Lựa chọn đặc sản quê đang là xu hướng mua sắm Tết của người dân TP.HCM. Tuy nhiên, lượng thực phẩm đặc sản đổ về quá nhiều khiến cho các mặt hàng này trở nên ế ẩm.
Khu chợ Bà Hoa (Q. Tân Bình), nơi chuyên bán các loại đặc sản miền Trung đã bắt đầu tấp nập cảnh buôn bán trong nhiều ngày nay. Các loại bánh chưng, bánh tét, bánh đậu xanh, bánh ít, chả giò heo, chả bò đã có lượng người đặt mua khá lớn. Nhưng theo các tiểu thương lâu năm tại đây thì năm nay khách đặt mua giảm đi đáng kể, số lượng trong đơn đặt hàng cũng giảm nhiều. Giá cả các mặt hàng đặc sản năm nay hầu như không tăng hoặc tăng nhẹ, như bánh chưng vẫn giữ giá từ 40.000- 60.000/kg. Giá chả giò heo 180.000/kg, chả bò 220.000 – 300.000/kg, nem miền Trung (Huế, Bình Định) 45.000 – 60.000/chục…
Một chủ cửa hàng chuyên cung cấp đặc sản nem chua, tré, giò chả miền Trung nằm trong khu chợ Thủ Đức cho biết, số lượng đơn đặt hàng năm nay giảm gần 30% so với những năm trước, các loại đặc sản loại 1 ít được chú ý hơn loại 2, loại 3.
Qua rằm tháng Chạp, hàng hóa đã được tập kết đầy đủ nhưng khách mua vẫn thưa thớt.
Các loại rượu đặc sản như rượu Bầu Đá, Nếp mới, rượu Kim Long (Quảng Trị), rượu Phú Lễ, Xuân Thạnh, Nàng Hương, Sim Sơn…mặc dù giá không tăng, dao động từ 100.000 – 300.000 đồng/lít, nhưng cho đến thời điểm này vẫn trong tình trạng ế khách.
Có thể nói, thị trường thực phẩm TP.HCM ngày càng thu hút nhiều loại đặc sản mới lạ đến từ mọi vùng miền để phục vụ nhu cầu Tết, nhưng không phải mặt hàng đặc sản nào cũng dễ dàng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Khu chợ đặc sản miền Bắc trên đường Chu Mạnh Trinh (Q.1, TP.HCM) không khí mua bán vẫn chưa tấp nập so với cùng thời điểm này những năm trước. Theo chủ đại lý Phương, mọi năm vào thời gian này đã có rất đông khách đến xem và đặt hàng cho dịp Tết, nhưng năm nay lượng khách giảm đi rất nhiều. Kể cả khách quen lâu năm cũng không thấy ghé mua hàng. Bà Phương cho biết, giá các mặt hàng năm nay cũng không chênh lệch nhiều so với năm trước, dù chi phí vận chuyển tăng nhiều. Hiện các loại bánh chưng tùy vào nếp mà có giá từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, bánh chưng đặt hàng sau ngày 20/12 sẽ tăng thêm ít nhất 10.000 đồng/kg. Chả giò Bắc từ 140.000 – 250.000 đồng/kg. Trà Thái Nguyên có 4 mức giá, 400.000 đồng/kg, 300.000 đồng/kg, 200.000 đồng/kg và 150.000/kg. Dưa món Bắc có giá 45.000 đồng và 80.000 đồng… nhưng qua Rằm tháng Chạp rồi mà khách vận vắng. Đặc biệt, nấm hương sấy khô, là một trong những món đặc sản miền Bắc được ưu chuộng nhất mọi năm nhưng vẫn không thoát khỏi tình trạng “xếp đống” vì không bán được. Chỉ có măng khô Tuyên Quang, mặt hàng khá mới là bán được, do giá mềm, chỉ 200.000 đồng/kg.
Các loại đặc sản miền Bắc “xếp đống” chờ khách mua.
Ở khu chợ Bình Tây (Q.6), đặc sản miền Tây Nam Bộ được bày bán khá đa dạng, nhiều nhất là khô cá lóc, tôm đất khô Cà Mau, mắm tôm Gò Công, mắm bò hốc, nem Lai Vung (Đồng Tháp)…. Giá tôm đất khô Cà Mau dao động từ 350.000 đồng – 800.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, kích thước con tôm. Theo những người bán hàng tại đây, nếu như các năm trước khách hàng thường đóng gói 1 kg trở lên để làm quà biếu thì năm nay rất nhiều khách chỉ yêu cầu đóng gói 500gr.
Dọc theo đường Trần Quốc Toản (Q.3, TP.HCM), các loại trái cây tươi như bưởi Diễn (100.000 đồng/trái), cam Canh (100.000 đồng/kg)…đã được bày bán khá nhiều, chủ yếu vào buồi chiều. Năm nay, quả phật thủ được nhiều khách hàng lựa chọn, dù giá đến 300.000 đồng/trái nhưng người tiêu dùng vẫn mua, nhiều với hi vọng một năm mới tấn tài tấn lộc.
Theo kinh nghiệm của một người bán thực phẩm Bắc trên đường Chu Mạnh Trinh, quận 1, người dân thành phố thường có tâm lý mua các loại đặc sản quê làm quà biếu vào dịp Tết. Tuy nhiên, do việc kiểm soát giá cả, chất lượng dịp Tết vẫn còn bỏ ngỏ, người mua cần cân nhắc lựa chọn và tham khảo giá, nguồn gốc để tránh bị hét giá cao dựa vào mác đặc sản quê chính gốc.
Theo Zing.vn