Tinh bột khoai mì (tinh bột sắn) được sử dụng rộng rãi trong ngành thực phẩm. Vậy quy trình sản xuất tinh bột khoai mì sẽ bảo gồm những công đoạn nào? Bạn hãy cùng Foodnk tìm hiểu rõ hơn quy trình sản xuất tinh bột khoai mì từ củ khoai mì (củ sắn) qua bài viết sau nhé! Tất nhiên, phạm vi bài viết này sẽ xoay quanh về những công đoạn chung nhất để có được thành phẩm.
Nguyên liệu
Khi vào mùa vụ, người ta sẽ thu hoạch cây khoai mì (cây sắn) và chỉ sử dụng rễ (phát triển thành củ) để sản xuất tinh bột. Sau đó nguyên liệu sẽ được sơ chế các bước cần thiết như bóc vỏ, phân loại,… Ngày nay, việc sử dụng máy chuyên dụng để sơ chế khoai mì được nhiều cơ sở sản xuất áp dụng. Cách làm này sẽ tiết kiệm thời gian nhưng lại tốn kém chi phí. Mặc khác, sơ chế khoai mì có thể thực hiện thủ công và tốn khá nhiều nhân công.
Khi sơ chế, lớp vỏ ngoài của củ khoai mì phải được loại bỏ triệt để. Bởi vì lớp vỏ này có thể ảnh hưởng đến màu sắc, chất lượng,… của thành phẩm. Vỏ của củ khoai mì chủ yếu là xellulo và hemixellulo. Đặc biệt hầu như vỏ khoai không chứa tinh bột.
Rửa
Nguyên liệu sau khi sơ chế xong sẽ chuyển đến công đoạn rửa. Quá trình rửa sẽ loại bỏ các tạp chất trong quá trình sơ chế nguyên liệu trước đó. Để thuân tiện, công đoạn rửa sẽ ưu tiên sử dụng máy.
Băm và mài nguyên liệu
Sau khi rửa, củ khoai mì sẽ có độ trắng và thẩm mĩ hơn. Lúc này, nguyên liệu sẽ được chuyển qua dây chuyền băm. Ở công đoạn này, nhân công sẽ kiểm soát độ sạch của nguyên liệu. Đảm bảo không có tạp chất lẫn vào trong khi băm nguyên liệu. Nguyên liệu sẽ được băm khoảng 1 – 2cm rồi đưa xuống thùng chứa để đến máy mài. Máy mài sẽ giúp nguyên liệu mịn, nhuyễn hơn để có dịch sữa. Nếu thực hiện thủ công thì công đoạn băm sẽ không cần thiết.
Hạt tinh bột đều nằm trong tế bào của củ khoai mì. Do đó phải phá vỡ cấu trúc này để tách phần tinh bột ra. Tất nhiên, hiệu suất thu hồi tinh bột càng cao khi cấu trúc này bị phá vỡ. Cũng có nghĩa, củ khoai được mài càng nhuyễn sẽ thu được lượng tinh bột càng lớn. Vì vậy công đoạn băm và mài là khâu rất quan trọng để sản xuất tinh bột khoai mì.
Tách bã và lắng
Dịch sữa sẽ được thực hiện tách bã. Công đoạn này còn được gọi là lắng dịch sữa. Công đoạn này sẽ giúp tách riêng biệt bã khoai và dịch tinh bột. Kết thúc công đoạn lắng sẽ thu được dịch sữa bột. Theo đó, dịch sữa bột sẽ được cho thêm một lượng nước nhất định để hòa tan. Sau đó, hỗn hỗn này sẽ được để yên khoảng 6 tiếng trở lên. Khi thấy tinh bột lắng xuống thì sẽ kết thúc công đoạn lắng. Người ta sẽ sử dụng phần tinh bột lắng được, còn nước tinh bột sẽ bỏ đi không sử dụng. Kết thúc giai đoạn này độ ẩm trong tinh bột dạng ướt là khoảng 32% – 34%.
Trong công nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất sẽ thực hiện phương pháp lý tâm bằng máy để thu tinh bột được triệt để.
Sấy và làm nguội
Tinh bột ướt vừa thu được sẽ thực hiện sấy để giảm độ ẩm xuống (khoảng 12% – 13%). Mục đích là nhằm tăng thời gian bảo quản của thành phẩm. Các phương pháp sấy khô rất đa dạng. Do đó, tùy thuộc vào nhu cầu mà người ta sẽ thực hiện phương pháp thuận tiện nhất.
Rây, đóng gói thành phẩm
Khi sấy khô hoàn thành, tính bột sẽ được làm nhuyễn nếu cần thiết. Sau đó sẽ được rây lại để tạo độ đồng nhất về kích thước hạt. Cuối cùng, tinh bột khoai mì sẽ được chuyển qua dây chuyền đóng gói, in nhã dán thông tin sản phẩm,… để lưu kho tiêu thụ.
Thúy Duy