Thông tin nước phở bẩn ở Hà Nội khiến nhiều người lo lắng. Thực tế, ngay cả khi không sử dụng nước dùng bẩn, một bát phở, bún ngoài hàng cũng đem lại nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Từ bỏ thói quen ăn bún, phở mỗi sáng vì sợ “mặn”
Anh Hoàng Xuân Phát ở Hà Nội kể, sở thích của anh là mỗi sáng ăn 1 món “có nước” kiểu như bún, phở, miến ngan… Thói quen này được duy trì trong nhiều năm và anh nghĩ rằng những món ăn này đều rất tốt, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Tuy nhiên, gần đây nhất, anh đi khám bệnh định kỳ thì phát hiện ra bị huyết áp cao. Bác sĩ tư vấn cho anh các chế độ ăn uống, luyện tập để ngăn ngừa căn bệnh xảy ra biến chứng xấu, trong đó nhấn mạnh là phải giảm thiểu ăn mặn.
Bác sĩ nói, thói quen của người Việt là ăn rất mặn, hàng ngày tiêu thụ 1 lượng muối cao hơn rất nhiều mức cho phép. Chính vì thế, anh Phát được yêu cầu luyện thói quen ăn nhạt đi, chỉ nên ăn từ 2 – 4g muối mỗi ngày.
Thậm chí, bác sĩ còn yêu cầu anh không nên ăn bún, phở ở ngoài hàng mà nấu ăn ở nhà để có thể kiểm soát được lượng muối tiêu thụ hàng ngày.
Bác sĩ nói, ở ngoài nhà hàng, người ta thường nấu theo thói quen tập quán chung của người Việt là ăn rất mặn, vì thế lượng muối trong một bán bún, phở là rất cao, vượt xa so với lượng khuyến cáo hàng ngày của mỗi người.
Từ đó, anh Phát phải từ bỏ thói quen ăn sáng ở ngoài hàng. Anh chuyển sáng xen kẽ các bữa xôi, bánh cho tiện, còn nếu muốn ăn bún, phở thì phải tranh thủ nấu ở nhà.
Những điều anh Phát kể trên không phải là không có cơ sở. PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia từng công bố kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng thì thấy trong một 1 bát phở, bún bình thường có tới 4-5g muối. Lượng muối này đã bằng với lượng khuyến cáo chung của WHO mà mỗi người nên tiêu thụ trong ngày 1 ngày.
Đấy là còn chưa kể khi đi ăn hàng, mỗi một bán bún, phở… người ta thường ném vào 1 thìa đầy mì chính, mà mì chính cũng là một loại muối với tên gọi monosodium glutamat, nếu ăn với lượng nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Ăn quá mặn, người Việt trở thành nạn nhân của bệnh tim mạch
Theo các chuyên gia, người Việt ăn mặn gấp 2 – 3 lần so với khuyến cáo. Kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy người Việt trưởng thành (có độ tuổi từ 25 – 64) tiêu thụ trung bình 12 – 15g muối trong khi mức khuyến cáo của WHO chỉ là ít hơn 5g muối mỗi ngày.
So sánh với các nước khác mới thấy mức tiêu thụ muối của người Việt quá cao vì người Mỹ chỉ ăn trung bình 3,6g muối/ngày, người châu Phi ăn 2,18g muối/ngày, người Trung Á dùng 5,5g muối/ngày, Tây Âu khoảng 6g/ngày…
Ăn quá mặn, hậu quả là rất nhiều người Việt trở thành nạn nhân của bệnh tim mạch. Theo số liệu thống kê mới nhất của Hội Tim mạch học Việt Nam, 47,3% người trưởng thành bị bệnh tăng huyết áp, tương đương gần 21 triệu người.
Theo GS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, khi ăn mặn sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu.
“Ăn mặn sẽ khát nước. Khi nước vào cơ thể sẽ đi vào máu làm tăng thể tích tuần hoàn, tăng áp lực trong máu dẫn đến tăng huyết áp” – GS Lợi cho biết.
Cụ thể hơn khi ăn mặn, một lượng muối quá lớn bị đưa vào cơ thể, tích tụ theo thời gian khiến thận – cơ quan có vai trò loại bỏ natri dư thừa trong máu – bị quá tải. Natri tích tụ, kéo theo hiện tượng giữ nước trong máu để pha loãng natri.
Điều này làm tăng thể tích máu trong các mạch máu. Tăng thể tích máu có nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn. Theo thời gian áp lực máu trên thành mạch tăng sẽ dẫn đến cao huyết áp. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mạch, chiếm 2/3 các ca đột quỵ và một nửa số bệnh tim.
Những nguy cơ khác do ăn quá mặn
Theo các chuyên gia, việc tiêu thụ quá nhiều muối còn đem đến các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn sau:
- Ung thư dạ dày: Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư đã nghiên cứu và thấy rằng ăn nhiều muối là một nguyên nhân có thể xảy ra của bệnh ung thư dạ dày. Vì thế, nếu bạn ăn quá mặn đồng nghĩa với việc bạn tự làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này cho chính mình.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của xương: Sodium ức chế hấp thu và sử dụng canxi của cơ thể khiến cho cơ thể bị thiếu canxi. Việc thiếu canxi do ăn mặn dẫn đến tình trạng thấp còi ở trẻ em và loãng xương ở người lớn.
Theo Phó giáo sư Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy sinh dưỡng thấp còi ở nước ta vẫn ở mức cao, gần 25%. Tính trung bình mỗi năm có khoảng 1,9 triệu trẻ bị suy sinh dưỡng thấp còi. Số trẻ này khi lớn lên sẽ thiếu hụt khoảng 10 cm chiều cao với bạn bè cùng tuổi.
Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối có thể nâng cao đáng kể nguy cơ gãy xương và biến dạng xương khác. Vì vậy không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng phải cẩn thận nhất là phụ nữ sau mãn kinh, bệnh nhân tiểu đường và người già có nguy cơ cao của bệnh loãng xương.
- Hại thận: Lượng canxi dư thừa và natri không được sử dụng bởi cơ thể sẽ đi ra nước tiểu. Điều này có thể làm tăng tải trọng lọc của thận và tăng khả năng hình thành sỏi thận. Huyết áp cao cũng rất có hại cho thận.
Theo Trí Thức Trẻ