Sấy là công đoạn tách nước trong thực phẩm và thực phẩm vẫn giữ được độ tươi sau quá trình này. Ngoài phương pháp sấy thăng hoa, sấy chân không,… thì phương pháp sấy bằng năng lượng mặt trời đang được áp dụng trong công nghệ thực phẩm rất nhiều. Trong bài viết sau, bạn hãy cùng với Foodnk tìm hiểu về phương pháp sấy này nhé!
Bộ phận cấu tạo của nhà sấy năng lượng mặt trời
Tấm hấp thụ nguồn nhiệt mặt trời
Tấm hấp thụ nhiệt này có tên gọi là poly twinlite. Nó sẽ làm nhiệm vụ hấp thụ ánh nắng mặt trời và truyền nguồn nhiệt nhận được này vào bên trong nhà sấy. Bộ phận này có tác dụng giữ nhiệt bên trong nhà sấy để thực hiện sấy nguyên liệu.
Giàn khung
Dùng để tăng diện tích tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi nguồn nhiệt được truyền từ tấm poly twinlite. Để việc hấp thụ nhiệt cao nhất, giàn khung này sẽ có thiết kế mái vòm bằng chất liệu tôn kẽm.
Quạt gió
Có công dụng thổi nhiệt đối lưu vào phòng sấy để tiến hành sấy nguyên liệu. Song song với quá trình này, quạt gió cũng thực hiện hút khí ẩm trong phòng sấy ra ngoài.
Khay sấy
Được làm bằng inox để chống gỉ và chịu nhiệt khi sấy. Loại chất liệu này cho phép dễ dàng vệ sinh trong các công đoạn sấy. Tùy vào nhà sấy lớn hay nhỏ mà số lượng khay sấy sẽ khác nhau.
Có hai loại khay sấy: khay sấy dành cho trục ngang và khay sấy dành cho trục đứng. Đối với khay sấy trục đứng thì vỉ sấy sẽ được đặt cố định và được gắn nhiều tầng với nhau. Loại khay sấy này phù hợp với các nguyên liệu như trái cây, cá tôm, các loại nông sản hoặc gia vị. Trong khi đó, khay sấy trục ngang thì các vỉ sấy sẽ được gắn theo hình nan hoa. Các nguyên liệu có kích cỡ lớn như thịt gà, cá lớn, các loại hạt sẽ phù hợp với loại khay sấy này.
Hệ thống gia nhiệt
Do nhà sấy năng lượng mặt trời có kích thước lớn nên khi lắp đặt hệ thống gia nhiệt sẽ rất tốn kém. Vì vậy, loại đầu sấy bơm nhiệt sẽ được áp dụng để giảm chi phí xuống. Thêm vào đó, bộ phận này sẽ có một hệ thống điều khiển riêng để phòng trường hợp thời tiết không đảm bảo.
Bảng điều khiển
Đây là bộ phận quan trọng nhất trong thiết kế nhà sấy năng lượng mặt trời. Bên trong sẽ được lắp đặt bảng điều khiển, cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm.
Vì bộ điều khiển quạt gió và hệ thống điện trở được cài đặt tự động. Do vậy, nhà sấy vẫn sẽ hoạt động bình thường nhờ vào hệ thống này khi thời tiết không có nắng.
Nguyên lý hoạt động
Quá trình sấy khô nguyên liệu bằng năng lượng mặt trời sẽ được thực hiện bởi một hệ thống máy hiện đại. Máy sấy này sẽ cho phép giảm lượng nước tối đa của nguyên liệu sau thành phẩm. Đồng thời kết thúc quá trình sấy, thành phẩm vẫn được tươi, có độ giòn nhất định. Nhà sấy này sẽ hoạt động theo nguyên lý sau:
- Ánh nắng mặt trời sẽ xuyên trực tiếp qua tấm poly twinlite. Sau đó, nguồn năng lượng này sẽ được dẫn đến một vật màu đen trong nhà sấy. Nhờ vào vật màu đen này mà ánh nắng mặt trời sẽ không phản chiếu ngược lại ra ngoài. Lúc này ánh nắng mặt trời sẽ chuyển thành nguồn nhiệt năng. Nguồn nhiệt mặt trời sẽ được thu vào buồng thu nhiệt để tăng nhiệt độ sấy trong phòng sấy (50 – 70°C).
- Hệ thống quạt đối lưu trong buồng nhiệt sẽ thổi khí nóng sang phòng sấy. Song, quá trình hút ẩm và đưa khí ẩm này ra ngoài sẽ được thực hiện liên tục.
- Với thiết kế này, nguồn không khí sấy đối00 lưu sẽ thực hiện sấy cả trên và dưới nguyên liệu. Do đó, sản phẩm sau quá trình sấy rất đồng đều, màu sắc có thể nói vẫn tươi như lúc đầu.
Quy trình sấy nguyên liệu
Thoạt nhìn, nhà máy sấy năng lượng mặt trời cấu tạo khá phức tạp. Thế nhưng quá trình hoạt động lại rất đơn giản. Điều này có thể minh chứng rõ hơn qua quy trình sấy nguyên liệu tạo thành phẩm sau đây:
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu để đưa vào nhà sấy.
Bước 2: Cho nguyên liệu vào khay sấy. Các nguyên liệu phải tách rời không được xếp chồng lên nhau.
Bước 3: Bật hệ thống quạt, lúc này quạt sẽ thổi khí nóng vào phòng sấy. Đồng thời đẩy khí ẩm ra ngoài.
Bước 4: Chỉnh thời gian hoàn thành sấy nguyên liệu. Lưu ý, không được sấy quá lâu để tránh nguyên liệu bị khô.
Thúy Duy