Quả sa kê, có danh pháp khoa học là Artocarpus altilis, còn có tên gọi thông dụng là trái bánh mì – breadfruit. Lý do để nó có cái tên gọi thân thuộc và dễ ăn đến thế: người ăn mô tả vị của nó khi chín tương tự với khoai tây, có nhiều phần giống bánh mì mới nướng. Loại quả này là thực phẩm thiết yếu của nhiều miền nhiệt đới.
Theo lời nhà nghiên cứu Susan Murch tới từ Đại học Okanagan trực thuộc Đại học Anh Quốc Columbia, thì ta có thể ăn được sa kê chín, hay phơi khô và nghiền thành bột không có gluten để chế biến những món khác. “Quả sa kê là thực phẩm thiết yếu của các vùng đảo trên Thái Bình Dương, với tiềm năng cải thiện tình trạng an ninh lương thực thế giới, đồng thời giảm số ca tiểu đường trong tương lai”, cô Murch nói. “Dù rằng nhiều cộng đồng đã sống dựa vào quả sa kê nhiều ngàn năm, ta vẫn có ít kiến thức khoa học cơ bản cũng như tác động lên sức khỏe người và động vật của chúng”.
Để hiểu hơn về loại quả này, các nhà nghiên cứu hái 4 quả từ cùng một cây ở Hawaii, đưa đến Đại học Okanagan để nghiên cứu. Chuyên gia Ying Liu là người dẫn dắt nghiên cứu phân tích quá trình tiêu hóa và tác động sức khỏe của một chế độ ăn chế biến từ thứ quả giàu dinh dưỡng.
Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Plos One.
Theo lời cô Liu, trước đây chưa có nghiên cứu chi tiết, có hệ thống nào về tác động của loại quả này lên sức khỏe con người. “Chúng tôi muốn cống hiến cho công cuộc đưa quả sa kê thành thứ quả có giá trị lâu dài, thân thiện với môi trường mà sản lượng mỗi đợt thu hoạch lại lớn”, nghiên cứu sinh Ying Liu nói.
Trước đây, đã có một số bên nghiên cứu quả sa kê nhằm tìm hiểu về chỉ số đường huyết GI – khả năng làm tăng đường huyết của thực phẩm, rồi thấy rằng tác động của nó cũng tương đương một số thứ thực phẩm thiết yếu như sắn và khoai tây.
“Mục đích của nghiên cứu này là xác định xem liệu một chế độ ăn chỉ chứa bột quả sa kê có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe”, cô Liu giải thích. Nhóm nghiên cứu thiết kế một loạt các bài thử nhằm quan sát phản ứng của chuột bạch với những bữa ăn từ bột nghiền ra từ quả sa kê sấy khô, bên cạnh đó họ còn sử dụng một mô hình tiêu hóa có enzyme để theo dõi quá trình dạ dày hấp thụ dinh dưỡng từ quả sa kê.
Quan sát mô hình, họ phát hiện ra rằng protein của nó dễ hấp thụ hơn protein lúa mì. Bên cạnh đó, chuột bạch ăn theo chế độ giàu loại quả này có tỷ lệ tăng trưởng và cân nặng cao hơn những con chuột thí nghiệm ăn ở chế độ thường. Cô Liu còn thấy chuột ăn bột quả sa kê uống nhiều nước hơn. Ba tuần sau thử nghiệm, thành phần cơ thể giữa hai nhóm chuột không có gì khác biệt.
“Với tư cách là nghiên cứu hoàn chỉnh đầu tiên về chế độ ăn chứa quả sa kê, dữ liệu của chúng tôi cho thấy một chế độ ăn giàu quả sa kê không tạo ra tác động của độc tố”, cô Liu kết luận. “Để nhanh chóng thiết lập quả sa kê thành thực phẩm thiết yếu hoặc thực phẩm chức năng trong tương lai, ta cần gấp những hiểu biết cơ bản về tác động của quả lên hệ tiêu hóa và chế độ ăn”.
Cô nói thêm rằng quả sa kê có thể trở thành một trong những yếu tố sống còn tới tình hình an ninh lương thực thế giới. Yang Liu lấy ví dụ: mức tiêu thụ ngũ cốc trung bình một ngày tại Mỹ là 189 gam; nếu một người ăn cùng lượng quả sa kê nấu chín đó trong một ngày, họ sẽ có tới 57% lượng chất xơ, hơn 34% lượng protein cần trong ngày và cùng lúc đó, hấp thụ được vitamin C, kali, sắt, canxi và phốt-pho.
“Nhìn chung, những nghiên cứu dạng này sẽ hậu thuẫn việc sử dụng quả sa kê vào một bữa ăn có lợi cân bằng và giàu dinh dưỡng”, cô Liu hồ hởi nói. “Bột tạo ra từ quả sa kê không có gluten, có chỉ số GI thấp, giàu dinh dưỡng và là một phương áp nạp protein hiệu quả trong bối cảnh thực phẩm hiện đại”.
Đã có thể mường tượng ra ngày ăn sa kê thay cơm, khi mà vợ chồng bạn chung tay chế biến ra những món nướng, hấp, chiên hoặc luộc từ siêu thực phẩm này.
Tham khảo ScienceDaily