Nếu là một sinh viên chuyên nghành công nghệ thực phẩm, chắc hẳn công việc đầu tiên mà bạn nghĩ mình sẽ làm khi ra trường là Chuyên viên R&D ở các công ty thực phẩm. Vậy bạn có biết công việc R&D sẽ làm gì trong ngành công nghiệp thực phẩm? Các yếu tố cần và đủ để làm tốt công việc này? Hãy cùng foodnk tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Chuyên viên R&D là gì?
R&D là viết tắt của Research & Development – nghiên cứu và phát triển. Chuyên viên R&D sẽ là những nhà nghiên cứu và phát triển sản phẩm nói chung. Trong ngành thực phẩm nói riêng sẽ là các sản phẩm thực phẩm, các phụ liệu, các công thức thành phần sản phẩm,..v.v. liên quan đến chuỗi cung ứng thực phẩm.
Như vậy chuyên viên R&D thực phẩm sẽ phải có một lượng kiến thức nền tảng và kiến thức chuyên sâu vững chắc. Bên cạnh những tố chất, những kỹ năng cần có cho công việc này được đề cập ở phần sau của bài viết.
R&D trong công nghiệp thực phẩm hiện nay
Trong bối cảnh nhiều công ty thực phẩm như hiện nay, việc các sản phẩm của công ty A không khác biệt với sản phẩm của công ty B thì cạnh tranh nhau là cả một vấn đề. Hơn nữa, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng đổi mới, thích các sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, dinh dưỡng, an toàn, tự nhiên. Nên trong ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay, R&D là một công việc không ngừng nghỉ, là cả một quá trình, bởi vì nếu sản phẩm của bạn dậm chân tại chỗ nghĩa là doanh nghiệp đang thụt lùi so với thị trường. Càng thụt lùi doanh nghiệp sẽ bị đào thải.
Trước khi một sản phẩm hết vòng đời, bộ phận R&D sẽ phải có nhiệm vụ tung ra phiên bản tiếp theo, thế hệ tiếp theo của sản phẩm để giữ chân người tiêu dùng, nếu không muốn bỏ mất tập khách hàng đã tin dùng sản phẩm đó. Thế mới biết, công việc R&D có một trách nhiệm lớn như thế nào trong ngành, không riêng gì R&D thực phẩm mà hầu như ngành nào cũng phải như vậy.
Công ty nào cần chuyên viên R&D
Hầu hết các công ty thực phẩm đều có phòng R&D, thậm chí ở các công ty lớn còn có nhiều trung tâm R&D kết hợp với các trung tâm thực nghiệm, được trang bị nhiều máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu các dòng sản phẩm mới cho công ty.
Riêng ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp SME khó có khả năng để đầu tư bài bản các phòng R&D chuyên nghiệp, nên việc thuê các công ty R&D nước ngoài, hay các trung tâm R&D trong nước là chuyện thường ngày.
Vậy nên, dù hầu hết các công ty thực phẩm đều cần chuyên viên R&D, nhưng tuỳ công ty và tính chất sản phẩm mà công việc R&D của các bạn sẽ khác nhau theo từng cấp độ. Việc bạn chọn mục tiêu là apply vào làm R&D tại công ty lớn hay nhỏ sẽ phản ánh cấp độ nghiên cứu của bạn sau này.
Tố chất nào để làm tốt công việc của một chuyên viên R&D
Bạn có bao giờ đặt ra câu hỏi: Tại sao một khoá đào tạo Kỹ sư Công nghệ thực phẩm từ vài chục đến hơn trăm sinh viên, nhưng ra trường chỉ đếm trên đầu ngón tay các bạn được làm ở vị trí chuyên viên R&D? Trong số này chỉ có vài người là gắn bó với công việc và ổn định cuộc sống với nó, số còn lại gắn bó một thời gian rồi chuyển sang công việc khác.
Ngoài những kiến thức nền tảng các bạn được trang bị ở trường, các kiến thức chuyên sâu các bạn tích luỹ được. Thì việc trở thành một chuyên viên R&D chuyên nghiệp đòi hỏi ở bạn nhiều hơn thế.
Bạn cần phải có kỹ năng phán đoán và giải quyết vấn đề cực tốt, dĩ nhiên muốn phán đoán tốt thì bạn cần phải có góc nhìn đa chiều, muốn có góc nhìn đa chiều thì bạn phải sáng tạo trong cách nhìn, muốn sáng tạo trong cách nhìn thì bạn phải có hiểu biết rộng, muốn hiểu biết rộng thì… Cứ thế, cứ thế, chuyên viên R&D cần rất nhiều tố chất. Vì sao? Vì để nghiên cứu một sản phẩm mới, bạn phải phán đoán được quy trình làm ra nó, chắt lọc lại các công đoạn cần thiết, quan trọng, đào sâu phân tích để cho ra một kế hoạch nghiên cứu nhanh, tiết kiệm và chính xác nhất trước khi bắt tay vào thực hiện các nghiên cứu.
Kết luận
Chuyên viên R&D là vị trí rất quan trọng trong công ty, nên việc sàng lọc, tỉ lệ chọi cũng là rất cao. Qua bài viết này, hy vọng rằng, các bạn sẽ phần nào hiểu được công việc và trách nhiệm của một người làm nghiên cứu để có định hướng cho bản thân trước khi tốt nghiệp. Còn những ai đang là Chuyên viên R&D, muốn chia sẽ công việc của mình, hãy tham gia bình luận ngay dưới bài viết nhé!
foodnk