Những ký hiệu dưới đáy chai, lọ và hộp đựng bằng nhựa là các mã nhận dạng. Những ký hiệu này dùng để phân loại nhựa dễ dàng hơn khi mang đi tái chế. Hãy cùng Foodnk tìm hiểu kỹ hơn về những “con số biết nói” dưới đáy chai nhé!
Nhiều người Việt có thói quen sử dụng đồ hộp nhựa để đựng, chứa đồ. Tuy nhiên, thói quen này có thể gây hại tới sức khỏe. Các đồ nhựa này thậm chí sau khi đã được rửa sạch vẫn có thể phát huy độc tính trong quá trình sử dụng. Thông thường, ở phía dưới đáy chai hay hộp thường có hình tam giác với mũi tên và một con số nằm giữa. Có lẽ ít ai để ý đến ký hiệu vô cùng quan trọng này. Các ký hiệu dưới đáy chai này thường ẩn chứa thông tin quan trọng. Vì mỗi loại nhựa sẽ chứa những chất hóa học có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe của chúng ta theo các cấp độ khác nhau.
Những “con số biết nói” dưới đáy chai
Nhựa là hợp chất cao phân tử (polyme). Nhựa có cấu tạo từ các đơn phân tử như ethylene, propylene, styrene và vinyl chloride liên kết với nhau tạo thành chuỗi dài. Theo Business Inside, chúng ta nhận biết các loại nhựa thông qua mã nhận dạng là những con số ở dưới đáy sản phẩm nhựa.
Dưới đây là tổng hợp 7 loại nhựa thường được sử dụng và ý nghĩa kí hiệu của chúng.
Số 1: có nghĩa là PET (nhựa polyethylene terephthalate). Các chai nhựa đựng đồ uống khi tái sử dụng nếu đựng nước nóng quá 70°C. Chúng không chỉ biến dạng mà còn phân giải ra các chất có hại cho sức khỏe. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, chế phẩm nhựa này nếu sử dụng quá 10 tháng có thể sinh ra các chất gây ung thư.
Số 2: có nghĩa là lượng HDPE – polyethylene có mật độ cao. Các chai nhựa này có khả năng chịu nhiệt tới 110ºC. Thường được dùng để đựng thực phẩm, sữa tắm hoặc các vật có độ tinh khiết cao. Khi tái sử dụng cần hết sức lưu ý, vì loại nhựa này khó làm sạch, các chất còn sót lại rất dễ trở thành ổ vi khuẩn.
Số 3: là chất PVC – nhựa PVC. PVC thường có trong áo mưa thông thường, vật liệu xây dựng, đồ nhựa, hộp nhựa. Tuy có độ dẻo tốt, giá rẻ nhưng thường chỉ sử dụng được đến độ nóng 81°C. Chất này có thể giải phóng rất nhiều khi ở nhiệt độ cao nên hiếm khi dùng làm bao bì sản phẩm. Đồng thời chúng cũng rất khó làm sạch và không thể tái sử dụng.
Số 4: là LDPE – polyethylene mật độ thấp. LDPE khá phổ biến trong các hộp mì và vỏ bim bim. Sản phẩm chứa chất này sẽ không thể làm nóng trong lò vi sóng. Cần tránh nhiệt độ cao vì sẽ giải phóng hóa chất. Mọi người không nên để đồ ăn vặt đóng gói trong nhiệt độ cao, đặc biệt không dùng lò vi sóng để nấu mì ăn liền.
Số 5: là PP (nhựa polypropylene). PP thường có trên nắp hoặc đáy cốc cà phê, chai sữa thường, sữa chua hoặc chai nước trái cây. Chất này thường chịu được ở nhiệt độ 167°C. Nhựa này có thể tái sử dụng, quay trong lò vi sóng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số hộp đựng thức ăn dưới đáy có hình tam giác với số 5 nhưng trên nắp là số 1. Số 1 là PET, chất không chịu được nhiệt độ cao nên khi đặt trong lò vi sóng cần phải bỏ nắp hộp.
Số 6: là chất PS (polystiren). PS thường có ở các hộp mỳ ăn liền, hộp đựng đồ ăn nhanh. Dù chúng có khả năng chịu nhiệt và lạnh cao, nhưng không được dùng trong lò vi sóng. Vì khi chúng bị nóng sẽ giải phóng ra các chất hóa học. Bên cạnh đó, cũng không được dùng đựng đồ có chất acid mạnh, chất kiềm mạnh. Vì sẽ phân giải ra chất polystyrene có hại cho cơ thể.
Số 7: là PC – nhựa PC. PC là nhựa rất phổ biến thường được dùng làm chai sữa, ly sử dụng một lần. Nếu như trong chai nhựa PC có sử dụng chất như BPA thì sẽ rất có hại cho cơ thể. Với một ly nhựa thông thường, bạn chú ý không đựng nước nóng. Nếu nhận thấy trên bề mặt nhựa có vết thì lập tức bỏ ngay vì đó có thể là các ổ vi khuẩn mà mắt thường không thấy. PC là loại nhựa nguy hiểm nhất, dễ gây ung thư hoặc vô sinh.
Vậy nên, chúng ta hãy hạn chế tái sử dụng đồ nhựa. Đặc biệt chú ý đến con số dưới đáy hoặc nắp trên mỗi sản phẩm mình mua để đảm bảo sức khỏe nhé!
Linh Như