Nhân viên sản xuất, hay cao hơn là Quản lý sản xuất là những vị trí công việc khá đặc thù trong nhà máy sản xuất thực phẩm. Công việc ở mỗi vị trí, mỗi nhà máy là khác nhau, nhưng công việc này có điểm chung là tham gia vào chuỗi sản xuất trong nhà máy để tạo ra sản phẩm cho doanh nghiệp. Bài viết này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem, Nhân viên sản xuất sẽ làm công việc cụ thể gì nhé!
Có phải Nhân viên sản xuất là Công nhân?
Nếu phải trả lời câu hỏi là có phải hay không thì rõ ràng là “không phải” các bạn nhé! Nhân viên sản xuất được chia ra làm nhiều lĩnh vực và phụ trách nhiều công việc khác nhau.
Thực ra, vì đa phần vị trí công việc này ở các Nhà máy đều yêu cầu nhân viên phải làm theo ca, nên tính chất công việc có phần giống với những công nhân làm việc chân tay. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều sinh viên khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng kỹ sư e ngại về công việc này. Tuy nhiên, thực sự đây là một công việc khá thú vị, mang lại nhiều kiến thức thực tế và những va chạm để trưởng thành trong ngành một cách nhanh chóng.
Những công việc mà Nhân viên sản xuất đảm nhận trong nhà máy?
Tuỳ vào sản phẩm, lĩnh vực sản xuất của nhà máy mà mô tả công việc của các bạn sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, một số công việc mà các bạn phải làm cụ thể là:
- Theo dõi đơn hàng, theo dõi tiến độ sản xuất dựa trên kế hoạch sản xuất để kịp tiến độ xuất hàng;
- Vận hành dây chuyền máy thiết bị, xác định nguyên nhân và khắc phục sự cố nếu có;
- Kiểm tra, xây dựng BOM (định mức nguyên vật liệu) cho các sản phẩm hàng tháng;
- Theo dõi, tìm giải pháp khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất;
- Thực hiện báo cáo sản xuất hàng ngày;
- Tính toán và yêu cầu nguyên vật liệu cho sản xuất;
- Các công việc khác liên quan theo sự chỉ đạo của cấp trên.
Nếu bạn cố gắng cống hiến và được thăng cấp lên Quản lý sản xuất, bạn sẽ đảm nhận thêm các công việc mới mang tính quản lý hơn ví dụ như:
- Điều hành, quản lý và phân công công việc nhân viên trong phòng Kế hoạch;
- Lập kế hoạch nguyên vật liệu cần cho sản xuất hằng ngày. Thay đổi, điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu sản xuất/ theo order của khách hàng;
- Hoạch định và quản lý vật tư, thành phẩm, sản xuất đảm bảo thực hiện mục tiêu nhà máy;
- Giám sát các quá trình làm việc tại Hệ thống kho nguyên liệu, thành phẩm;
- Quản lý và Phân công thực hiện các công việc lập kế hoạch cho sản xuất, đánh giá mức độ hoàn thành, thực hiện điều chỉnh nếu cần;
- Lên lịch trình kiểm soát kế hoạch hàng quý, tháng, tuần, ngày… để đưa hoạt động điều chỉnh, hỗ trợ,… kịp thời;
- Quản lý tồn kho min-max, cân bằng số lượng;
- Quản lý thiết bị máy móc nhà máy;
- Tuyển dụng đào tạo nhân sự.
- Thực hiện các báo cáo định kì.
Bạn sẽ tích luỹ được gì khi làm ở vị trí sản xuất?
Qua các mô tả công việc của vị trí này, bạn có thể thấy rằng: làm một Nhân viên sản xuất là một công việc tuy vất vả nhưng khá thú vị. Công việc này sẽ rèn luyện cho bạn rất nhiều kỹ năng mà trong nhà trường không thể trang bị cho bạn. Bạn sẽ tích luỹ được các kiến thức về quy trình sản xuất thực tế, xây dựng được, kiểm tra được, giám sát được quá trình sản xuất cho phù hợp với yêu cầu của quản lý. Ngoài ra, công việc sẽ giúp bạn mở rộng khả năng quan sát, nâng cao tầm nhìn và sự tỉ mỉ, cẩn thận trong công việc.
Nếu công việc phù hợp với bạn, bạn có thể phô bày năng lực của mình và cống hiến gắng bó để đạt được những tưởng thưởng về lợi ích ở mức cao hơn.
Kết luận
Dù bạn muốn làm vị trí Nhân viên sản xuất hay không thì đây cũng là một công việc với nhu cầu rất cao trong ngành Công nghệ thực phẩm. Nếu bạn chấp nhận làm theo ca, chịu được áp lực công việc và liên tục cố gắng thì nhiều cơ hội khác sẽ rộng mở với bạn ngay trước mắt.
FOODNK