Xoài là một loại quả phổ biến ở nước ta, với rất nhiều giống khác nhau, nhiều vùng trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về loại quả nhiệt đới này nhé!
Đặc điểm của cây xoài
Cây xoài cao khoảng 10÷20m, thân gỗ lớn, mọc khỏe. Tùy theo giống mà tán cây nhỏ hoặc lớn. Rễ cây xoài ăn rất sâu khoảng 6-8m, nhưng rễ tập trung cách gốc khoảng 2m. Lá là loại lá đơn, nguyên, mọc so le nhau. Lá xoài có hình thuôn mũi mác, nhẵn và có mùi thơm. Tùy theo điều kiện tình hình thời tiết cũng như dinh dưỡng của cây mà một cây xoài có thể cho ra 3÷4 đợt chồi trong một năm. Thông thường sau 35 ngày lá non sẽ chuyển sang màu xanh và mỗi lần ra lá cành xoài dài thêm khoảng 20÷30cm.
Đây là cây thụ phấn chéo, chủ yếu thụ phấn nhờ côn trùng. Hoa tạo thành các chùm kép ở ngọn cành. Chùm hoa có đến 200÷400 hoa và dài khoảng 30cm. Hoa xoài rất đặc biệt bởi mỗi chùm hoa có cả hoa đực và hoa lưỡng tính, màu vàng và có 5 lá đài nhỏ, có lông ở mặt ngoài, 5 cánh hoa có tuyến mật, 5 nhị nhưng chỉ có 1÷2 nhị sinh sản. Bầu trên, thường chỉ có một lá noãn chứa 1 noãn
Quả xoài khi non có màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng. Quả xoài có loại ngọt lịm nhưng cũng có loại chua ngọt. Hạt xoài rất to. Có nhiều loại xoài như: xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Tứ Quý, xoài Xiêm, xoài Tượng, xoài Đài Loan, xoài Keo,…
Giá trị dinh dưỡng và công dụng của quả xoài
Có khoảng 100 calo, 1g protein, 25g carbohydrate, 23g đường, khoảng 3g chất xơ và ít nhất là 0,5g chất béo có trong mỗi 100g thịt quả. Ngoài ra, trong xoài còn có chứa các loại vitamin A, B, C, K và hàm lượng sắt, đồng, canxi, các chất chống oxy hóa khá lớn. Các chất chống oxy hóa trong xoài còn có tác dụng lọc những tia sáng xanh, gây hại cho mắt, nhất là nguy cơ mắc bệnh vàng da có liên quan đến tuổi già. Xoài còn có tác dụng ngăn ngừa các bệnh về hen suyễn, ung thư tiền liệt tuyến và kết trực tràng.
Tác dụng của xoài đối với bệnh tiểu đường
Có khá nhiều người cho rằng, xoài có thể làm tăng lượng đường trong máu nhưng trên thực tế, các quan niệm và suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm. Xoài là loại thực phẩm tự nhiên có khả năng giúp ổn định nồng độ insullin trong máu, ngăn chặn insullin trong máu tăng cao, rất hữu ích cho những người mắc bệnh tiểu đường. Không chỉ có quả xoài, mà nếu lá xoài được ngâm trong nước lọc qua đêm, người tiểu đường uống sẽ có tác dụng cải thiện trông thấy.
Tác dụng của quả xoài đối với bệnh thiếu máu
Đối với những người bị thiếu máu, xoài có chứa rất nhiều các chất sắt để bổ sung máu. Ngoài ra, chất sắt của xoài còn có thể làm sản sinh thêm lượng máu cần thiết nhất cho cơ thể.
Tác dụng của xoài đối với bệnh tiêu hóa
Trong xoài có chứa các enzymeenzyme tiêu hóa, có tác dụng làm dịu dạ dày, hỗ trợ hệ tiêu hóa hiệu quả và làm giảm nồng độ axit làm đau dạ dày. Ngoài ra, xoài cũng được dùng để làm thành phần trong các sản phẩm Trà lô hội thảo mộc để hỗ trợ táo bón, tiêu chảy, thường xuyên rối loạn tiêu hóa và mắc bệnh kiết lỵ.
Tác dụng của xoài đối với mắt
Vitamin A trong xoài là một trong những chất chống oxy hóa tự nhiên, giúp tăng cường thị lực rất tốt. Dùng xoài có thể hỗ trợ điều trị được bệnh khô mắt, quáng gà,
Xoài là nguồn cung cấp vitamin A, chất chống oxy hóa tự nhiên. Vitamin A còn được biết đến bởi tác dụng tăng cường thị lực. Bệnh quáng gà, khô mắt, mềm hóa giác mạc, tật khúc xạ, ngứa, rát mắt có thể được ngăn chặn bằng cách ăn xoài thường xuyên.
Tác dụng của xoài đối với bệnh rối loạn mỡ máu
Xoài có chứa hàm lượng vitamin C, pectin, chất xơ khá cao nên có tác dụng hỗ trợ làm giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh. Ngoài ra, xoài còn giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ trong máu cho những người bị béo phì rất tốt.
Giá trị kinh tế
Xoài là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường và được sử dụng rộng rãi từ trái còn xanh đến trái chín, phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế và du lịch, nâng cao đời sống, đồng thời cũng là nguồn thu nhập quan trọng của các nhà vườn.
Theo thống kê từ Cục Trồng trọt, An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng trồng xoài đạt chất lượng xuất khẩu, tiếp đến là 2 tỉnh Đồng Tháp và Đồng Nai.
Theo Cục Thống kê tỉnh An Giang, tổng diện tích xoài toàn tỉnh năm 2018 là trên 10.000 ha, trong đó xoài Ba Màu (hay xoài tượng da xanh) và Cát Hòa Lộc chiếm khoảng 7.800 ha (80% tổng diện tích). Với giá bán dao động trung bình 40.000 – 50.000 đồng/kg và khá ổn định, do đó, có thể khẳng định rằng loại cây này mang lại giá trị kinh tế rất cao.
Vùng phân bố
Việt Nam là nước trồng xoài từ lâu đời và trồng được trên nhiều vùng sinh thái khác nhau, nhưng phân bố chủ yếu vẫn là các tỉnh phía Nam. Vùng trồng tập trung hiện phân bố từ Bình Định trở vào, và được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long như Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre,… Ngoài ra, xoài còn được trồng ở Khánh Hoà, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Sơn La, Lạng Sơn và khu vực đồng bằng Sông Hồng.
Diện tích trồng xoài của cả nước năm 2017 vào khoảng hơn 92.000ha với sản lượng 790.000 tấn xoài hàng năm. Trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh thành là khu vực trồng xoài lớn nhất với 48% diện tích trồng xoài cả nước. An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng trồng xoài đạt chất lượng xuất khẩu, tiếp đến là 2 tỉnh Đồng Tháp và Đồng Nai. Miền Trung có khu vực Bình Thuận Ninh Thuận Khánh Hoà Bình Định là trồng xoài nhiều trong đó Khánh Hoà là tỉnh trồng nhiều nhất với 8.000ha năng suất 60 tạ/ha. Ở miền Bắc có tỉnh Sơn La với 4.300ha xoài.
Các sản phẩm được làm từ quả xoài
Trong trái xoài có nhiều chất dinh dưỡng, chất khoáng và các vitamin tốt cho sức khỏe nhưng trong xoài có nhiều nước nên bảo quản không được lâu nên được tạo ra các sản phẩm như xoài sấy dẻo, xoài sấy khô, đồ hộp xoài nước đường, sinh tố đóng hộp,… để bảo quản lâu hơn. Ngoài ra, xoài còn được dùng để làm mứt, làm gỏi, làm bánh tráng dẻo, nước ép,… rất đa dạng và bày bán rộng rãi trên thị trường.
Lê Trần Quỳnh Trang – TTS VNO