Thị trường hiện nay đầy rẫy các loại thực phẩm được quảng cáo là sạch, an toàn, nhưng thực chất chưa qua kiểm tra, chứng nhận chất lượng.
Liên tiếp những thông tin “hô biến” rau chợ thành rau VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) ở Đà Lạt, vùng sản xuất rau an toàn ở Hoài Đức (Hà Nội) vừa phun thuốc trừ sâu đã hái bán… đang dấy lên sự hoài nghi của người tiêu dùng về chất lượng thật sự của các loại rau củ, thực phẩm được quảng cáo là “sạch”, “an toàn” đang bán đầy rẫy trên thị trường.
Loạn thực phẩm “sạch”
Trước thực trạng thực phẩm độc hại, thực phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường, thực phẩm sạch trở thành lựa chọn của nhiều bà nội trợ. Vì vậy, nhiều loại rau củ, thịt cá, trái cây, gạo, trứng… đang được nhiều nhà sản xuất dán nhãn “sạch”, “an toàn” và quảng cáo rầm rộ.
Mặt hàng rau sạch bán trong các siêu thị luôn thu hút khách hàng. Thế nhưng sạch cỡ nào thì người tiêu dùng không thể biết.
Với mặt hàng gạo, tại các siêu thị, một số thương hiệu gạo như Tứ Quý, Ngọc Đồng, Thỏ Việt, Làng Ta… (sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP) được bày bán khá phổ biến với giá từ 24.000-32.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các sạp chợ, đại lý gạo, người bán cũng đua nhau giới thiệu các loại gạo “sạch” được bán xá (gạo đựng trong bao lớn, khách mua bao nhiêu cân bán bấy nhiêu) với giá chỉ 17.000-18.000 đồng/kg. Gần đây, một số doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đã đẩy mạnh mở rộng bán lẻ gạo “sạch” khắp các quận, huyện. Theo quảng cáo của các DN, gạo được sản xuất từ các vùng đất mới theo quy trình hiện đại, không tồn dư hóa chất và kèm theo đó là hàng loạt tính năng hỗ trợ về dinh dưỡng, đường huyết, giúp phòng ngừa nhiều chứng bệnh…
Hay như mặt hàng trứng, lâu nay người tiêu dùng quen với các quảng cáo “trứng sạch” xuất hiện nhan nhản trên mặt báo. Theo đó, loại trứng này được giới thiệu là kiểm soát chặt chẽ từ con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại đến quá trình vận chuyển từ trại nuôi về nhà máy xử lý trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, giám đốc một DN trứng khá lớn tại TP.HCM tiết lộ: mức độ “sạch” của trứng “sạch” hiện chỉ dừng lại ở việc xử lý trứng qua hệ thống máy móc để làm sạch vỏ ngoài của trứng, còn việc kiểm soát trứng từ chất lượng đầu vào (con gà có được tiêm phòng đầy đủ không, chế độ dinh dưỡng có bảo đảm, có sử dụng thức ăn có chứa chất kích thích tăng trưởng không…) thì chưa ai làm được.
Mới kiểm soát được rau an toàn
Từ thị hiếu của người tiêu dùng, không ít loại thực phẩm như rau quả, thịt cá, gạo… do DN tự gắn mác “sạch”, “an toàn” mà không qua kiểm nghiệm của cơ quan chức năng hoặc không được kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất thường xuyên để bảo đảm duy trì độ sạch.
Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết, về cơ bản đã kiểm soát được chất lượng mặt hàng rau sạch do các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở TP.HCM sản xuất. Còn đối với các mặt hàng gạo sạch, thịt, trứng, trái cây… được quảng cáo là sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn từ địa phương khác phân phối về thành phố thì chưa kiểm soát được.
Theo ông Tiến, các nhà sản xuất rau an toàn chịu sức ép cạnh tranh khá lớn: phải mất thời gian xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ đúng các hướng dẫn, quy định của chương trình. Nếu cơ quan chức năng, cụ thể là chi cục bảo vệ thực vật, kiểm tra và phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng như đăng ký sẽ báo cơ quan cấp giấy chứng nhận VietGAP là Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp rút giấy chứng nhận. Ngoài ra, các siêu thị, hệ thống bán lẻ (nhà phân phối chủ yếu các mặt hàng rau sạch) cũng thường xuyên kiểm tra hoặc gửi mẫu đang phân phối tại hệ thống đến các trung tâm xét nghiệm…Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đức Tiến cũng thừa nhận trước đây, diện tích trồng rau an toàn tại TP.HCM còn ít, nguồn cung không ổn định nên có hiện tượng người mua trộn rau an toàn với rau chợ, bán theo giá rau an toàn để lời nhiều. Hiện tình trạng này cũng còn xảy ra nhưng không phổ biến.
Đối với mặt hàng gạo, theo viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, có một số tiêu chuẩn sạch về gạo dựa vào chu trình canh tác, thu hoạch như VietGAP, GlobalGAP, Organic… Thế nhưng, diện tích lúa canh tác theo tiêu chuẩn này chỉ gần 20.000 ha, cho năng suất khoảng 120.000 tấn lúa/năm (tương đương 60.000 tấn gạo), tương đối nhỏ, không đủ để bán đại trà trên thị trường.
Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau
Theo ông Nguyễn Văn Đức Tiến, chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM thường xuyên kiểm tra (chủ yếu là các chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật) đối với các loại rau củ bán tại thị trường TP.HCM và kết hợp với ban quản lý các chợ đầu mối tiến hành kiểm tra nhanh các mặt hàng về chợ mỗi đêm. Đối với các mặt hàng rau an toàn, tần suất kiểm tra có ít hơn. Từ đầu năm đến nay, chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM phát hiện một số trường hợp rau củ có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn ở mức cho phép.
Theo Theo Người Lao Động