Giá trị dinh dưỡng trong đạm thực vật hay động vật đều có những lợi ích và hạn chế của riêng nó. Tuy nhiên, đạm nói chung là vô cùng cần thiết để phát triển cơ bắp, cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động một ngày dài. Hiện nay, do nhu cầu sống xanh ngày càng phát triển, vì thế chúng ta có xu hướng sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Do đó, việc thay thế đạm động vật thành đạm có nguồn gốc từ thực vật lại chiếm ưu thế. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những điểm khác nhau giữa hai loại đạm này để giúp bạn hiểu rõ hơn nhé!
Đạm thực vật
1. Những lợi ích đối với sức khoẻ
Về mặt giá trị dinh dưỡng, protein thực vật sẽ có chứa thêm nguồn chất xơ, trong khi đạm động vật sẽ không có được điều này. Các chất dinh dưỡng dành riêng cho thực vật và một số chất chống oxy hóa sẽ không có trong các nguồn protein động vật.
Việc tiêu thụ protein thực vật sẽ giúp tạo cảm giác no lâu hơn, dẫn đến nó sẽ hỗ trợ bạn trong việc giảm cân, quản lý cân nặng tốt hơn.
Về mặt lợi ích sức khoẻ, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng việc thay thế bằng protein thực vật trong khẩu phẩn ăn hằng ngày, sẽ gia tăng sức khoẻ cơ thể. Cụ thể rằng, nó sẽ hỗ trợ làm giảm lượng cholesterol xấu, vô cùng có lợi đối với tim mạch. Đối với nhóm người mắc bệnh tiểu đường hay bệnh xơ vữa động mạch, đều đã được chứng minh rằng việc sử dụng thay thế đạm thực vật sẽ cải thiện tình trạng bệnh một cách rõ rệt.
2. Những hạn chế của đạm thực vật
Về mặt thực tế, hầu hết nguồn đạm từ thực vật sẽ không chứa đủ các loại amino acid thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, chỉ có quinoa và kiều mạch là hai loại đạm thực vật chứa đủ amino acid thiết yếu cho cơ thể.
Đối với đạm có nguồn gốc từ thực vật, cơ thể chúng ta sẽ khó và tốn nhiều thời gian để tiêu hoá hơn.
Một số nguồn protein động vật rất dồi dào các hàm lượng sắt heme và kẽm, trong khi một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật lại thiếu những chất dinh dưỡng này. Nếu thay thế bằng việc sử dụng nguồn thực phẩm từ thực vật, bạn sẽ bị thiết hụt vitamin B12, D, chúng có nhiều ở trong sản phẩm từ động vật như thịt, cá, trứng,…
Đạm động vật
1. Những lợi ích đối với sức khoẻ
Xét về mặt giá trị dinh dưỡng, đạm động vật là nguồn vô cùng dồi dào vi chất sắt và vitamin nhóm B. Nó là nguồn amino acid hoàn chỉnh và thiết yếu cho con người.
Protein động vật cũng mang lại nhiều tác động tích cực đến sức khỏe, mặc dù nó được nói đến là không lành mạnh khi so sánh với protein thực vật. Theo nghiên cứu của Nurses’s Health báo cáo rằng thịt gia cầm, cá và sữa ít béo có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Đối với những người vận động mạnh, protein động vật là nguồn thực phẩm tốt nhất để tăng cường và phát triển cơ bắp.
2. Những hạn chế của đạm động vật
Bên cạnh đó, do chứa lượng chất béo bão hoà khá cao nên nếu tiêu thụ quá nhiều đạm động vật trong chế độ ăn uống, sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu cao của cơ thể. Vì thế, hiện nay người tiêu dùng được khuyến khích nên hạn chế sử dụng nguồn thịt đỏ, mà nên thay thế, bổ sung nhiều hơn bằng loại thịt trắng. Có rất nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng việc sử dụng quá nhiều đạm động vật sẽ gây ra các bệnh về tim mạch, tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Đặc biệt đối với người mắc bệnh suy thận thì không được khuyến khích tiêu thụ protein động vật.
Theo hầu hết các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ đạm động vật vượt quá mức cho phép sẽ gây tăng cân, táo bón, thải ra nhiều canxi trong nước tiểu,… Ăn nhiều hơn 200g – 400g protein mỗi ngày có thể khiến gan khó chuyển hóa nitơ dư thừa thành chất thải. Điều này có thể dẫn đến tiêu chảy và các tác dụng phụ bất lợi khác và có thể gây ra cảm giác bùn nôn. Vì thế, chúng ta cần nên quan tâm và bổ sung nó với mức độ phù hợp với thể trạng của bản thân.
Theo FDA khuyến nghị người lớn nên tiêu thụ 50g protein mỗi ngày (nếu chế độ ăn là 2000 calo). Giá trị năng lượng của khẩu phần ăn hàng ngày của một người có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào lượng calo.
Vy Đặng