Trong danh sách 3 cơ sở “đen” đầu tiên tại TP.HCM bị công bố có sản phẩm (bún, bánh hỏi, bánh phở) chứa chất cấm, có cơ sở chỉ mới đây là điển hình tiêu biểu được đại diện ký cam kết sản xuất sạch.
Ngày 10/8, Sở Y tế TP.HCM công bố phát hiện 6 mẫu sản phẩm gồm bún tươi, bánh phở, bánh hỏi của 3 cơ sở sản xuất có chứa Tinopal, Acid oxalic, là hoá chất công nghiệp không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, và chất Natri sulfite, là chất có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng vượt mức cho phép.
Trước tình trạng bún nhiễm hóa chất liên tục bị phát hiện, nhiều tiểu thương kinh doanh loại hình này phải trưng bảng sản phẩm có thương hiệu để kéo khách.
Cụ thể, hộ kinh doanh Hoàng Thành (địa chỉ 751/40H/15 Hồng Bàng, quận 5) có 4 mẫu thực phẩm nhiễm chất cấm, gầm: 2 mẫu bánh hỏi có chứa Tinopal, 1 mẫu bánh hỏi có Natri sulfite vượt mức cho phép và 1 mẫu bánh lọt có Natri sulfite vượt mức cho phép.
Hộ kinh doanh Phương Dung (địa chỉ 71/486E Phan Huy Ích , phường 12, Gò Vấp) bị phát hiện 1 mẫu bún bò có chứa Tinopal (hàm lượng 0,35 mg/kg). Đáng chú ý là trường hợp Công ty TNHH Cát Tường (địa chỉ 38/73 đường 50, phường 14, Gò Vấp) có 1 mẫu bánh phở có chứa Acid Oxalic.
Ngay sau khi ký cam kết sản xuất bún, phở sạch, nhiều cơ sở sản xuất bún, phở trên địa bàn TP. HCM bị phát hiện có chất cấm trong sản phẩm này.
Theo các chuyên gia về thực phẩm, Acid oxalic còn nguy hiểm hơn Tinopal, rất độc cho thận và gan. Đây là doanh nghiệp lớn sản xuất và cung ứng các sản phẩm từ bột và tinh bột trên địa bàn TP.HCM. Chủ doanh nghiệp từng cho báo chí biết, sản phẩm của cơ sở đã được bán cho hơn 10 siêu thị ở TP.HCM.
Trước đó, ngày 29/7, các công ty này cũng là đại diện tiêu biểu cho 201 cơ sở sản xuất, kinh doanh bún phở trên địa bàn ký cam kết sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường dưới sự chứng kiến của Sở Y tế, Sở Công thương thành phố.
Theo Sở Y tế TP.HCM, để đảm bảo chính xác, khách quan, đơn vị này đã thực hiện xét nghiệm đối chứng với Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia Hà Nội các mẫu trên. Còn về xử lý vi phạm các cơ sở trên, Sở Y tế cho biết đã tiến hành bàn giao toàn bộ các kết quả không đạt nêu trên cho Sở Công thương TP.HCM xử phạt theo thẩm quyền.
Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Đoàn kiểm tra liên ngành 24 quận, huyện tiến hành kiểm tra mở rộng và lấy mẫu kiểm soát an toàn thực phẩm đối với toàn bộ các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ bột, tinh bột trên địa bàn thành phố. Kết quả tính tới thời điểm hiện nay, các đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra được 241 lượt/212 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ bột, tinh bột trên địa bàn, lấy 166 mẫu kiểm tra các chỉ tiêu Tinopal, acid Oxalic, Natri sulfite và Natri benzoat.
Theo Zing