làm thay đổi hương vị, màu sắc hoặc kết cấu. Kiểm tra kim loại giúp đảm bảo sản phẩm cuối cùng không bị lẫn tạp chất kim loại, từ đó giữ được chất lượng và uy tín của thương hiệu.
3. Xay nhuyễn
Nguyên liệu chính cho công đoạn xay nhuyễn là thịt heo và mỡ heo. Thịt heo thường bao gồm các phần thịt nạc và mỡ, tỷ lệ mỡ được điều chỉnh tùy theo yêu cầu của sản phẩm cuối cùng để đạt được độ béo phù hợp và kết cấu mong muốn. Trước khi xay nhuyễn, thịt và mỡ có thể được đông lạnh một phần để dễ dàng cho công đoạn xay nhuyễn. Đồng thời, điều này giúp làm giảm nhiệt độ của quá trình xay, hạn chế làm biến tính protein.
Gia vị và phụ gia cần thiết cho quá trình chế biến sẽ được chuẩn bị sẵn. Các gia vị có thể bao gồm muối, tiêu, tỏi, hành và các loại gia vị khác tùy theo công thức sản phẩm. Phụ gia có thể bao gồm chất bảo quản, chất ổn định và chất làm tăng độ giữ ẩm.
Trước tiên, thịt và mỡ sẽ được xay thô. Kế tiếp, nhân công sẽ đổ gia vị và phụ gia vào bồn trộn. Thịt và mỡ sẽ được trộn đều với gia vị và phụ gia bằng cách sử dụng máy trộn hoặc máy trộn công nghiệp. Máy trộn thường có lưỡi khuấy hoặc cánh trộn giúp phân phối gia vị và phụ gia đồng đều trong hỗn hợp.
4. Nhồi thịt vào hộp thiếc
Các hộp thiếc cần được khử trùng để loại bỏ mọi vi sinh vật có hại. Hộp thiếc sau đó được đưa vào hệ thống nhồi của máy. Một số loại máy nhồi sử dụng cơ chế tự động để đưa hộp vào đúng vị trí.
Hỗn hợp thịt xay nhuyễn được chuyển vào máy nhồi và đẩy vào hộp thiếc thông qua các bộ phận truyền động. Quá trình nhồi phải đảm bảo rằng hỗn hợp thịt được nén chặt và phân phối đều trong hộp, giúp loại bỏ bọt khí và đảm bảo sự đồng nhất của sản phẩm cuối cùng.
Các hộp thiếc thường làm từ kim loại chịu nhiệt và phủ một lớp chống ăn mòn bên trong để hạn chế kim loại phản ứng hóa học với thực phẩm.
5. Bài khí
Sau khi thịt đã được nhồi vào hộp thiếc, hộp sẽ được chuyển đến giai đoạn bài khí để loại bỏ không khí còn sót lại bên trong. Quá trình bài khí giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn hiếu khí và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm. Máy bài khí thường hoạt động theo nguyên lý sử dụng nhiệt độ cao để làm nóng và tạo áp suất trong hộp, từ đó đẩy không khí ra ngoài.
Trong buồng gia nhiệt, hộp được đun nóng đến nhiệt độ đủ cao để không khí bên trong nở ra và thoát ra ngoài qua các lỗ nhỏ hoặc van bài khí. Trong buồng hút chân không, áp suất bên trong hộp được giảm xuống, làm cho không khí bên trong bị hút ra ngoài. Kết hợp cả hai phương pháp này sẽ đảm bảo hiệu quả bài khí tối đa. Công đoạn bài khí giúp đảm bảo rằng không còn không khí bên trong hộp, từ đó tăng cường hiệu quả của quá trình thanh trùng và đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng.
6. Ghép mí
Trong công đoạn ghép mí, thường sử dụng các loại máy móc tiên tiến, bao gồm máy tự động hoặc bán tự động, để đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra nhanh chóng và đồng đều. Các thiết bị này giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra lỗi trong việc ghép mí. Quy trình ghép mí không chỉ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sản phẩm khỏi các tác nhân bên ngoài, mà còn đảm bảo hiệu quả của quy trình thanh trùng, từ đó kéo dài thời gian bảo quản của sản phẩm thịt đóng hộp.
Máy ghép mí bắt đầu bằng cách thực hiện một bước ghép sơ bộ, nơi các con lăn của máy uốn mép nắp và mép hộp lại với nhau, tạo ra một đường ghép ban đầu. Bước này đảm bảo rằng nắp được gắn chặt vào hộp và chuẩn bị cho quá trình ghép kín hoàn toàn.
Sau khi ghép sơ bộ, máy ghép mí tiếp tục với bước ghép kín. Con lăn của máy tiếp tục ép mạnh hơn, uốn và ép mép nắp và thân hộp lại với nhau tạo ra một đường ghép kín hoàn toàn. Đường ghép mí này phải đảm bảo không có khe hở nào để ngăn chặn không khí, vi khuẩn hay các tác nhân khác xâm nhập vào bên trong hộp.
Sau khi hoàn thành quá trình ghép mí, các hộp sẽ được kiểm tra chất lượng đường ghép bằng các thiết bị chuyên dụng. Quá trình kiểm tra này đảm bảo rằng tất cả các hộp đều được niêm phong chặt chẽ và không có bất kỳ lỗi ghép mí nào.
7. Tiệt trùng
Công đoạn tiệt trùng vô cùng quan trọng để tiêu diệt các vi sinh vật kỵ khí, các mầm bệnh, bào tử mốc bên trong hộp. Thiết bị tiệt trùng bắt đầu quá trình gia nhiệt, tăng nhiệt độ bên trong buồng thanh trùng đến mức yêu cầu (thường từ 105oC đến 120oC) bằng cách sử dụng hơi nước hoặc nước nóng. Áp suất bên trong buồng cũng được tăng lên để đảm bảo nhiệt độ cần thiết cho quá trình tiệt trùng.
Khi nhiệt độ và áp suất đạt đến mức yêu cầu, chúng được duy trì trong khoảng thời gian xác định, tùy thuộc vào loại sản phẩm và kích thước của hộp. Thời gian này thường kéo dài từ 80 đến 90 phút. Trong giai đoạn này, nhiệt độ và áp suất cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả tiệt trùng.
8. Làm nguội
Sau khi quá trình thanh trùng hoàn tất, thiết bị sẽ bắt đầu làm nguội các hộp thịt. Nước lạnh hoặc không khí sẽ được đưa vào buồng thanh trùng để hạ nhiệt độ từ từ, tránh làm biến dạng hộp do chênh lệch nhiệt độ quá nhanh. Quá trình làm nguội này cũng giúp duy trì chất lượng và kết cấu của sản phẩm.
Khi nhiệt độ và áp suất bên trong buồng thanh trùng trở về mức an toàn, áp suất được xả ra một cách từ từ. Các giỏ hoặc khay chứa hộp thịt được lấy ra khỏi buồng thanh trùng và chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình sản xuất.
9. Làm sạch vỏ hộp
Sau khi quá trình tiệt trùng hoàn tất, hộp thịt cần được làm sạch vỏ để đảm bảo vệ sinh và tránh nhiễm bẩn trong quá trình bảo quản và vận chuyển.
10. Bảo ôn, kiểm tra
Sản phẩm sau khi làm nguội sẽ mang đi bảo ôn trong vòng 15 ngày nhằm kiểm tra các tiêu chí về vi sinh, hóa học và cảm quan, trước khi phân phối ra ngoài thị trường. Điều này nhằm đảm bảo thành phẩm khi tới tay người tiêu dùng an toàn và đạt tiêu chuẩn.
Tạm kết
Thịt đóng hộp đã trở thành một trong những sản phẩm thiết yếu và phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ chế biến, sản phẩm thịt đóng hộp ngày càng được cải tiến về chất lượng và đa dạng hóa về hương vị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để sản xuất được sản phẩm thịt đóng hộp đạt chất lượng cao và an toàn, quy trình sản xuất phải tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Việc hiểu rõ từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất không chỉ giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn tối ưu hóa hiệu suất sản xuất, giảm thiểu rủi ro và chi phí.
Vy Đặng