Thực phẩm chức năng là một loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe được chế biến từ động vật, thực vật hay dược liệu. Trong thực phẩm chức năng chứa những dưỡng chất giúp bổ sung và cải thiện các hoạt động của cơ thể con người. Thực phẩm chức năng quen thuộc với chúng ta như vậy. Nhưng chưa hẳn ai cũng biết về lịch sử phát triển của ngành thực phẩm chức năng. Hãy cùng Foodnk tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Tìm hiểu về ngành Thực phẩm chức năng
Trong những thập kỷ vừa qua, ngành thực phẩm chức năng đã phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Sự phát triển của ngành này đã giúp con người hiểu được vai trò của thức ăn. Đặt biệt, giúp kiểm soát được bệnh tật hay các vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Ngày nay, dù chúng ta dùng thực phẩm hằng ngày, tuy nhiên vẫn chưa biết được các thành phần dinh dưỡng có trong mỗi loại thực phẩm. Và chưa biết rõ được những tác động của thực phẩm tới sức khỏe cơ thể. Các đại danh y như Hippocrates – được xem là người sáng lập ra nền y học hiện đại hay Tuệ Tĩnh – được coi là ông Tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam đều quan niệm “Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn”.
Loài người ngày càng phát triển nên bệnh tật cũng dần thay đổi. Các bệnh phát triển theo xã hội loài người, đặc biệt từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Dân số đang già hóa, kéo theo tuổi thọ trung bình tăng, lối sống đang dần thay đổi. Các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng và thực phẩm ngày càng tăng. Ngoài ra, việc chăm sóc, kiểm soát các bệnh đặt ra nhiều vấn đề lớn cho y học, y tế và phúc lợi xã hội.
Xã hội phát triển, thế nên chúng ta cũng nhận thức được tầm quan trọng của chế độ ăn uống trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh mãn tính. Đây cũng là hướng nghiên cứu và phát triển về khoa học trong ngành thực phẩm chức năng. Con người đã hiểu và biết được các bí mật của thức ăn nhờ đó kiểm soát được nhiều bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan.
Tác dụng của thực phẩm được biết tới từ hàng nghìn năm trước
Từ những năm trước công nguyên, các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc đã dùng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh và trị bệnh. Ở phương tây, cách đây 2500 năm TCN, Hippocrates cũng đã tuyên bố “Hãy để thực phẩm là thuốc của bạn, thuốc là thực phẩm của bạn”.
Do khoa học công nghệ chế biến thực phẩm ngày càng phát triển, người ta càng có khả năng nghiên cứu và sản xuất nhiều loại thực phẩm chức năng để:
- Cải thiện sức khỏe.
- Nâng cao tuổi thọ.
- Phòng ngừa các bệnh mãn tính.
- Tăng cường chức năng sinh lý của các cơ quan cơ thể khi đã suy yếu,…
Trung Quốc được biết đến là quốc gia có nền đông y phát triển bậc nhất thế giới. Thế nên, tại đây, người ta đã nghiên cứu và phát triển rất nhiều về thực phẩm chức năng. Theo thống kê có đến 10.000 loại thực phẩm chức năng đã sản xuất và chế biến tại đất nước tỷ dân này. Có những thương hiệu lớn đã có mặt tại 100 quốc gia trên khắp toàn cầu, đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Không đứng ngoài xu hướng thị trường, ngành thực phẩm chức năng cũng đã được đầu tư bài bản ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Anh, Úc và nhiều nước châu Á, châu Âu khác.
Công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng như thế nào?
Thực phẩm chức năng được làm theo những công thức nhất định phục vụ cho từng mục đích của con người. Bằng cách thêm vào “các thành phần có lợi” hay bỏ bớt “các thành phần bất lợi” để tạo ra thực phẩm chức năng mong muốn. Ngày nay, thực phẩm chức năng rất đa dạng và thường được làm dưới dạng viên vì thuận lợi cho việc bảo quản, sử dụng, đóng gói và lưu thông.
Tại các quốc gia có nền y học cổ truyền phát triển: Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… thực phẩm chức năng được phát triển trên cơ sở: “Biện chứng luận về âm dương hòa hợp”; “Hệ thống luận ngũ hành sinh khắc” trên cơ sở về yếu tố Quan tam bảo: Tinh – Thần – Khí và cơ sở triết học thiên nhân hợp nhất dưới sự soi sáng của y học hiện đại.
Kế thừa những truyền thống của y học cổ truyền, các tập đoàn dược phẩm lớn: Tiens Group, Merro International Biology, Tianjin Jinyao Group,… áp dụng kỹ thuật hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm chức năng.
Đối với các nước không có nền y học cổ truyền như ở phương đông, các doanh nhân, các nhà khoa học, những người đam mê với nền y học phương đông, đã đi sâu nghiên cứu, học hỏi và phát triển ra các sản phẩm thực phẩm chức năng ở ngay tại chính nước mình. Ví dụ như các tập đoàn Forever Living Products, Amway của Mỹ là những tập đoàn đã đầu tư rất lớn cho việc nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm chức năng để phục vụ nhu cầu thị trường.
Nhật Bản là nước đầu tiên ban hành Luật về thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng mà trong đó là thực phẩm bổ sung (Vitamin and Mineral Food Supplement) và thực phẩm bổ sung các hoạt chất từ thảo dược (Botanical Herbal Dietary Supplement) được phát triển rất sớm ở Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Canada.
Nhật Bản là nước đầu tiên trên thế giới ban hành về Luật thực phẩm chức năng vào năm 1991. Tiếp theo đó Mỹ ban hành vào năm 1994; Đài Loan, Trung Quốc ban hành năm 1999. Hầu hết các quốc gia khác ban hành luật thực phẩm chức năng chậm hơn trong giai đoạn 2000 – 2004.
Tiềm năng thị trường thực phẩm chức năng vô cùng lớn
Thị trường ngành thực phẩm chức năng những năm gần đây được xem là thị trường có tốc độ và đà tăng trưởng nhanh. Đối với nhiều quốc gia, tốc độ phát triển tăng trường từ 20 – 30% mỗi.
- Tại Nhật Bản, năm 2004 các sản phẩm thực phẩm chức năng FOSHU đạt 5,5 tỷ USD. Còn các sản phẩm sức khỏe đạt 12,5 tỷ USD.
- Tại Mỹ, năm 2006, chỉ tính 20 loại thực phẩm chức năng từ dược thảo được bán trên kênh FDM (Food, Drug of Market Retail Stores) đã đạt gần 250 triệu USD, nguyên liệu thô đạt 388 triệu USD. Năm 2007, thực phẩm bổ sung vitamin đạt 1,8 tỷ USD. Toàn bộ thực phẩm chức năng ở Mỹ chiếm 32% thực phẩm chức năng trên toàn thế giới.
- Thị trường Thực phẩm chức năng thế giới năm 2007 đã đạt 70 tỷ USD. Năm 2012 đạt gần 180 tỷ USD, đến 2017 đạt gần 300 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,4% năm.
Đối với ASEAN, năm 2010, thị trường thực phẩm chức năng đạt 4,8 tỷ USD, tăng 10% so với 7 năm trước đó. Ngành sản xuất thực phẩm chức năng đã tạo thu nhập cho khoảng 10 triệu người lao động. Các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh và lớn nhất bao gồm: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippine và Việt Nam.
Đối với châu Âu trong khối EU có 27 nước với 400 triệu dân. Những năm 1990 có gần 100% sản phẩm thực phẩm chức năng tiêu thụ ở châu Âu là nhập khẩu từ Mỹ. Nhưng đến năm 2012, có tới 60% sản phẩm được sản xuất tại EU. Tỷ lệ sản xuất thực phẩm chức năng tăng lên rõ rệt theo mỗi năm. Vào 2007, thị trường thực phẩm chức năng ở châu Âu đã đạt 15 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân là 16%/năm.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng ngày càng tăng
Tại Nhật Bản, bình quân đầu người sử dụng 126 USD cho sản phẩm thực phẩm chức năng mỗi năm. Trong khi đó con số này tại Mỹ và châu Âu lần lượt là 70 USD và 61 USD. Năm 2006, có đến 40% những người trưởng thành ở Mỹ sử dụng thực phẩm chức năng. Và tăng lên 52% vào năm 2007, tiếp tục tăng trưởng lên đến 72% vào 2010. Tỷ lệ này ở Nhật Bản có mức cao ấn tượng là 80%.
Năm 2004, thế giới đã thành lập Hiệp hội thực phẩm chức năng quốc tế (International Alliance of Dietary/Supplement Association – IADSA) với hơn 60 nước thành viên. Hội nghị quốc tế đầu tiên về thực phẩm chức năng cũng được tổ chức tại Mỹ. Được tổ chức với chủ đề: “Thực phẩm chức năng cho dự phòng và điều trị”. Đến hết năm 2012, thế giới đã tổ chức 13 hội nghị quốc tế về thực phẩm chức năng. ASEAN đã tổ chức 16 hội nghị Thực phẩm chức năng và thuốc y học cổ truyền. Các nước ASEAN cũng thành lập ASEAN – Alliance of Health ¡Supplements Association – AAHSA năm 2004 với 8 nước thành viên. 3 năm sau, Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam được thành lập tháng 12 năm 2007. Còn là thành viên của Hiệp hội Thực phẩm chức năng quốc tế và ASEAN.
Thị trường Thực phẩm chức năng Việt Nam
Từ năm 1999, Thực phẩm chức năng từ các nước bắt đầu nhập khẩu chính thức vào Việt Nam. Do có nhiều điều kiện thuận lợi như:
- Có sẵn nguồn nguyên liệu.
- Lịch sử nền y học cổ truyền lâu đời.
- Có sẵn dây truyền sản xuất thuốc.
- Đội ngũ công nhân chuyên nghiệp.
Các công ty dược, cơ sở thuốc đông y bắt đầu chuyển sang sản xuất thực phẩm chức năng. Từ đó, số người sử dụng thực phẩm chức năng ở Việt Nam cũng ngày càng tăng. Chỉ tính những người sử dụng qua kênh bán hàng đa cấp cho thấy:
- Năm 2005 có khoảng 1 triệu người ở 23 tỉnh (1,1% dân số) sử dụng thực phẩm chức năng.
- Năm 2010 đã tăng lên 5.700.000 người ở khắp 63 tỉnh, thành phố (chiếm 6,6% dân số).
- Năm 2011, Cục An toàn thực phẩm đã điều tra cho thấy ở TP.Hồ Chí Minh có 43% số người trưởng thành – ở Hà Nội có 63% số người trưởng thành sử dụng thực phẩm chức năng.
Thực phẩm chức năng đã giúp nhiều người tăng cường sức khỏe, tăng cường cái đẹp, giảm nguy cơ. Ngoài ra, còn giảm tác hại của nhiều bệnh tật như tim mạch, đái tháo đường, viêm thoái hóa khớp,…
Kết luận
Nhìn chung, thị trường thực phẩm chức năng vẫn còn tiềm năng rất nhiều. Đây là cơ hội, thách thức cho các quốc gia đang phát triển với dân số đông như Việt Nam. Tuy nhiên bạn cần nên lựa chọn những thương hiệu uy tín để sử dụng, tránh tiền mất tật mang.
Linh Như