Nếu là một sinh viên ngành Công nghệ sinh học, đam mê nghiên cứu khoa học, thích thử thách và đổi mới thì R&D là công việc bạn không thể bỏ qua sau khi ra trường. Vậy, bạn có biết một nhân viên R&D sẽ làm gì trong doanh nghiệp? Các yếu tố gì mà một nhân viên R&D cần phải có để làm tốt công việc này? Hãy cùng Foodnk tìm hiểu qua bài viết này nhé!
R&D là gì? Các công việc mà bộ phận R&D cần làm là gì?
R&D – Research and Development nghĩa là “nghiên cứu và phát triển”. R&D là một bộ phận có nhiệm vụ nghiên cứu các sản phẩm mới, cải thiện các sản phẩm cũ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng và theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Các công việc chính của bộ phận R&D trong doanh nghiệp sản xuất bao gồm:
- Nghiên cứu sản phẩm (Product R&D): tạo ra những sản phẩm mới về công dụng, chất lượng, tính năng, năng suất… hay cải tiến, nâng cao chất lượng những sản phẩm hiện có.
- Nghiên cứu phát triển quy trình (Process R&D): Nhiệm vụ này được xem là hoạt động nghiên cứu – phát triển với mục đích cải tiến, phát triển quy trình vận hành (cho máy móc), quy trình sản xuất (cho sản phẩm),… Việc cải tiến được một quy trình thành công sẽ góp phần đem lại năng suất – hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp.
- Nghiên cứu phát triển bao bì (Packaging R&D): Bộ phận R&D sẽ đảm nhiệm việc sáng tạo nên những chất liệu, kiểu dáng bao bì mới hay đưa ra phương thức đóng gói bao bì tối ưu nhất (bao gồm cả về mẫu mã và khả năng bảo vệ sản phẩm).
Vậy, R&D không chỉ đơn thuần là nghiên cứu ra các sản phẩm mới, mà còn là cải tiến các sản phẩm đã có để tối ưu hóa quy trình, mang đến cho doanh nghiệp một sản phẩm chất lượng nhất với mức giá tốt nhất.
R&D trong ngành công nghệ sinh học
Trong thời buổi khoa học kĩ thuật phát triển hiện nay, việc áp dụng các thành tựu công nghệ cao đang là xu hướng. Tùy vào chuyên ngành và mục đích ứng dụng của ngành học, mà nhân viên R&D – ngành Công nghệ sinh học, có thể làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau có thể kể đến như:
- Y dược: phát triển các quy trình chuẩn đoán bệnh, nghiên cứu vắc – xin, kháng sinh, thực phẩm chức năng,…
- Nông – lâm – ngư nghiệp: lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi hiệu suất cao, các chế phẩm sinh học, phân bón, trồng nấm,…
- Môi trường: ứng dụng trong xử lí nước thải, chất thải rắn, chất thải chăn nuôi,…
- Và còn nhiều lĩnh vực khác như trong chế biến thực phẩm, bao bì sinh học,…
Tầm quan trọng của R&D trong doanh nghiệp
Hiểu được R&D là gì sẽ biết nó chính là một trong những bộ phận cốt lõi của mỗi doanh nghiệp. Dù quá trình nghiên cứu và phát triển phải được đầu tư dài hạn và tốn nhiều chi phí, tuy nhiên sẽ giúp doanh nghiệp trả lời cho những câu hỏi hóc búa mỗi khi họ cần chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới hay nghiên cứu các công nghệ mới áp dụng cho sản phẩm.
Tùy vào quy mô công ty mà bộ phận R&D sẽ được đầu tư, trang bị khác nhau ứng với từng yêu cầu về mức độ chuyên sâu của sản phẩm.
Những tố chất cần và đủ để trở thành một chuyên viên R&D
Ngoài những nền tảng kiến thức chắc chắn, một nhân viên không thể thiếu sự đam mê dành cho nghiên cứu khoa học. Vì quá trình để tạo ra sản phẩm mới sẽ gian nan và gặp nhiều khó khăn, nếu không đủ đam mê sẽ dễ dàng “nản” và bỏ cuộc trước áp lực công việc.
Một chuyên viên R&D xuất sắc cần có khả năng quan sát và óc phán đoán nhạy bén, để cho ra một kế hoạch/ phương án nghiên cứu nhanh, chính xác và tiết kiệm nhất. Đồng thời họ cũng phải đủ kiên nhẫn và tỉ mỉ để hoàn thiện các quy trình sản xuất.
Kết luận
Nhân viên R&D luôn chiếm một vị trí quan trọng trong một doanh nghiệp, tuy nhiên để đảm nhận vị trí này, bạn cần có đủ bản lĩnh và các tố chất cần thiết. Vì vậy, hi vọng qua bài viết này, các bạn sinh viên ngành Công nghệ sinh học sẽ hiểu thêm về công việc R&D và có những định hướng cho bản thân trước khi tốt nghiệp nhé!
Thuỳ Trang R&D tại VinaOrganic