Thứ ba, 17 Tháng chín, 2024
Trang chủKiến thức chuyên ngànhQuy trình Công nghệQuy trình sản xuất trà xoài đóng chai theo quy mô công nghiệp

Quy trình sản xuất trà xoài đóng chai theo quy mô công nghiệp

Trà xoài đóng chai với hương vị ngọt ngào và thanh mát từ sự kết hợp hoàn hảo giữa trà và xoài, đang ngày càng thu hút người tiêu dùng yêu thích sự mới lạ. Tuy nhiên, để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo, đằng sau đó là một quy trình sản xuất phức tạp và được kiểm soát chặt chẽ. Hãy cùng Foodnk khám phá cách mà loại thức uống này được tạo ra như thế nào nhé!

Giới thiệu sản phẩm

Trong những năm gần đây, thị trường trà đóng chai có sự phát triển vượt bậc, trở thành một trong những phân khúc đồ uống giải khát được yêu thích nhất. Vì sự tiện lợi và những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại, vì thế người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm trà đóng chai nhiều hơn.

Đặc biệt, trà trái cây đang nổi lên như một xu hướng mới, khi người tiêu dùng tìm kiếm những lựa chọn tươi mới và tự nhiên hơn, thay vì các loại đồ uống có gas hay chứa nhiều đường. Sự kết hợp giữa trà và trái cây không chỉ đem lại hương vị thơm ngon mà còn cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm và đồ uống lành mạnh.

Trà xoài đóng chai với hương vị thanh mát từ sự kết hợp giữa trà và xoài, đang ngày càng thu hút người tiêu dùng yêu thích sự mới lạ.

Trà xoài đóng chai là một sản phẩm nổi bật trong dòng trà trái cây, với hương vị đặc trưng từ trà hòa quyện cùng vị ngọt thanh của xoài chín. Không chỉ là một thức uống giải khát thông thường, trà xoài còn mang lại cảm giác tươi mới và thư giãn, khiến nó trở thành lựa chọn lý tưởng cho những ngày hè oi bức hay những lúc cần chút hương vị tươi mát giữa cuộc sống bận rộn.

Quy trình sản xuất trà xoài đóng chai theo quy mô công nghiệp

Công đoạn thu hoạch trà

Quá trình thu hoạch lá trà đúng cách là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng cao của trà, giữ lại được hương vị tự nhiên và các dưỡng chất cần thiết cho sản phẩm trà đóng chai.

1. Chọn lựa vườn trà

Việc chọn vườn trà có giống trà chất lượng cao, được trồng ở các vùng có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp là rất quan trọng. Vườn trà thường nằm ở những khu vực có độ cao nhất định, với điều kiện thời tiết ổn định để cây trà phát triển tốt nhất.

2. Thu hoạch lá trà

Thu hoạch trà thường vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ mát mẻ, khi đó lá trà còn giữ được độ ẩm tự nhiên. Thời điểm thu hoạch này giúp bảo quản tốt hương vị và các dưỡng chất trong lá trà.

Chỉ những lá trà non, mầm trà (búp) và một số lá bên dưới búp trà được hái. Những lá non này chứa nhiều tinh chất và mang lại hương vị thơm ngon cho trà. Lá già hoặc bị hư hại sẽ không được chọn vì chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

3. Phương pháp thu hoạch

  • Thu hoạch thủ công: Ở một số vùng trà đặc biệt, việc thu hoạch thường được thực hiện bằng tay để đảm bảo chỉ những lá tốt nhất được chọn. Điều này giúp giữ nguyên vẹn cấu trúc của lá trà, từ đó bảo tồn hương vị tự nhiên.

Trà xoài đóng chai với hương vị thanh mát từ sự kết hợp giữa trà và xoài, đang ngày càng thu hút người tiêu dùng yêu thích sự mới lạ.

  • Thu hoạch cơ giới: Trong các vùng trồng trà quy mô lớn, việc thu hoạch bằng máy móc là phương pháp phổ biến. Phương pháp này cho phép thu hoạch nhanh chóng và hiệu quả trên diện tích rộng, tuy nhiên cần kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng lá trà không bị ảnh hưởng.

4. Xử lý sau thu hoạch

  • Làm khô ban đầu: Ngay sau khi thu hoạch, lá trà thường được làm khô nhẹ bằng cách phơi nắng hoặc sử dụng máy làm khô. Quá trình này giúp giảm độ ẩm trong lá trà, làm chậm quá trình oxy hóa và giữ cho lá trà tươi mới trước khi chế biến tiếp theo.
  • Phân loại và bảo quản: Lá trà sau khi làm khô ban đầu sẽ được phân loại để loại bỏ các lá không đạt yêu cầu. Sau đó, chúng được bảo quản trong điều kiện mát mẻ và khô ráo cho đến khi được chế biến thành các sản phẩm trà đóng chai.

Công đoạn sản xuất trà xoài đóng chai

1. Chiết xuất trà

Quy trình sản xuất trà xoài đóng chai bắt đầu với việc chọn lựa lá trà tươi chất lượng cao. Lá trà sau khi được sơ chế và phơi khô sẽ được đưa vào bể chiết chuyên dụng. Trong bể chiết, lá trà sẽ được ngâm trong nước tinh khiết đã được khử ion ở nhiệt độ từ 55oC đến 95oC. Tùy thuộc vào loại trà và điều kiện chế biến, lá trà sẽ được ủ từ 10 đến 15 phút để chiết xuất các hoạt chất và hương vị từ lá trà, tạo ra nước trà.

Khi chiết xuất trà ở nhiệt độ cao (85 – 95oC), quy trình này sẽ sử dụng bể chiết thông thường. Tuy nhiên, nếu muốn bảo quản tối đa hương vị và dinh dưỡng của trà, phương pháp chiết lạnh với bể chiết chân không sẽ được áp dụng. Trong trường hợp này, nhiệt độ sẽ giảm xuống khoảng 40 – 50oC, giúp giữ lại tối đa màu sắc, hương thơm và chất dinh dưỡng từ lá trà.

2. Lọc trà

Nước trà sau khi được chiết xuất cần được làm nguội nhanh chóng bằng máy làm mát dạng đĩa, từ nhiệt độ 85 – 90oC xuống 55oC. Sau khi làm nguội, nước trà sẽ được lọc qua máy ly tâm để loại bỏ các hạt rắn và chất lơ lửng. Máy ly tâm dạng đĩa, với tốc độ quay cao (có thể đạt 5890 vòng/phút), sẽ tách các tạp chất không tan trong nước trà. Quá trình này rất quan trọng để bảo đảm nước trà đạt độ tinh khiết cao và giữ lại polyphenol, một hợp chất quý giá có trong trà.

Trà lại tiếp tục được đưa qua công nghệ tách màng được áp dụng để xử lý nước trà, giúp loại bỏ các tạp chất cao phân tử còn sót lại. Quá trình này giúp tạo ra nước trà trong suốt và đậm đặc, không dễ bị kết tủa hoặc đục khi làm mát. Quá trình cô đặc màng thuộc loại nồng độ nhiệt độ thấp, giữ lại hương thơm và màu sắc của trà tốt hơn. Hệ thống này có độ tự động hóa cao, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.

3. Phối trộn thành phần

Nước trà đã được làm sạch sẽ được chuyển vào bể trộn. Tại đây, phối trộn trà với các thành phần khác như nước tinh khiết, đường, acid citric, nước ép xoài, sữa, natri citrat và hương liệu theo tỷ lệ thích hợp. Trong quá trình pha trộn, điều quan trọng là phải duy trì tốc độ khuấy ổn định (dưới 50 vòng/phút) và bảo vệ không gian phía trên mức chất lỏng bằng CO2 để ngăn ngừa quá trình oxy hóa polyphenol trong trà, giúp nước trà giữ nguyên màu sắc và hương vị.

4. Đồng hóa

Quá trình đồng hóa vô cùng quan trọng để làm mịn, nhỏ các hạt còn lơ lửng trong nước trà, giúp các hạt này phân tán đều trong chất lỏng. Đồng thời, để ngăn ngừa oxy hóa và sự mất chất dinh dưỡng trong trà, quá trình khử khí sẽ được tiến hành để loại bỏ hoàn toàn oxy trong nước trà.

5. Tiệt trùng

Tiếp theo, nước trà sẽ được tiệt trùng ở nhiệt độ cao để đảm bảo an toàn thực phẩm. Đối với trà nguyên chất, quá trình tiệt trùng có thể diễn ra ở 115oC trong 5 phút hoặc 135oC trong 3 – 5 giây. Đối với các loại trà chứa sữa, quá trình này yêu cầu nhiệt độ 121oC trong 30 phút để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn có hại.

6. Đóng chai và thanh trùng

Nước trà sau khi tiệt trùng sẽ được đóng chai, lon ở nhiệt độ trên 89oC. Sau khi được đóng kín, nitơ lỏng sẽ được thêm vào để thay thế không khí trong thùng chứa, ngăn ngừa quá trình oxy hóa. Quy trình này được thực hiện trong môi trường sạch, đảm bảo độ sạch cấp 10.000, với nhiệt độ không gian dưới 30oC và độ ẩm dưới 70%.

Sau khi đóng chai, sản phẩm sẽ được chuyển qua hệ thống thanh trùng và làm mát. Chai trà sẽ được lật ngược để tận dụng nhiệt lượng từ chính nước trà để tiệt trùng lại nắp và miệng chai. Sau đó, các chai sẽ đi qua hệ thống làm mát để giảm nhiệt độ nhanh chóng. Khi nhiệt độ giảm đột ngột sẽ ảnh hưởng tới vi sinh vật, từ đó kéo dài thời gian bảo quản.

Trà xoài đóng chai với hương vị thanh mát từ sự kết hợp giữa trà và xoài, đang ngày càng thu hút người tiêu dùng yêu thích sự mới lạ.

7. Kiểm tra thành phẩm

Cuối cùng, trà xoài đóng chai sẽ được bảo ôn để kiểm tra chất lượng thành phẩm trước khi được đóng gói và phân phối ra thị trường. Việc kiểm tra bao gồm các tiêu chí về hương vị, màu sắc, độ trong suốt và an toàn thực phẩm.

Lựa chọn xoài chín tự nhiên hay hương xoài nhân tạo?

Trong sản xuất trà xoài đóng chai theo quy mô công nghiệp, nhà sản xuất thường có hai lựa chọn: sử dụng xoài chín tự nhiên hoặc hương xoài nhân tạo (hương liệu). Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Do đó, việc lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chi phí, quy mô sản xuất, và yêu cầu về hương vị cuối cùng của sản phẩm.

Sử dụng xoài chín tự nhiên

  • Ưu điểm: Xoài chín tự nhiên cung cấp hương vị và màu sắc tự nhiên, giữ lại các chất dinh dưỡng và vitamin vốn có, điều này hấp dẫn những người tiêu dùng quan tâm đến thực phẩm tự nhiên và tốt cho sức khỏe. Việc dùng xoài chín giúp sản phẩm có hương vị tươi mới và thơm ngon hơn.
  • Nhược điểm: Tuy nhiên, việc sử dụng xoài chín đòi hỏi quy trình bảo quản phức tạp, chi phí nguyên liệu cao và thời gian chế biến dài hơn. Ngoài ra, chất lượng xoài có thể không đồng đều do ảnh hưởng của mùa vụ và nguồn cung cấp.

Sử dụng hương xoài nhân tạo

  • Ưu điểm: Hương xoài nhân tạo có khả năng mang lại hương vị ổn định và đồng đều, giúp tiết kiệm chi phí nguyên liệu và dễ dàng trong quá trình sản xuất quy mô lớn. Hương liệu có thể được điều chỉnh để tạo ra mùi vị xoài đặc trưng mà không cần lo lắng về sự biến động của nguồn cung xoài tự nhiên.
  • Nhược điểm: Tuy nhiên, sản phẩm sử dụng hương xoài nhân tạo có thể không mang lại cảm giác tươi mới và tự nhiên như khi sử dụng xoài chín. Người tiêu dùng cũng có thể e ngại khi sản phẩm không sử dụng nguyên liệu tự nhiên.

Trong thực tế, nhiều nhà sản xuất có xu hướng kết hợp cả hai phương pháp này. Xoài chín tự nhiên có thể được sử dụng để tạo ra phần lớn hương vị và giá trị dinh dưỡng. Trong khi hương xoài nhân tạo được thêm vào để đảm bảo tính ổn định khi bảo quản dài và đồng nhất sản phẩm trong sản xuất quy mô lớn.

Kết luận

Mỗi bước trong sản xuất trà xoài đóng chai đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng cao nhất. Với sự phát triển của công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại, ngành công nghiệp đồ uống trà đang ngày càng cung cấp những sản phẩm an toàn, ngon miệng và tốt cho sức khỏe đến tay người tiêu dùng.

Vy Đặng

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

BÀI VIẾT MỚI