Bánh đa đỏ tại thành phố Hải Phòng là đặc sản níu chân du khách khi đến đây. Những sợi bánh đa dài và dai, màu đỏ nổi bật là những điều thu hút người thưởng thức. Vậy trong bài viết sau, Foodnk sẽ cùng bạn tìm hiểu về quy trình sản xuất bánh đa đỏ Hải Phòng nhé! Tất nhiên những quy trình chung nhất sẽ là phạm vi xoay quanh bài viết này.
Ở miền Bắc và miền Trung, sợi bánh đa được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Trong đó, nổi tiếng nhất là loại bánh đa Hải Phòng. Bởi lẽ, so với những vùng khác, sợi bánh đa Hải Phòng có màu nâu đỏ rất nổi bật. Từ sợi bánh này đã tạo nên món bánh đa cua nức tiếng cả miền Bắc nói riêng cũng như Việt Nam nói chung.
Nguyên liệu
Gạo sẽ được tuyển chọn những hạt to, không sâu mọt sau đó sẽ tiến hành ngâm nước. Mục đích để loại bỏ tạp chất cũng như làm hạt gạo trương mềm ra. Thời gian ngâm gạo cũng quyết định đến chất lượng mẻ bánh đa làm ra. Theo người trong nghề cho biết, vào mùa hè phải ngâm gạo đủ 1 tiếng. Trong khi vào mùa đông không được quá 8 – 10 tiếng.
Khi ngâm, hiện tượng hydrat hóa các phân tử dinh dưỡng có trong gạo như: protein, glucid, lipid,… sẽ diễn ra dễ dàng.
Xay gạo
Khi ngâm đủ thời gian, gạo sẽ được rửa lại và xay nhuyễn. Lúc xay sẽ cho nước vào một ít để tạo thành hỗn hợp bột gạo có lỏng vừa phải. Thợ sẽ cho một ít muối vào hỗn hợp bột này (không quá 5%). Với mục đích:
- Để bánh có vị mặn.
- Tạo độ giữ nước cho bánh giúp bánh dẻo.
Khi xay, các hạt tinh bột gạo sẽ được giải phóng ra khỏi tế bào. Nhờ vậy,các chất dinh dưỡng (protein, lipid,…) sẽ được hoà tan.
Nấu đường tạo màu bánh
Như đã nói, màu sắc của bánh đa ở Hải Phòng là điều thú hút nhất. Màu đỏ này là do sử dùng đường mía – đường ăn từ mía. Theo đó, thợ sẽ dùng đường mía (có màu nâu đỏ) để nấu thành nước. Sau đó, hỗn hợp bột bánh sẽ được trộn cùng với nước đường mía này.
Tráng bánh và phơi
Dịch bột vừa thu sẽ được thực hiện nhiệt bằng hơi nước bởi công đoạn tráng bánh. Đây là công đoạn quyết định kết cấu của bánh trong quy trình sản xuất bánh đa đỏ. Theo đó, nhiệt phải được kiểm soát trong khâu bánh ở mức nóng hoàn hảo. Bởi lẽ, nhiệt cao sẽ khiến bánh quá chín không ra được phên, bị nhão. Ngược lại, nhiệt thấp sẽ khiến mất phên bánh khi phơi khô. Độ ẩm của bánh công đoạn này khoảng 53%.
Bánh sẽ được tráng ra từng mẻ dài khoảng 40cm rồi đem trải ra trên vỉ tre để phơi khô. Thời tiết càng nắng gắt sẽ giúp bánh khô nhanh hơn. Lúc này độ ẩm của bánh còn khoảng 20%. Hiện nay, việc áp dụng tự động hoá trong quy trình sản xuất bánh đa đỏ ở quy mô lớn sẽ giúp bánh làm ra chất lượng đồng đều hơn.
Cắt bánh và đóng gói thành phẩm
Cắt bánh là công đoạn gần như hoàn thành của quy trình sản xuất bánh đa đỏ. Khi khô, bánh sẽ được chuyển qua máy để cắt bánh thành sợi.
Cuối cùng bánh có thể phối khô lần nữa để hoàn thành. Kết thúc sẽ là việc đóng gói, in nhãn dán thông tin sản phẩm để tiêu thụ.
Khi sử dụng chỉ cần rửa sạch và chần sơ bánh đa đỏ là có thể chế biến. Lúc này bánh sẽ mềm và có độ dẻo nhất định khi dùng.
Thúy Duy