Khoáng chất vi lượng là các chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng rất nhỏ để duy trì sức khỏe, hoàn thiện một số cơ quan chức năng bên trong. Các vi chất tham gia vào quá trình xây dựng nên tế bào, các mô, vì thế rất cần thiết cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ. Tuy chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng nếu thiếu chúng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những lợi ích của từng loại khoáng chất vi lượng đối với sự phát triển cơ thể.
1. Sắt
Cơ thể chúng ta sử dụng sắt để tạo ra hemoglobin và myoglobin. Hemoglobin là một loại protein trong tế bào hồng cầu, nó giúp mang oxy từ phổi đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Myoglobin là một loại protein cung cấp oxy cho cơ bắp. Chính vì thế, cơ thể chúng ta rất cần sắt.
Sắt trong thực phẩm có hai dạng: sắt heme và sắt nonheme. Sắt nonheme chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm thực vật. Thịt, hải sản và gia cầm có cả sắt heme và nonheme. Chính vì thế nguồn thịt động vật là nguồn cung cấp sắt đầy đủ cho cơ thể chúng ta nhất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hấp thụ sắt từ các nguồn thực phẩm thực vật như dâu tây, ớt ngọt, cà chua, các loại đậu,… vì vậy, những người ăn chay vẫn có thể bổ sung được sắt cho cơ thể.
2. Đồng
Đồng hoạt động cùng với sắt để giúp cơ thể hình thành các tế bào hồng cầu. Nó còn có vai trò là giữ cho các mạch máu, dây thần kinh, hệ thống miễn dịch và xương khỏe mạnh. Chính vì thế, nếu thiếu đồng sẽ khiến cơ thể thiếu máu và loãng xương.
Hàu và các động vật có vỏ khác, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại hạt, khoai tây và các loại thịt nội tạng (thận, gan) là những nguồn cung cấp đồng dồi dào. Thêm vào đó, chúng ta cũng có thể bổ sung đồng từ các loại rau có màu xanh đậm, trái cây khô như mận khô, ca cao, hạt tiêu đen.
3. Iốt
Iốt đóng vai trò chính trong việc tạo ra các các hormone tuyến giáp cho cơ thể. Đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em được khuyến khích nên bổ sung iốt vào chế độ ăn uống, vì nó giúp phát triển xương và não cho cơ thể.
Các loại cá như cá tuyết và cá ngừ, hay các loại hải sản như tôm, rong biển thường rất giàu iốt. Các sản phẩm từ sữa như sữa chua và pho mát cũng là nguồn cung cấp iốt rất tốt.
4. Kẽm
Kẽm giúp cơ thể hình thành một hệ thống miễn dịch, giúp chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập. Cơ thể chúng ta cũng cần kẽm để tạo ra protein và DNA, vật chất di truyền trong tất cả các tế bào.
Phụ nữ mang thai, trẻ em và trẻ sơ sinh đều cần kẽm để tăng trưởng và phát triển đúng cách. Chính vì thế, việc thiếu kẽm ở trẻ sơ sinh và trẻ em sẽ gây ra việc chậm phát triển. Bên cạnh đó, việc thiếu kẽm còn gây rụng tóc, tiêu chảy, lở loét mắt và da. Điều này xảy ra do kẽm có khả năng chữa lành vết thương, giúp vết thương nhanh lành hơn. Ngoài ra, vi chất này rất quan trọng đối với vị giác và khứu giác.
Chúng ta có thể bổ sung kẽm dưới dạng uống hay từ các loại thực phẩm. Tuy nhiên, khuyến khích chúng ta nên bổ sung từ nguồn thực phẩm. Trong nhóm hải sản, hàu chính là nguồn cung cấp kẽm tốt nhất. Ngoài ra, thịt đỏ, thịt gia cầm, cua, tôm, và ngũ cốc ăn sáng, cũng là những nguồn dồi dào khoáng chất này.
5. Selen
Selen rất quan trọng đối với quá trình sinh sản, chức năng tuyến giáp, sản xuất DNA. Selen giúp bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương do các gốc tự do gây ra và hỗ trợ việc nhiễm trùng vết thương.
Theo các nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ lượng selen thấp hơn có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư ruột kết và trực tràng, tuyến tiền liệt, phổi, dạ dày,…
Tuyến giáp có lượng selen cao, chính vì thế selen đóng một vai trò quan trọng trong chức năng tuyến giáp. Các nghiên cứu cho thấy những người – đặc biệt là phụ nữ – có nồng độ selen và iot trong máu thấp có thể phát triển các vấn đề về tuyến giáp.
Selen được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm như hải sản, thịt, gia cầm, trứng và các sản phẩm từ sữa, bánh mì, và các sản phẩm ngũ cốc khác.
Kết luận
Hầu hết cơ thể chúng ta luôn cần được bổ sung các khoáng chất nói chung và khoáng chất vi lượng nói riêng, để xây dựng một cơ thể khoẻ mạnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung khoáng chất ít hoặc không. Những người có một số vấn đề về sức khỏe hoặc dùng một số loại thuốc có thể cần bổ sung ít hơn một trong các loại khoáng chất so với người có sức khoẻ bình thường. Ví dụ, những người bị bệnh thận mãn tính cần hạn chế thực phẩm có nhiều kali.
Vy Đặng