Theo tìm hiểu của Foodnk trên các diễn đàn và cộng đồng Công nghệ thực phẩm, có rất nhiều ngộ nhận và ý kiến trái chiều về công việc QC thực phẩm. Một số người cho rằng QC không hợp với nữ, QC không cần dùng “chất xám” nhiều, công việc QC chủ yếu là kiểm tra. Vậy thực tế công việc QC thực phẩm như thế nào? Trong bài viết này, Foodnk sẽ tổng hợp và đưa ra một số góc nhìn để bạn có câu trả lời cho những câu hỏi này.
Đặc điểm công việc QC
QC viết tắt là Quality Control. QC thực phẩm là người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng của sản phẩm thực phẩm ở mọi giai đoạn của quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm.
>> Tìm hiểu thêm Nhân viên QC, QA thực phẩm sẽ làm gì trong ngành công nghiệp thực phẩm?
Công việc QC rất đa dạng nhưng đặc điểm chung nhất của công việc này ở một số nhà máy thực phẩm là:
- Địa điểm làm việc: Đa phần nhân viên QC làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp sản xuất thực phẩm, thường là ở các vùng ngoại ô thành phố hoặc các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp.
- Trang phục: Nhân viên QC thường mặc đồng phục bảo hộ lao động, bao gồm bao tay, khẩu trang, nón trùm đầu, áo blouse. Nhân viên nữ không được mang trang sức trong khi làm việc để tránh vi khuẩn xâm nhập vào thực phẩm.
- Yêu cầu công việc: Công việc QC thực phẩm thiên về kỹ thuật. Các yêu cầu chính của công việc bao gồm chăm chỉ, cẩn thận, có hiểu biết về máy móc thiết bị và sản phẩm thực phẩm.
- Lộ trình thăng tiến: Lộ trình thăng tiến của công việc QC thực phẩm khá rõ ràng. Nhân viên có thể thăng tiến lên các vị trí cao hơn như trưởng nhóm QC, giám sát QC,…
- Tiền lương: Nhân viên QC thường được tăng ca để đáp ứng số lượng sản xuất. Tiền lương tăng ca theo quy định của nhà nước. Với các bạn chấp nhận tăng ca nhiều thì mức lương hàng tháng có thể trên 10 triệu VNĐ/tháng.
QC không hợp với nữ?
Công việc QC thực phẩm tại một số nhà máy được các bạn đánh giá là không phù hợp với các bạn nữ. Thực tế dưới đây là một số lý do được Foodnk tổng hợp:
- QC thực phẩm thường làm việc trong môi trường nhà máy, có nhiều máy móc, thiết bị, làm việc trong môi trường nóng, ẩm, nhiều bụi bẩn (Tuy nhiên chỉ với một số ít nhà máy nhỏ như nhà máy sản xuất nông sản sấy….)
- Công việc QC thực phẩm thường yêu cầu làm việc theo ca, xoay ca, có thể dẫn đến mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe, nhan sắc.
- Yêu cầu nhân viên phải tuân thủ các quy định về vệ sinh cá nhân, trong đó có quy định không được mang trang sức cung như thường xuyên mặc đồ bảo hộ lao động nên sẽ không thể thể hiện những “bộ cánh” lộng lẫy.
Tuy nhiên nếu bạn có bản lĩnh và khả năng thích nghi tốt cũng như sự yêu thích nhất định với ngành thực phẩm thì chắc chắn bạn sẽ có thể vượt qua và hoàn thành tốt công việc. Với kinh nghiệm khoảng 1 – 2 năm, bạn có thể xin sang các mảng khác trong nhà máy như R&D, QA (nếu công ty có nhu cầu tuyển dụng nội bộ) hay chuyển sang các công ty đa quốc gia, công ty lớn để được hưởng những đãi ngộ phù hợp với năng lực.
Có mấy dạng công việc QC mà bạn có thể làm
QC tức là kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm, vậy trong quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm có những công đoạn nào cần kiểm tra thì sẽ cần có QC. Và đương nhiên ở mỗi khâu cùng với mỗi tính chất là sẽ có những cách kiểm tra khác nhau. Tương ứng với đó, QC trong nhà máy thực phẩm sẽ có 3 dạng: QC line, QC lab, QC cảm quan.
- QC line là người có trách nhiệm kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý như tỷ trọng, độ ẩm, nhiệt độ,… trong line (Dây chuyền sản xuất) nhằm đảm bảo bán thành phẩm và thành phẩm được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
- QC Lab là người có trách nhiệm kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh. Công việc này thường được thực hiện tại các phòng thí nghiệm của nhà máy.
- QC cảm quan là người có trách nhiệm đánh giá các chỉ tiêu cảm quan về màu sắc, mùi, vị,… của nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm thông qua các giác quan. Vị trí này thường được bố trí ở một số công ty sản xuất các sản phẩm đặc thù như trà, cà phê, sữa,….
QC tức là “ít dùng chất xám”
Công việc QC trong ngành công nghệ thực phẩm thường bị nhiều người lầm tưởng là công việc ít chất xám, chỉ cần lao động chân tay, không cần suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Dưới đây là một số thực tế được đúc kết sau quá trình làm việc về công việc này:
Đối với công việc QC trong các nhà máy, xí nghiệp, công việc chủ yếu là kiểm tra chất lượng sản phẩm theo quy trình đã được định sẵn. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm, người làm QC cần có kiến thức chuyên môn vững vàng, khả năng phân tích và đánh giá nhanh nhạy. Bên cạnh đó, họ cũng cần có kỹ năng làm việc nhóm tốt để phối hợp với các bộ phận khác trong nhà máy.
Còn đối với công việc QC trong các phòng lab, trung tâm kiểm nghiệm, yêu cầu về “chất xám” lại càng cao hơn. Người làm QC trong lĩnh vực này cần có kiến thức chuyên sâu về các phương pháp phân tích, kiểm nghiệm thực phẩm. Họ cũng cần có khả năng sáng tạo, tư duy logic để xây dựng các quy trình kiểm nghiệm mới, phù hợp với từng loại sản phẩm.
Tạm kết
Như vậy, qua bài viết này, chúng ta đã có cái nhìn tổng quan về công việc QC thực phẩm. Có thể thấy, công việc này không chỉ đơn thuần là “kiểm tra” như nhiều người vẫn nghĩ. Nó đòi hỏi người làm phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và tinh thần trách nhiệm cao. Nếu bạn muốn có 1 góc nhìn chi tiết hơn thì Foodnk khuyên bạn nên tham khảo ý kiến trực tiếp từ những anh/chị đã làm việc trong ngành hay thầy cô của bạn. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi trực tiếp trên các diễn đàn về thực phẩm như Công đồng Công nghệ thực phẩm Việt Nam, Cộng đồng dân Công nghệ thực phẩm.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về công việc QC thực phẩm. Nếu bạn đang quan tâm đến công việc này, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định theo đuổi.
Vân Thanh (Tổng hợp)