Thanh long là một loại quả nhiệt đới được trồng nhiều ở Việt Nam chúng ta, nhất là các xứ nắng và gió như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An…Loại quả này mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Được ứng dụng trong nhiều sản phẩm thực phẩm và mức độ phổ biến rộng rãi. Bài này, chúng ta cùng tìm hiểu về nó nhé!
Đặc điểm quả Thanh long
Thanh long một loài cây được trồng chủ yếu để lấy quả và cũng là tên của một vài chi của họ xương rồng. Quả có hình bầu dục, có nhiều tai ngoe. Khi còn non vỏ có màu xanh, khi chín sẽ chuyển qua màu đỏ, có mùi vị thơm dịu, ngọt vừa phải và ít cung cấp calo. Hương vị của nó đôi khi giống như hương vị của quả kiwi (Actinidia deliciosa). Mặc dù các hạt bé tí xíu của chúng được ăn cùng với thịt của ruột quả nhưng chúng không bị tiêu hóa. Trọng lượng trái trung bình khoảng trên 500g nhưng hiện nay do thâm canh cao nên có trái lên đến 1kg – 1,3kg. Thường trái 300g là có thể xuất khẩu.
Quả của thanh long có ba loại, tất cả đều có vỏ giống như da và có một chút lá. Chúng có tên gọi khoa học như sau:
- Hylocereus undatus thuộc chi Hylocereus, ruột trắng với vỏ hồng hay đỏ.
- Hylocereus costaricensis (đồng nghĩa: Hylocereus polyrhizus) thuộc chi Hylocereus, ruột đỏ với vỏ hồng hay đỏ.
- Hylocereus megalanthus, trước đây được coi là thuộc chi Selenicereus, ruột trắng với vỏ vàng.
- Hylocereus undatus costaricensis thuộc chi Hylocereus, ruột tím hồng với vỏ hồng hay đỏ.
Vậy thanh long được trồng nhiều ở đâu?
Việt Nam hiện nay là nước duy nhất ở Đông Nam Á trồng thanh long tập trung trên quy mô thương mại. Loại ruột trắng vỏ hồng hay đỏ được trồng rộng rãi ở các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang v.v. Loại ruột đỏ vỏ đỏ hiện nay đã được trồng rộng rãi và phổ biến khắp các tỉnh và tập trung nhiều cũng ở Bình Thuận, Tiền Giang, Long An,…
Đây là một loại nông sản có giá trị cao, không những tiêu thụ nội địa mà còn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Đáng chú ý, thanh long hiện là loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất với khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2018 (chiếm gần 1/3 tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng trái cây). Bên cạnh đó là các loại trái cây khác như: Chuối, chôm chôm, nhãn, vải, măng cụt, sầu riêng, xoài.
Giá trị dinh dưỡng rất cao
Quả thanh long chứa khoảng 60 calo/quả, giàu vitamin C, B1, B2 và B3, cùng với các khoáng chất như sắt, canxi và photpho. Trong 100g quả sẽ cung cấp khoảng 21 mg vitamin C, tương đương với 34% giá trị lượng vitamin C hằng ngày.
Một so sánh nhỏ cho thấy quả thanh long chứa ít hơn một nửa lượng vitamin C có trong một quả cam, nhưng lại lớn hơn gấp hơn 3 lần cà rốt.
Vitamin C có lẽ được biết đến nhiều nhất với khả năng tăng cường hệ miễn dịch, nhưng nó cũng có nhiều lợi ích về sức khỏe khác. Khi bạn ăn quả thanh long hoặc các thực phẩm chứa nhiều vitamin C, bạn sẽ tăng khả năng miễn dịch của cơ thể để tránh khỏi tác động của các loại kim loại nặng và các chất độc khác, thúc đẩy việc chữa lành các tế bào trong cơ thể và cải thiện khả năng đối phó với căng thẳng. Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa rất quan trọng cho sức khỏe nói chung và làn da đẹp nói riêng.
Những tác dụng tốt không ngờ
- Giảm cân: do chứa lượng cholesterol rất thấp, giúp cơ thể phân giải loại quả này một cách nhanh chóng. Đây là loại quả hoàn hảo vừa duy trì cân nặng vừa là một món ăn ngọt ngào.
- Giúp tim khỏe mạnh: loại quả này có một siêu năng lực tuyệt vời giúp giảm lượng cholesterol xấu và bổ sung lượng cholesterol có ích. Thanh long là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa đơn, giúp duy trì tim ở trong tình trạng khỏe mạnh.
- Chống lại bệnh tiểu đường: lượng chất xơ trong thanh long sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh đái tháo đường, vì nó có thể làm ổn định lượng đường trong máu bằng cách kìm hãm sự tăng đột biến của đường. Tuy nhiên, với bất kỳ thay đổi hoặc điều chỉnh nào trong khẩu phần ăn, bạn luôn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo rằng đây là một thực phẩm tốt cho bạn.
- Giảm dấu hiệu lão hóa: ăn một quả thanh long giàu chất dinh dưỡng có thể giữ cho làn da luôn căng mọng và trẻ trung. Bạn thậm chí có thể dùng thanh long làm mặt nạ thay thế cho mặt nạ chống lão hóa bằng cách kết hợp với mật ong.
- Dưỡng chất cho tóc nhuộm: nước ép thanh long là một nguyên liệu tuyệt vời dùng để dưỡng tóc. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần bôi nước ép thanh long hoặc dầu xả chiết xuất từ thanh long lên da đầu, như vậy bạn có thể bảo vệ tóc đã có tiếp xúc với hóa chất hoặc tóc nhuộm. Điều này sẽ giữ cho nang tóc mở, cho phép tóc được thông thoáng, giúp tóc khỏe mạnh và óng mượt.
- Ngăn ngừa viêm khớp: viêm khớp ảnh hưởng trực tiếp đến khớp và gây kích ứng nghiêm trọng hoặc thậm chí bị liệt. Bạn nên thêm thanh long vào chế độ ăn uống để chống lại những bệnh này. Trái thanh long rất có ích đối với những người mắc bệnh viêm khớp, đến nỗi nó thường được gọi là “quả kháng viêm”.
Các dạng sản phẩn được chế biến từ quả thanh long
Các sản phẩm được chế biến từ thanh long rất đa dạng: nước ép, mứt, thanh long sấy dẻo, thanh long sấy khô, rượu vang, siro… Trong đó, phổ biến nhất là các sản phẩm thanh long sấy dẻo, phương pháp sấy gia nhiệt đối lưu (sấy khí nóng) thường được sử dụng trong chế biến sản phẩm này.
Phương pháp sấy gia nhiệt: Nguyên liệu sẽ tiếp xúc trực tiếp với tác nhân sấy (không khí nóng), sản phẩm này có ưu điểm có màu sắc tươi tự nhiên, vẫn giữ được độ dẻo và hương thơm của quả tươi, màu sắc và hương vị của thanh long vẫn được bảo quản sau khi sấy.
Nguyễn Thị Phương Thảo – TTS VNO