Với xu hướng sống xanh như hiện nay, thật dễ dàng khi hiểu rằng nhiều bạn trẻ lại chọn uống sữa hạt đến vậy. Sữa hạt không những ngon mà còn bổ dưỡng, phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Việc chế biến sữa hạt thành nhiều thức uống khác nhau cũng vô cùng đơn giản. Hãy cùng Foodnk vào bếp cùng 10 công thức làm sữa hạt sau nhé!
1. Sữa hạt sen
Công dụng
Bồi bổ tốt cho phụ nữ mang thai, trị chứng mất ngủ của người cao tuổi hay những người mắc bệnh tiêu hóa.
Nguyên liệu
250g hạt sen, 500ml sữa tươi, 1/3 lon sữa đặc có đường, 100g đường trắng (gia giảm tùy khẩu vị), 1,5 lít nước.
Cách làm
Tách tim sen bằng tăm để sữa không có vị đắng. Sau đó rửa sạch hạt sen, để ráo (tâm sen có thể sử dụng để hãm trà sen hoặc phơi khô sắc thuốc bắc rất tốt cho sức khỏe).
Mang hạt sen đã để ráo xay kĩ với nước bằng máy xay sinh tố. Sau đó, lót một miếng vải sạch vào một chiếc rây nhỏ rồi đổ phần sen đã xay qua đó lọc rồi vắt kiệt để thu lấy nước cốt. Phần bã còn lại dùng màng lọc bóp kỹ thêm lần nữa với phần nước còn lại để có thể lấy hết dưỡng chất có trong hạt sen.
Đổ nước sen vào nồi đun với lửa vừa, bạn nhớ khuấy đều tay để sữa không bị đóng cặn nhé! Khi nước sen bắt đầu sôi thì bạn cho sữa đặc và đường trắng vào, đun đến khi sữa sôi đều lại là được. Để nguội, cho vào bình thủy tinh hoặc bình nhựa, bảo quản trong tủ lạnh. Bạn có thể yên tâm bảo quản sữa hạt sen trong tủ lạnh 3 ngày nhé!
2. Sữa đậu nành
Công dụng
Thích hợp cho mọi lứa tuổi. Với những ai đang thừa cân thì nên “kết thân” với sữa đậu nành ngay lập tức, phòng chống loãng xương và chống lão hóa.
Nguyên liệu
500g đậu nành, 5 – 6 lá dứa, 150g đường (gia giảm tùy khẩu vị), túi lọc.
Cách làm
Đậu nành mua về ngâm trong tô nước sạch, để qua đêm. Hôm sau chắt bỏ nước ngâm đậu, rửa sạch đầu nành dưới vòi nước lạnh thêm vài lần nữa.
Cho đậu nành vào máy xay sinh tố, chế thêm nước theo tỉ lệ 4 muỗng canh đậu nành thì pha với 350ml nước. Bạn nên xay đậu nành bằng máy xay sinh tố có kèm theo bộ lọc để dễ dàng loại bỏ bã.
Bật máy xay trong khoảng 2 phút, cho máy nghỉ 30 giây rồi tiếp tục xay đế tránh máy bị nóng quá. Tắt máy, rót sữa đậu nành qua rây lọc để loại bỏ bã.
Đừng vội bỏ đi phần bã đậu trong máy xay sinh tố vì chúng có rất nhiều dưỡng chất. Bạn hãy múc bã đậu cho vào vải lọc, rồi bóp mạnh để chắt phần sữa trong bã. Sau khi làm xong, sẽ thấy bã đậu khô đi và nhỏ lại.
Nếu muốn sữa thật mịn và sánh thì bạn lọc qua rây vài lần nữa để loại bỏ cặn. Sau đó đổ sữa vào chảo rồi bắc lên bếp gas hoặc bếp điện, thắt lá dứa lại rồi cho vào chảo nấu với sữa. Tiếp theo đun sữa ở nhiệt độ thấp trong khoảng 10 phút, khuấy đều tay, đến khi sữa sôi thì cho thêm đường, khuấy cho tan rồi tắt bếp.
Sữa đậu nành lá dứa làm xong bạn có thể uống nóng hoặc dùng lạnh. Cất tủ lạnh bảo quản được từ 1 đến 2 ngày.
3. Sữa bắp
Công dụng
Thích hợp cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, giảm nguy cơ thiếu máu.
Nguyên liệu
220ml sữa tươi không đường, 1/3 chén sữa được có đường, 1 lít nước và 2 trái bắp Mĩ to (nên chọn trái đều hạt, còn tươi, to dài đều).
Cách làm
Bắp Mỹ chọn trái to, còn tươi. Sau đó, bóc sạch vỏ, giữ lại phần lá trong của trái bắp, rửa sạch và bỏ lá.
Tiến hành luộc bắp và lá với 1 lít nước cho đến khi bắp mềm (khoảng 20 phút). Khi chín bạn lấy bắp ra, để nguội, dùng dao tách hạt bắp ra khỏi cùi.
Sau đó, cho hạt và nước luộc vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, rồi lọc bỏ phần bã bắp đi, chỉ lấy phần nước cốt (đây chính là sữa bắp).
Bạn nên nấu sữa ở lửa nhỏ và khuấy đều tay tránh sữa bị cháy. Khi sôi, bạn cho sữa đặc và sữa tươi vào khuấy đều, chờ đến khi nồi sữa bắp sôi lần nữa thì tắt bếp. Sữa bắp nên bảo quản ở nhiệt độ lạnh để sử dụng dài ngày hơn.
4. Sữa hạt kê vàng, hạt sen
Công dụng
Đây sẽ là thức uống bổ dưỡng và cần thiết cho các bé bị rối loạn tiêu hóa, biếng ăn.
Nguyên liệu
100g hạt kê, 100g hạt sen tươi, 500ml nước, 100g đường trắng.
Cách làm
Bạn cho hạt kê ngâm nước ấm 6 tiếng và hạt sen tươi rửa sạch ngâm 1 tiếng. Tiếp theo, cho kê và hạt sen vào nồi, đun nhỏ lửa với nước, sôi riu riu 15 phút, hớt bọt vài lần.
Cuối cùng, để sữa gần nguội đem xay nhuyễn, với loại sữa này bạn không cần phải lọc bã có thể uống ngay hoặc thêm đường, cốt dừa, vani cho trẻ dễ uống. Các mẹ có thể nấu đặc lại thành cháo cho trẻ ăn dặm cũng rất hiệu quả.
5. Sữa đậu đỏ
Công dụng
Sữa đậu đỏ thích hợp cho mọi thành viên trong gia đình bạn, giúp lưu thông khí huyết cho người già, ngừa các bệnh về tim mạch, thanh nhiệt và giảm cân.
Nguyên liệu
200g đậu đỏ hạt to, 1 lít nước, 250ml sữa không đường, 100g đường.
Cách làm
Rửa sạch đậu, ngâm đậu với nước 6 tiếng. Đem đậu đi xay với 1 lít nước. Sau đó, lọc qua rây hoặc túi lọc, bỏ bã.
Lấy nước đậu đã xay đi đun sôi, rồi cho đường và sữa không đường vào đun đến khi sôi trở lại. Cuối cùng tắt bếp, để sữa nguội cho vào bình kín và bảo quản trong tủ lạnh.
6. Sữa hạt điều
Công dụng
Mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho trẻ như: tăng cân, duy trì nướu răng khỏe mạnh, xây dựng cơ xương khớp và mạch máu. Ngoài ra, sữa hạt điều còn có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch cho mọi lứa tuổi.
Nguyên liệu
100g hạt điều, 5 – 6 lá dứa, 1 lít nước, 50ml mật ong.
Cách làm
Rửa sạch hạt điều, đem ngâm với nước 1 tiếng. Nếu bạn sử dụng hạt điều rang sẵn thì không cần ngâm nước.
Xay nhuyễn với 1 lít nước, lọc bỏ bã. Sau đó, đem phần nước xay được đun sôi với lá dứa cho thơm. Cuối cùng, cho mật ong vào khuấy đều rồi tắt bếp.
Vậy là bạn đã làm xong món sữa hạt điều. Dùng sữa hạt điều uống nóng hay lạnh đều ngon, bạn cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh để uống dần nhé, nhưng tốt nhất nên sử dụng sữa trong 3 ngày.
7. Sữa đậu xanh, bột sắn dây và hạt mắc ca
Công dụng
Mát gan, giải độc, bổ sung chất béo và tăng cường trí nhớ cho người cao tuổi.
Nguyên liệu
150g đậu xanh hạt, 20g bột săn dây, 1 miếng đường phổi, 1.5 lít nước.
Cách làm
Rửa sạch đậu xanh, ngâm đậu xanh 24 tiếng. Rồi đun sôi chúng với nước nên để lửa liu riu 20 – 30 phút.
Sau đó, hòa tan 1 thìa bột sắn vào nửa lít nước còn lại rồi cho vào nồi nấu chung với đậu xanh. Cuối cùng, để nguội và xay hỗn hợp với hạt mắc ca cho thêm phần béo ngậy. Bạn có thể cho thêm 1 miếng đường phổi sẽ dễ uống và thơm hơn rất nhiều.
8. Sữa gạo rang
Công dụng
Bảo vệ hệ tim mạch và xương khớp, phù hợp với mọi đối tượng.
Nguyên liệu
200g gạo tẻ, 2 bịch sữa tươi không đường, 2 muỗng cà phê sữa đặc, 2 muỗng canh đường trắng.
Cách làm
Rang gạo, bạn dùng chảo rang gạo với lửa nhỏ cho đến khi gạo vàng đều thì dừng.
Cho gạo đã rang ra thau nhỏ. Sau đó cho thêm 800ml nước nóng vào thau gạo rang, tiếp tục cho 2 bịch sữa tươi không đường vào. Ngâm hỗn hợp sữa gạo trong khoảng 20 phút. Sau khi ngâm hết 20 phút, bạn cho thau sữa gạo lên bếp, đun với lửa nhỏ đến khi thấy sữa nóng, có khói tỏa ra, mặt sữa gợn lăn tăn thì tắt bếp.
Tiếp theo, bạn cho sữa đặc và đường vào hỗn hợp sữa gạo khi còn đang nóng. Tùy khẩu vị mà bạn có thể cho ít hay nhiều đường và sữa. Sau đó dùng rây lọc bỏ phần gạo ra khỏi sữa. Chờ cho sữa nguội rồi đựng vào chai, để trong ngăn mát tủ lạnh, uống dần, sữa có thể bảo quản được 3 ngày, nên bạn hoàn toàn yên tâm.
9. Sữa gạo lứt
Công dụng
Giảm cân hiệu quả, có tác dụng trong việc phòng ngừa bệnh đái tháo đường và ung thư.
Nguyên liệu
100g gạo lứt, 360ml sữa tươi không đường, 1 lít nước lọc, 100g đường phèn (có thể thêm hoặc bớt tùy sở thích của bạn).
Cách làm
Rang gạo lứt trên chảo chống dính cho đến khi gạo phảng phất mùi thơm, hạt gạo bóng đẹp và 20% gạo nở thì được. Phải đảo gạo liên lục để tránh gạo bị cháy khét.
Lưu ý, đối với gạo lứt bạn không nên vo gạo vì khi vo thì nước sẽ lấy đi lớp dinh dưỡng bên ngoài khiến gạo không còn ngon. Bên cạnh đó vo gạo sẽ làm quá trình rang mất nhiều thời gian.
Cho 300ml nước lọc vào nồi lớn, đun sôi. Sau đó cho gạo lứt đã rang vào, nấu với lửa nhỏ. Khi đã nấu xong, bạn cho tất cả vào máy xay sinh tố, xay thật nhuyễn. Tiếp theo, bạn dùng ray lọc phần bã và chỉ lấy nước. Lúc này khi lọc nên vắt thật kỹ để lấy hết phần tinh túy nhất của gạo lứt.
Kế tiếp cho 700ml nước lọc, 2 hộp sữa tươi không đường và 100g đường phèn vào nồi lớn, nấu sôi. Sau đó cho phần nước gạo lứt đã làm vào, đun sôi. Chú ý canh lửa để tránh sữa trào ra ngoài. Nấu xong, bạn để cho sữa nguội. Sau đó cho sữa vào chai thủy tinh đã chuẩn bị sẵn. Sữa gạo lứt bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong vòng 3 – 4 ngày.
10. Sữa đậu xanh
Nguyên liệu
500g đậu xanh, 1 lít sữa tươi không đường, 40ml sữa đặc, 30g đường phèn.
Cách làm
Đậu xanh: Đầu tiên, bạn nên lựa chọn đậu xanh căng, mẩy, không bị lép hoặc sâu. Những hạt đậu xanh nguyên vỏ, bóng dùng để nấu sữa đậu xanh sẽ ngon hơn. Sau đó, bạn vo và đãi đậu thật sạch bụi bẩn. Trước khi nấu thì bạn ngâm đậu khoảng 3 – 5 tiếng để đậu nở rồi đem vo lại một lần nữa và để cho đậu ráo nước từ 30 – 45 phút.
Lá dứa: Rửa sạch, để ráo nước và cột lại thành chùm.
Tiếp đến, bạn vệ sinh cối xay sinh tố sạch sẽ và cho đậu xanh vào xay nhuyễn. Lần lượt cho đến khi hết phần đậu xanh chuẩn bị.
Sau đó, bạn lọc hỗn hợp đậu xanh qua rây hoặc túi vải mỏng để sữa được mịn hơn mà không còn sót cặn lại.
Bước tiếp theo, bạn hãy bắc lên bếp nồi nấu ở lửa liu riu, đổ phần nước đậu xanh đã lọc vào nồi. Thêm sữa tươi, sữa đặc, đường phèn, lá dứa vào nấu cùng. Hãy dùng muỗng gỗ để khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện với nhau. Khi sữa đã ấm thì bạn tắt bếp, bạn không nên nấu sữa quá sôi nhé.
Cuối cùng đợi sữa đậu xanh nguội thì bạn thưởng thức được rồi. Có thể thêm đá viên vào uống cùng tùy theo sở thích của bạn nhé!
Linh Như