Vải thiều là nguồn bổ sung vitamin, chất chống oxy hoá cực kỳ tốt. Để sử dụng quả vải được lâu dài, bạn cần biết cách bảo quản chúng. Việc này sẽ giúp bạn có nguồn vải ổn định để dùng dần cho các mùa còn lại trong năm. Hãy cùng Foodnk tìm hiểu có những cách nào bảo quản vải thiều nhé!
Giới thiệu chung
Để vận chuyển vải sau thu hoạch đi đến nơi tiêu thụ xa. Các nhà vườn sẽ ngâm vải với dung dịch. Sau đó dùng quạt gió thổi cho khô hoặc để tự khô và đóng gói. Vải được đóng gói trong các thùng xốp hoặc hộp xốp bỏ lên xe lạnh vận chuyển đi.
Đa phần các nhà vườn sẽ bảo quản vải thiều trong thùng xốp. Đó là cách bảo quản hiệu quả nhất vì khi di chuyển trái cây có thể bị dập nên cần được bọc và bảo quản cẩn thận trong thùng xốp để hạn chế sự va đập khi vận chuyển. Để làm lạnh vải trong vòng 24 giờ thì thùng xốp giữ nhiệt phải có đủ lượng đá. Cần phải đóng gói và bọc thùng xốp kín để giữ đá được lâu hơn và không bị tan nhanh hay chảy nước làm hư hỏng quả vải trong quá trình vận chuyển.
Ngoài thùng xốp, bạn có thể dùng túi nhựa chất liệu polyetylen đựng và bọc quả vải lại. Chúng giữ cho màu sắc của vỏ quả vải tươi lâu và quả vải không bị mất nước.
Sau khi đã bảo quản vải thiều trong thùng xốp hoàn tất thì đến khâu tìm xe để vận chuyển. Phương tiện vận chuyển phải đáp ứng được yêu cầu làm lạnh để tránh hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
1. Bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh, vải thiều dùng được cả năm
Để giữ vải tươi ngon lâu dài, từ mùa vải đến tết bạn nên bọc vải lại bảo quản bằng hộp và giấy báo. Sau đó, cất chúng lên ngăn đá tủ lạnh, khi ăn mang rã đông, hương vị vẫn thơm ngon như mới.
Ngoài ra, để ít chiếm diện tích trên ngăn đông tủ lạnh, bạn có thể bóc vỏ trái vải rồi xếp chúng gọn gàng trong hộp nhựa, rắc thêm xíu đường nếu bạn muốn, rồi đậy nắm hộp lại bảo quản trên ngăn đông. Bạn chỉ cần rã đông là có thể dùng được, hương vị trái vải đông không thua kém vải tươi.
Nếu nhà bạn có máy ép chân không, bạn bóc hết vỏ vải rồi xếp chúng vào túi và hút chân không. Sau đó, cất chúng lên ngăn đông tủ lạnh dùng dần.
Ngoài các cách bảo quản trên thì còn một số cách bảo quản khác, nhưng không giữ được độ tươi vì vải đã qua chế biến mà vẫn giữ được dưỡng chất trong vải.
2. Bảo quản vải thiều bằng cách bọc qua lớp báo/giấy cho vào túi nylon
Để trái vải giữ được tươi ngon được lâu ngày, bạn nên nhớ tuyệt đối không rửa trái vải mà để khô nguyên vẹn khi hái từ trên cây xuống. Sau đó, cắt rời trái vải, chừa phần cuống khoảng 1 cm, để rổ cho ráo nước. Tiếp theo, bạn chuẩn bị 1 hoặc vài hộp nhựa theo số lượng vải muốn bảo quản và 1 ít giấy báo. Bạn lót vài lớp giấy báo xuống đáy hộp và bắt đầu xếp vải thiều vào, sau 1 lớp quả là 1 lớp báo. Cuối cùng là bọc lớp giấy báo cho kín toàn bộ vải, càng nhiều giấy báo càng tốt.
Sau đó, bạn đậy nắp hộp cho vào ngăn mát tủ lạnh. Như vậy là có thể bảo quản vải lâu tới 2 tháng. Đa số các quả vải được bảo quản như trên đều tươi ngon, nhưng vẫn có vài quả bị hấp hơi xuất hiện dấu hiệu hỏng.
Để vải giữ được độ tươi ngon và an toàn bạn nên cho vào hộp nhựa chuyên dùng đựng thực phẩm. Nếu không có hộp nhựa bạn có thể thay thế bằng túi nylon, màng bọc thực phẩm hay hộp giấy nhưng hộp nhựa vẫn là tốt nhất.
3. Bảo quản vải thiều bằng túi zip
Mua vải về, dùng kéo cắt cuống vải cách phần núm khoảng 1 cm. Rửa sạch với nước rồi vớt vải ra rổ, để thật ráo.
Chia vải thành những phần vừa ăn rồi đóng túi nilon kín, cất ngăn mát (ngăn để rau củ) trong tủ lạnh. Vải sẽ không bị sâu, thối và giữ được lớp vỏ tươi và hương vị thơm ngon như lúc ban đầu.
Để bảo quản vải thiều hiệu quả hơn nữa, các bạn có thể thay túi nilon bằng túi hút chân không chuyên dụng, sau đó sử dụng máy hút chân không để hút sạch không khí trong túi và hàn miệng túi lại. Với cách làm này, các loại vi khuẩn, nấm mốc, vi sinh vật sẽ không có cơ hội tiếp xúc và làm hỏng trái vải.
4. Bảo quản vải thiều bằng cách phơi/sấy vải thành vải khô
Đây là cách thông dụng nhất cho cách bảo quản vải thiều. Mặc dù chất lượng vải không được như ý nhưng cách phơi/sấy vải sẽ bảo quản được lâu nhất mà không sợ bị hư hỏng theo thời gian.
Có nhiều cách khác nhau để bạn làm vải thiều khô như phơi dưới nắng mặt trời, sấy bằng lò vi sóng, lò nướng hay sử dụng máy sấy khô hoa quả:
- Nếu bạn dư dả thời gian và nhà bạn có chỗ để phơi nắng đảm bảo vệ sinh, sau khi sơ chế vải (cắt rời từng quả vải và chỉ để lại 0,5 cm cuống, sau đó rửa sạch, ngâm nước muối loãng 15 phút rồi rửa sạch lại) thì bạn có thể phơi vải trực tiếp dưới nắng mặt trời. Khi bạn kiểm tra thấy vỏ quả khô, lắc nghe được tiếng lọc cọc, bóc ra thấy cùi vải co lại và chuyển màu nâu sẫm là được (thường mất khoảng 10 ngày).
- Nếu bạn không có nhiều thời gian hoặc không có chỗ phơi vải thiều, hãy sử dụng lò vi sóng, lò nướng hoặc máy sấy hoa quả để vừa rút ngắn thời gian sấy khô vải, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa giúp vải khô thành phẩm ngon hơn nhé!
5. Vải ngâm đường
Chúng ta có thể chế biến vải tươi thành món vải ngâm đường và bỏ ngăn mát tủ lạnh, như vậy sẽ giữ được tận 1 tháng để dùng dần. Vải ngâm đường không làm mất đi hàm lượng vitamin vốn nhưng lại bảo quản được lâu hơn vải tươi nhiều.
Lưu ý: Không nên ăn quá nhiều vải ngâm đường cùng một lúc và chỉ ăn khi no. Những bạn bị nóng trong người hay tiểu đường nên hạn chế ăn.
6. Bảo quản vải thiều bằng cách xay/ép vải thành nước
Vải mua về, bóc vỏ tách lấy cùi rồi cho vào máy xay sinh tố xay xong lọc bỏ bã. Đổ nước vải vào chai cho vào ngăn lạnh dùng dần. Nếu sử dụng máy ép trái cây thì không cần lọc bã. Loại nước uống này sử dụng trong 1 tuần.
Còn nếu muốn dùng lâu hơn thì bạn để học đá cho nó đông lại, khi uống lấy vài viên ra cho vào ly, thêm ít nước nguội vào để đá tan ra và uống. Vẫn giữ nguyên được vị vải nữa đó. Cách này có thể để hết mùa hè được đấy.
Chú ý: Khi ép hoặc xay thì cho thêm đường (tùy vào khẩu vị từng người) để vải tăng độ ngọt ưng ý!
Với những cách bảo quản trong thời gian dài như trên, ngay cả khi mùa vải đã qua đi, nếu chợt nhớ đến hương vị thơm ngon của trái vải, mình không còn phải chờ đến mùa vải năm sau nữa mà có thể thưởng thức bất kì lúc nào mình muốn. Không những giúp bản thân và gia đình có vải ngon ăn quanh năm mà còn như một sự đóng góp nhỏ bé, chung tay ủng hộ người nông dân trồng vải vất vả chăm bón bao ngày nhưng mỗi khi được mùa lại gặp phải điệp khúc mất giá.
Linh Như