So sánh kinh nghiệm thành công của kiwi của NewZeland với việc trồng thanh long Việt Nam ở Bình Thuận cho thấy chúng ta có đủ các điều kiện để tạo giá trị xuất khẩu cao cho loại trái cây đặc biệt này.
Bình Thuận là địa phương sản xuất thanh long lớn nhất cả nước. Diện tích trồng cây thanh long vào khoảng 13.404 ha, chiếm 80% sản lượng thanh long của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong nhiều năm, việc sản xuất, kinh doanh trái thanh long vẫn diễn ra tự phát, không hình thành được thương hiệu và tiêu chuẩn chung.
Để sản xuất, kinh doanh quy mô lớn như trái thanh long ở Bình thuận, cần thiết phải có công ty đầu mối để hình thành chuỗi giá trị-cung ứng. Điều này mới cho phép việc kinh doanh bền vững và có hiệu quả cho người sản xuất.
Một mô hình mà chúng ta có thể tham khảo là cách New Zealand đưa trái kiwi lên vị trí số 1 thế giới.
Hơn 3.000 nông trại trồng kiwi ở nước này đã được tập hợp lại để hình thành chuỗi giá trị-cung ứng với chất lượng cao dưới sự điều phối của Công ty TNHH Quốc tế Zespri, từ cuối thập niên 1990. Với sự phân công, liên kết chặt chẽ từ khâu giống, trồng trọt, thu hoạch và phân phối, sau hơn 10 năm xây dựng thương hiệu, New Zealand trở thành nước xuất khẩu kiwi uy tín nhất thế giới.
Thành công của New Zealand là minh chứng điển hình cho xu hướng lựa chọn chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và bền vững ở các quốc gia phát triển. Ở đó, mỗi loại mặt hàng nông sản đều được xây dựng một chuỗi giá trị thích hợp nhằm gia tăng năng suất đồng thời kiểm soát và đi đến việc tối thiểu hóa các chi phí trong chuỗi giá trị-cung ứng.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển hướng qua ngành nông nghiệp. Điều này là hướng đi đúng vì ngành nông nghiệp nước ta còn rất yếu kém, dù Việt Nam được xem là quốc gia nông nghiệp với nhiều lợi thế, thí dụ như trái thanh long ở Bình Thuận, hay cá Basa ở các tỉnh ĐBSCL.
Tuy nhiên, nếu cứ để các nông dân tự phát trồng và tiêu thụ thì trái thanh long nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung sẽ không có hiệu quả cao và bền vững, người nông dân luôn đối dầu với rủi ro thị trường cũng như giá trị thu lại thấp.
Việc hình thành chuỗi giá trị – cung ứng để gia tăng hiệu quả nông nghiệp là hướng đi đúng. Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, và đó cũng là một hướng đi đúng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Theo Bizlive.vn