Trong khi an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay bởi ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi trong vi phạm ATTP thì sự quan tâm của các địa phương dường như còn thiếu mặn mà, chưa kể sự chấp chới trong trách nhiệm quản lý của các Bộ ngành ở lĩnh vực này.
Vẫn chưa hết vi phạm về ATTP trên bún
Sợi bún ba Bộ cùng quản
Từ năm 2011, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư quản lý ATTP theo chuỗi, quản lý từ cơ sở sản xuất tới kinh doanh, nhưng đã qua ngần ấy năm, số địa phương thực hiện vẫn còn rất ít. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (QLCLNLTS) cho hay, tính đến hết 30-8-2013 mới có 19 địa phương gửi báo cáo về Cục theo quy định, trong đó chỉ có 13 địa phương báo cáo kết quả kiểm tra, phân loại, tổ chức tái kiểm tra các cơ sở sản xuất xếp loại C (yếu kém, không đủ tiêu chuẩn) và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Cụ thể, chỉ có 8/13 tỉnh, thành đánh giá, kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản. Tỷ lệ cơ sở xếp loại C vẫn chiếm tới 33,3%. Với cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp chỉ được 6/13 tỉnh, thành thực hiện, tỷ lệ cơ sở xếp loại C là 44%. Đặc biệt, kết quả tái kiểm tra tại 6 cơ sở thì vẫn không có sự thay đổi, biến chuyển.
Nóng lên gần đây là tình trạng sử dụng hóa chất tẩy trắng Tinopal, một loại hóa chất tẩy dùng trong công nghiệp nhưng lại được các cơ sở sản xuất dùng để tẩy trắng bún. Qua kiểm tra, tình trạng sử dụng Tinopal xuất hiện ở nhiều địa phương. Tinopal vào cơ thể có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, hỏng mao mạch khiến cơ thể khó khăn trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng cũng như tiêu hóa thức ăn. Cho đến nay, vẫn chưa biết thuộc Bộ, ngành nào quản lý sản phẩm này.
Tại cuộc họp về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản diễn ra sáng qua 6-9, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế cho rằng, sản phẩm này hiện chấp chới giữa các Bộ. “Từ nguyên liệu là bột gạo ướt để làm bún trở về lúa gạo thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, còn sản phẩm tinh bột lại thuộc về Bộ Công Thương nên chưa rõ, trách nhiệm thuộc Bộ nào quản lý”, ông Hùng bày tỏ.
Trước sự chênh vênh này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ này sẽ nhận trách nhiệm quản lý ATTP từ khâu sản xuất bột ướt để sản xuất bún, giao Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phụ trách, có công văn chỉ đạo các địa phương kiểm tra làm rõ thực trạng.
Nông dân bức xúc về thuốc ngoài luồng
Thống kê của Cục ATTP cho thấy, tính đến ngày 5-9, toàn quốc đã xảy ra 126 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.187 người mắc, trong đó 19 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái thì tình hình ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm. Song, theo ông Hùng, đây mới chỉ là số vụ ngộ độc cấp tính, còn số nữa nằm trong cộng đồng, mắc ngộ độc lẻ tẻ. “Ngộ độc thực phẩm là hậu quả của việc sử dụng sản phẩm không an toàn”, ông Hùng nhận định.
Và, sản phẩm không an toàn là kết quả của việc sử dụng các nguyên liệu đầu vào thiếu an toàn cùng với việc lạm dụng các hóa chất bảo quản. Ông Cao Đức Phát cho biết, trong quá trình đi cơ sở, tiếp xúc với nông dân và địa phương, người dân rất bức xúc về vấn đề quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kém chất lượng, không nguồn gốc vẫn lọt vào thị trường và được sử dụng. “Nhiều người phản ánh với tôi và cho rằng, tình hình tiêu dùng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài luồng có vẻ diễn biến nghiêm trọng hơn”.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV nhìn nhận, thuốc BVTV hiện chỉ được nhập khẩu chính ngạch, vì vậy, tất cả các lô hàng nhập khẩu ngoài con đường này, bao gồm cả tiểu ngạch đều là hàng lậu, không được kiểm soát. Qua kiểm tra phát hiện, trên thị trường xuất hiện một số loại thuốc không có nhãn mãc tiếng Việt như thuốc thúc chín tố (gây chín hoa quả), chính là thuốc nhập lậu. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục BVTV phải có biện pháp ngăn chặn, triệt tận gốc thuốc BVTV nhập lậu, vì sử dụng nguyên liệu, vật tư không đảm bảo gây mất ATTP trên cả sản phẩm nông sản.
Theo Báo An Ninh Thủ Đô