Đi Tuy Phong đến hai lần, tôi mới hẹn gặp được chị Nguyễn Thị Ý Thuận, bởi chị ít khi có mặt ở nhà, mà suốt ngày đến với các trại nho của mình, mỗi trại cách nhau vài chục cây số.
Vốn là dân thị trấn Liên Hương (Tuy Phong), từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Thuận đã nghĩ đến những giàn nho, mỏng mảnh ở vùng quê hương nắng gió của mình sao trái chỉ nhỏ xíu. Ý nguyện thi vào ngành trồng trọt-Trường Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh được hình thành từ đó. Và chị đã đậu đại học năm đầu tiên (1979). Học xong bốn năm đại học, chị Thuận về công tác tại Phòng Nông nghiệp-phát triển nông thôn Tuy Phong (phụ trách kỹ thuật cây trồng); rồi chuyển qua làm việc cho Trại giống nho Vĩnh Hảo thuộc Trung tâm SEDEC Bình Thuận. Từ năm 1997, Trại giống nho Vĩnh Hảo đã đưa về các giống nho mới như Black queen (nữ hoàng đen), Italy trái màu vàng, nho không hạt, Red Star… qua trồng thử nghiệm đều phát triển tốt trên vùng đất nắng gió Tuy Phong.
Chị Thuận tính bài toán kinh tế: Bình quân đầu tư một sào nho giống mới 5 triệu đồng (giống, làm giàn, phân bón), đến kỳ thu hoạch, mỗi năm nho có thể cho thu 2 tấn nho trái (bình quân giá nho giống mới 10.000 đồng/kg) người trồng thu được 20 triệu đồng, trừ tiền đầu tư lãi 15 triệu đồng/sào. Mỗi hộ chỉ cần chuyển đổi cây trồng đầu tư “bài bản” 3 sào nho giống mới, mỗi năm có thể thu được 40-50 triệu đồng, tối thiểu cũng 30 triệu đồng. Nếu năm nào rủi ro, thời tiết không thuận lợi, thì cũng còn vụ này bù vụ khác (bởi nho thu 3 vụ/năm) chí ít lãi 5 triệu đồng/sào. Và ở Tuy Phong nhiều người Chăm đã đón nhận giống nho mới, họ mua giống của Trại giống nho Vĩnh Hảo về trồng thử nghiệm, rồi mở rộng diện tích. Đến nay, những giàn nho giống mới Tuy Phong đã lan tỏa được 60 ha trong số 310 ha nho toàn huyện. Tuy những vườn nho giống mới vẫn còn “khiêm tốn”, nhưng là nét chuyển đổi đáng mừng trong phát triển cây trồng lợi thế địa phương.
Đưa “lý thuyết” vào những cánh đồng nho mới
Với chị Ý Thuận, nho giống mới luôn là nỗi đam mê của chị, chị khát khao đưa lý thuyết trong trường đại học, trong sách vở và cả kinh nghiệm san sẻ với bà con nông dân. Ban đầu chị trồng thử nghiệm hai giống nho mới Black queen , Pakchong Seed Less (nho tím không hạt) ở ba sào đất trong vườn nhà tại Phước Thể. Hàng ngày, sau thời gian ở Trại giống nho Vĩnh Hảo trở về, chị Thuận lao ngay ra vườn nho xinh xắn của mình như người nông dân thực thụ. Chị vừa làm vừa học hỏi làm sáng tỏ thêm những điều mình học trong lý thuyết, sách vở nhà trường, bổ sung kinh nghiệm trồng nho cho mình. Chị Thuận bộc bạch, trồng nho mới không chỉ kỹ thuật chuyên sâu mà còn phải quan sát kỹ, tập trung cho nó, để điều chỉnh trong quá trình nho sinh trưởng (phân bón, cắt cành cho nho ra trái…).
Mỗi giống nho mới mang một đặc trưng riêng, nhưng đều đòi hỏi đầu tư đúng mức, mới cho chất lượng trái cao, có màu sắc đẹp. Bình quân năng suất giống nho mới đạt 15 tấn/ha/vụ, nhưng để trái đạt chất lượng theo tiêu chuẩn thị trường đòi hỏi, chị Thuận “khống chế” chỉ để thu hoạch 12 tấn/ha/vụ. Lượng đổi kéo theo chất đổi, vườn nho của chị đã cho những trái to tròn, ngọt lịm, hương vị thơm, đặc biệt có màu sắc chuẩn như “nữ hoàng đen”, “Italy màu vàng”, luôn được thị trường ưa chuộng. Tham quan vườn nho của chị đang vào mùa thu hoạch, nhìn những chùm nho “nữ hoàng đen” sai trái, chín thẫm, đen mọng; cạnh đó những luống nho Pakchong không hạt màu tím cũng vừa chín tới thật thích thú. Chị Thuận cho biết, mới cắt hai giống nho đưa đi tiêu thụ ở siêu thị Sàigòn Coop (Tp. HCM).
Tại vùng đất cát nghèo chất dinh dưỡng ven biển xã Bình Thạnh, chị Thuận cũng đã nghiên cứu trồng thành công bảy sào hai giống nho Italy màu vàng và Black queen, cho trái có màu sắc giống với giống nho gốc, chất lượng thơm ngon, tiêu thụ tại các siêu thị Tp. HCM. Hiện nay, với tư cách chủ trang trại nho Hồng Thuận, chị Thuận hợp đồng với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp. HCM (Sàigòn Coop) và Công ty TNHH dịch vụ An Phong (Maxxi) cung cấp nho tươi cao cấp với số lượng 20-30 tấn/năm.
Ngoài sản lượng nho của trang trại mình, chị đi “lùng” thu mua thêm nho mới của người Chăm khắp nơi ở Tuy Phong, nhưng cũng không đủ số lượng cung cấp cho hai đơn vị hợp đồng. Ngoài nho ăn trái, trang trại nho Hồng Thuận đang mở rộng đầu tư trồng 4 ha giống nho làm rượu tại 2 xã Phong Phú, Vĩnh Hảo (năng suất giống nho rượu 12-15 tấn/ha/vụ), để cung cấp nguyên liệu cho Công ty rượu vang Sài Gòn, chế biến rượu vang xuất khẩu. Chị Thuận bật mí, Công ty rượu vang Sài Gòn đang xúc tiến đầu tư trồng 10 ha giống nho rượu ở Phong Phú và xây dựng nhà máy chế biến nho tại Vĩnh Hảo (đang khảo sát hệ thống nước tưới nho); tạo quy trình khép kín trồng và chế biến rượu nho tại chỗ Công ty rượu vang Sài Gòn còn dự kiến đầu tư mở rộng trên 100 ha nho rượu tại Tuy Phong để đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động Tuy Phong.
Tương lai cây nho mở ra thật sáng lạn trên vùng đất nắng gió Tuy Phong, với chị Thuận một người đã có trên 20 năm gắn bó với cây nho, chị vẫn mãi mãi trăn trở: Nho giống mới vẫn chưa lan tỏa rộng trên đồng ruộng nóng bỏng Tuy Phong, phải chăng người nông dân chưa vươn tới được (?). Trước đây (với tư cách người làm kỹ thuật), đã bao lần đến với bà con nông dân, chị đều khuyến khích họ hãy mạnh dạn nâng cao trình độ kỹ thuật lai ghép nho mới, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sẽ có thị trường tiêu thụ. Bây giờ cũng vậy (tuy không còn làm công tác chuyên môn trong tổ chức, nhà nước), chị vẫn ao ước: cây nho là một trong số ít cây chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tuy Phong.
Binh Thuan online