Bánh Hồng là một loại đặc sản nổi tiếng của Bình Định và nức tiếng gần xa. Loại bánh này nhìn rất đơn giản nhưng lại là một mảnh ghép hoàn hảo cho ẩm thực vùng đất võ. Và Foodnk sẽ cùng bạn tìm hiểu về quy trình sản xuất bánh Hồng này trong bài viết sau nhé! Tất nhiên phạm vi bài viết chỉ tóm gọn những công đoạn chung nhất trong quy trình sản xuất.
Tổng quan
Cũng giống như các loại bánh dân dã khác, bánh Hồng ở Bình Định cũng sử dụng gạo nếp làm nguyên liệu chính. Bên cạnh đó, dừa và đường cát trắng sẽ được kết hợp để cho ra một loại bánh đặc sản đất võ – bánh Hồng.
Tên gọi bánh Hồng khiến nhiều người thắc mắc và gây nhầm lẫn. Thực chất cả vỏ và nhân bánh đều là màu trắng của gạo nếp chứ không phải màu hồng như tên gọi của bánh. Thế nhưng ngày nay, để nâng cấp chiếc bánh này người ta thường sử dụng màu thực phẩm thực vật để tạo cho bánh có màu sắc đa dạng hơn. Có thể kể đến như màu xanh từ lá dứa, màu đỏ hồng từ củ dền,… Thế nhưng về vị nguyên bản của chiếc bánh vẫn không thay đổi.
Quy trình sản xuất
Nguyên liệu
Như đã nói, gạo nếp sẽ được dùng làm bánh Hồng. Theo đó, gạo nếp sẽ được ngâm nước qua đêm để trương nở và mềm. Theo người dân trong nghề ở Bình Định, để làm ra bánh Hồng ngon thì sẽ sử dụng gạo nếp ngự. Đây cũng là loại gạo nếp đặc trưng ở vùng đất võ này.
Nghiền tạo bột
Khi thấy hạt gạo nếp đã trương nở, bóp nhẹ bị nát thì thợ sẽ loại bỏ nước ngâm lúc đầu. Tiếp đến thợ sẽ rửa gạo nếp qua nước sạch và tiến hành nghiền. Khi nghiền, một lượng nước nhỏ sẽ được cho vào gạo nếp để hỗn hợp tạo ra có độ lỏng vừa phải.
Gạo nếp nghiền xong sẽ thu được hỗn hợp dịch bột. Hỗn hợp dịch bột này sẽ được cho vào túi vải để lọc lại. Sau quá trình này sẽ thu được khối bột gạo nếp mịn.
Luộc bột
Khối bột thu được sẽ tiến hành qua bước luộc chín. Ở công đoạn này, thợ phải kiểm soát nhiệt độ cẩn thận. Bởi lẽ, nếu luộc không khéo sẽ khiến bột bị sống hoặc mềm nhũn ra vì quá chín. Do vậy, thợ sẽ canh lửa và kiểm tra bột luộc xuyên suốt công đoạn này. Đây được xem là bước quan trọng trong quy trình sản xuất bánh Hồng.
Sên bột
Bột sau khi luộc chín sẽ thực hiện sên. Khi sên, dừa cắt sợi và đường cát trắng sẽ được cho vào cùng với bột gạo nếp. Tất cả nguyên liệu sẽ được sên cho đến khi gắn kết lại với nhau thành một thể đồng nhất là được. Nếu muốn tạo màu cho bánh, thợ sẽ sử dụng thêm màu thực phẩm tự nhiên khi sên.
Thành phẩm
Một lớp bột gạo nếp sẽ được cho vào khuôn bánh. Sau đó, bột bánh vừa sên xong sẽ cho vào khuôn với độ dày tầm 3cm. Tiếp đến, thợ sẽ phủ một lớp bột gạo nếp lên mặt bánh là hoàn thành. Bánh sẽ được để nguội dần, khi ăn thì cắt miếng ra thưởng thức. Vì bánh Hồng có sử dụng dừa nên chỉ có thể bảo quản thời hạn ngắn không quá 5 ngày.
Nếu muốn tiêu thụ ngoài thị trường thì bánh Hồng sẽ được đóng gói, in nhãn dán thông tin sản phẩm. Song, khi đóng gói, bánh vẫn phải được phủ lớp bột nếp như bình thường.
Thúy Duy