Thực phẩm biến đổi gen (tiếng Anh: Genetically Modified food được gọi tắt là GM) được dùng để chỉ các loại thực phẩm có thành phần từ cây trồng, động vật chuyển gen – hay còn gọi là thực phẩm GM, thực phẩm công nghệ sinh học (CNSH).
Tổng quan
Thuật ngữ thực phẩm biến đổi gen ban đầu dùng để chỉ những loại cây trồng dành cho con người hoặc gia súc được tạo ra nhờ công nghệ sinh học để cho những phẩm chất mong muốn như tăng khả năng chống cỏ dại, chống sâu bệnh hay tăng hàm lượng dưỡng chất. Việc nâng cao chất lượng giống cây trồng thường được thực hiện nhờ phương pháp nhân giống, song phương pháp này tốn nhiều thời gian lại cho kết quả không chính xác. Ngược lại, kỹ thuật biến đổi gien có thể tạo ra giống cây trồng như mong muốn, tốn ít thời gian và có độ chính xác cao.
Trong kỹ thuật biến đổi này, người ta có thể thêm hoặc bỏ bớt gen. Nếu thêm gen vào một sinh vật nào đó, người ta thường chọn gen từ loài khác. Để làm được việc đó người ta có thể gắn gen ngoại lai vào một virus rồi đưa vào tế bào vật chủ, hoặc đưa DNA ngoại lai vào nhân của tế bào bằng ống tiêm. Một số chủng vi khuẩn cũng có thể chuyển gene vào tế bào và giới khoa học đã tận dụng chúng để tạo ra GMC.
Về mặt nguyên tắc, người ta chỉ làm biến đổi gen mang tính có lợi[cần dẫn nguồn]. Nghĩa là chỉ tiến hành biến đổi ở những gen không liên quan gì đến thành phần giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, hoặc nếu có thì sẽ làm động tác theo hướng tăng cường hàm lượng mà không làm thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Do đó, giá trị dinh dưỡng của thành phẩm không hề bị suy giảm cho nên Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng thì thực phẩm biến đổi gen còn cho chúng ta những vụ mùa bội thu, những vụ mùa tồn tại ngay cả ở trong điều kiện sâu bệnh và khí hậu khắc nghiệt.
Thực phẩm biến đổi gen thông dụng hiện nay là cây trồng biến đổi gen là những cây mà vật liệu di truyền của chúng được biến đổi theo ý muốn chủ quan của con người nhờ những công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là công nghệ gene. Cây trồng biến đổi gene đã phát triển nhiều năm trên thế giới và việc sử dụng đang theo xu hướng gia tăng, trong đó có hai cường quốc nông nghiệp châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.
Thực vật
Cây thuốc lá biến đổi gen là GMC đầu tiên được trồng thử nghiệm trên đồng ruộng. Các nhà khoa học gây biến đổi gene ở cây thuốc lá để chúng kháng thuốc diệt cỏ, rồi trồng thử nghiệm tại Mỹ và Pháp vào năm 1986. Một thập kỷ sau đó cây trồng biến đổi gene bắt đầu được trồng đại trà với mục đích thương mại.
Ứng dụng
Do thực tế, dân số tăng lên mà lương thực thì có nguy cơ thiếu do đó nhân loại muốn có những giống cây trồng vật nuôi có một đặc tính ưu việt nào đó có khả năng cung cấp đủ thực phẩm ăn, người ta muốn có những thực vật có khả năng chịu hạn tốt, những cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh cao nhằm làm tăng năng suất mùa màng, từ đó thúc đẩy nghiên cứu chế tạo ra loại thực phẩm này, người ta còn sử dụng thực phẩm chuyển gen nhằm tạo ra những thực phẩm có một đặc tính dinh dưỡng ưu việt nào đó. Hoặc cũng có khi là nhằm tổng hợp ra các chế phẩm sinh học hay các thuốc dùng trong điều trị bệnh.
Diện tích canh tác cây trồng CNSH trên toàn cầu đã tăng từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên hơn 175 triệu ha trong năm 2013. Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) vào tháng 2 năm 2014 năm 2013 đã có trên 18 triệu nông dân ở 27 nước trồng cây công nghệ sinh học, tăng 5 triệu ha, tương đương 3% diện tích canh tác cây trồng CNSH toàn cầu. Năm 2013 cũng đánh dấu việc đưa vào canh tác đại trà lần đầu tiên đối với ngô chịu hạn tại Hoa Kỳ.
Từ năm 1996 đến năm 2012, cây bông CNSH ở Trung Quốc đã đem lại lợi ích kinh tế trên 15 tỷ USD, riêng năm 2013 đã đạt 2,2 tỷ USD. Cây trồng CNSH cũng đem lại những lợi ích quan trọng cho nông dân và môi trường ở Trung Quốc với việc sử dụng thuốc trừ sâu giảm 50% và nhiều hơn thế đối với cây bông CNSH. Lợi ích kinh tế ròng ở cấp độ trang trại trong năm 2011 là 19,8 tỷ USD, tương đương với mức tăng trung bình 133 USD/ha. Trong vòng 16 năm (1996 – 2011), tổng mức tăng lên của thu nhập trang trại toàn cầu nhờ ứng dụng cây trồng GM là 98,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó cũng từ năm 1996 đến năm 2012 cây trồng CNSH đã có những đóng góp tích cực thông qua: giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất (ước tính khoảng 377 triệu tấn), trị giá 117 tỷ USD; đem lại lợi ích cho môi trường bằng cách loại bỏ 497 triệu kg thuốc trừ sâu; giảm 27 tỷ kg CO2 phát thải chỉ trong năm 2012 (tương đương với việc loại bỏ 12 triệu xe ô tô trên đường trong một năm); bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tiết kiệm 123 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 1996-2012; và giúp xóa đói giảm nghèo bằng cách giúp đỡ cho 16,5 triệu nông dân nhỏ và gia đình họ, tổng số hơn 65 triệu người.
Việt Nam
Tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen đã được đưa vào thử nghiệm gần 5 năm và dự kiến khoảng năm 2015, những sản phẩm được chế biến từ ngô, đậu nành… biến đổi gen sẽ xuất hiện trong siêu thị, chợ và bữa ăn của các gia đình Việt Nam.
Tuy vậy những loại thực phẩm biến đổi gen đang có mặt hầu hết ở các chợ và siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Một cuộc khảo sát cho thấy 111/323 mẫu thực phẩm gồm: bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, cà chua, đậu Hà Lan… chọn ngẫu nhiên ở 17 chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố được kiểm nghiệm cho kết quả là sản phẩm biến đổi gen, trong đó có bắp Mỹ, bắp trái non, bắp non đóng hộp, bột bắp, bắp giống có nguồn gốc trong nước và nước ngoài dương tính với promoter 35S hoặc terminator nos – một dạng biến đổi gen.
Trong đó có 45 mẫu bắp, 29 mẫu đậu nành, 11 mẫu gạo, 15 mẫu khoai tây, 10 mẫu cà chua. Đáng chú ý là người tiêu dùng, các nhà phân phối và cả ban quản lý các siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố hầu như không hiểu biết gì về thực phẩm biến đổi gen. Trước tình trạng đó, một số nhà sản xuất đã bắt đầu quan tâm đến việc công bố nguồn gốc nguyên liệu sản xuất để người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm mình mua có được làm từ thực phẩm biến đổi gen hay không.
Quan điểm
Thực phẩm biến đổi gen trở thành chủ đề gây tranh cãi trên phạm vi toàn cầu. Một bộ phận giới khoa học lo ngại thực phẩm biến đổi gen có thể gây ra một số bất lợi như tăng nguy cơ dị ứng, làm nhờn kháng sinh, gây độc cho cơ thể người. Trên thực tế vẫn có khả năng tồn tại độc tố trong thực phẩm biến đổi gen, bởi vì cây trồng truyền thống và cây trồng chuyển gen chỉ khác nhau về gen quy định tính trạng mong muốn, lượng độc tố tự nhiên (nếu có) tồn tại trong cây trồng truyền thống cũng sẽ có mặt trong cây trồng chuyển gen. Tuy nhiên có một thực tế là trong thực phẩm chúng ta ăn từ xưa đến nay đều tồn tại độc tố ở hàm lượng nhất định, hầu hết ở mức độ an toàn với người sử dụng.
Hiện nay có một nhóm các chuyên gia đã lên tiếng bảo vệ thực phẩm biến đổi gen, cụ thể như:
Thực phẩm công nghệ sinh học ít có khả năng gây dị ứng hơn so với các loại thực phẩm thông thường khác bởi chúng thường được sàng lọc trước để bảo đảm không chứa DNA tương tự như trình tự để mã hóa cho các protein gây dị ứng. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đang theo đuổi một loạt các phương pháp tiếp cận nhằm loại bỏ tác nhân gây dị ứng thực phẩm phổ biến hiện nay đã đe dọa người tiêu dùng. Ngoài việc nghiên cứu phương pháp này trên đậu nành thì còn đang tiến hành mở rộng ở nhiều loại thực phẩm khác như đậu phộng, sữa … Cây trồng công nghệ sinh học cũng đang làm cho thực phẩm an toàn hơn bằng cách giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và giảm khả năng nhiễm độc tố nấm mốc với trường hợp của cây bắp Bt.
Thực phẩm biến đổi gen cũng không phải là nguyên nhân làm tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh. Các nghiên cứu về sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trong cơ thể người bằng “gen chỉ thị” (được sử dụng trong một số giống cây trồng công nghệ sinh học thương mại hóa đầu tiên), chứng minh một cách thuyết phục rằng căn nguyên của vấn đề này chính là do sử dụng quá liều một loại thuốc kháng sinh thương mại riêng biệt. Hơn nữa, một nghiên cứu thực hiện vào năm 2010 cho thấy những người trồng bắp truyền thống bên cạnh bắp Bt được hưởng lợi từ việc giảm áp lực sâu đục thân bắp giống châu Âu.
Đặc biệt thực phẩm biến đổi gen là thực phẩm giàu đạm hơn so với thực phẩm truyền thống. Các chất đạm lại đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người và các loại vật nói chung. Những cây trồng có giá trị dinh dưỡng được cải thiện gồm giống Gạo vàng 2 (cung cấp tiền sinh tố A để khắc phục tình trạng thiếu vitamin A ở nhóm dân số tiêu dùng gạo), ngô Lysine (cung cấp chất lyzin chức năng cho thức ăn chăn nuôi lợn và gia cầm), và đậu nành SDA (có chứa dầu đậu này bổ sung hàm lượng axít béo Omega-3 tốt cho tim mạch).
Thông tin an toàn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Cục Dược Phẩm và Thực Phẩm Hoa Kỳ (FDA)… đã thiết lập ra các hệ thống quy chuẩn để đánh giá và quản lý an toàn của thực phẩm GM. Mọi thực phẩm GM đều phải được chứng nhận không có nguy cơ về sức khỏe với con người dựa trên Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex) thiết lập bởi WHO mới được đưa ra thương mại hóa.
An toàn của cây trồng biến đổi gen đã được khẳng định bởi nhiều tổ chức khác bao gồm Hiệp hội Y khoa Mỹ, Hiệp hội độc chất học, Viện Khoa học sự sống Quốc tế, Viện Khoa học hàn lâm Hoa Kỳ, Hiệp hội Hoàng gia Vương quốc Anh, Tổ chức Y tế thế giới, Viện Công nghệ thực phẩm, Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu và Ủy ban Liên minh châu Âu.
Kể từ khi cây trồng GM được thương mại lần đầu tiên vào năm 1996 (1996-2012), các cơ quan quản lý thuộc 59 quốc gia đã tiến hành đánh giá khoa học mở rộng và khẳng định sự an toàn của cây trồng GM với 2.497 phê duyệt đối với 319 tính trạng GM khác nhau trên 25 đối tượng cây trồng.
Dán nhãn sản phẩm
Ở EU các thực phẩm và thức ăn cho gia súc biến đổi gen phải được dãn nhãn. Tuy nhiên quy định này không bắt buộc cho những thực phẩm từ những động vật dùng thức ăn biến đổi gen.
Theo vi.wikipedia.org