Nhiều thương hiệu cà phê “nhà giàu” rầm rộ mở cửa nhưng rồi cũng âm thầm đóng cửa chỉ sau một thời gian góp mặt tại thị trường Việt Nam.
Việc Starbucks vào Việt Nam đã khiến cho dư luận rộn ràng mất một thời gian dài, khi chuỗi quán này liên tục mở ngay tại 2 địa điểm vàng của TP. HCM. Tuy nhiên, không như cửa hàng thứ nhất, khách phải xếp hàng hàng tiếng đồng hồ mới được phục vụ, ở cửa hàng thứ hai, Starbuck phải chứng kiến cảnh vắng khách ngay ngày khai trương. Gloria Jeans thì đừng nói đến lợi nhuận, họ đã đóng cửa gần hết số cửa hàng của mình sau 7 năm có mặt tại Việt Nam.
Từ vắng khách đến đóng cửa
Gloria Jean’s Coffee có thể là đại diện cho sự thất bại kinh doanh chuỗi cà phê tại Việt Nam. Vào thị trường từ năm 2006, đến năm 2011 chuỗi này đạt con số 6 cửa hàng. Từ đó đến nay, thương hiệu này vẫn không có gì mới, thậm chí họ còn đóng cửa “biểu tượng” của Gloria Jean’s trên đường Đồng Khởi.
Highlands Coffee cũng than lỗ và đang được thay đổi diện mạo. Hãng đã mở rộng menu và bán voucher giảm giá trên các trang groupon để phục vụ nhiều tầng lớp khách hàng hơn.
Gloria Jean’s Coffee – đại diện cho sự thất bại kinh doanh chuỗi cà phê tại Việt Nam.
Một chuỗi cà phê nhượng quyền khác cũng thể hiện nhiều tham vọng, đó là The Coffee Bean & Tea Leaf. Ông Andrew Nguyễn, người đưa thương hiệu này về Việt Nam, đã thể hiện tham vọng khi đặt ra kế hoạch mở 18 cửa hàng cho đến cuối năm nay. Tuy nhiên, chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2013 nhưng The Coffee Bean & Tea Leaf chỉ mới có 11 cửa hàng.
Đoàn Đình Hoàng, chuyên gia thương hiệu, cũng là nhà sáng lập chuỗi cà phê Passio, cho rằng một khi có mặt Starbucks thì sức ép cạnh tranh đối với The Coffee Bean & Tea Leaf và Gloria Jean’s sẽ rất lớn.
Cố ôm giấc mộng vàng
Trung Nguyên cũng đang dấn thân mạnh mẽ vào lĩnh vực chuỗi quán cà phê với gần 60 quán hiện tại và kế hoạch mở thêm thành 200 quán trong 2 năm tới. Tuy nhiên, có vẻ như mục đích của Trung Nguyên không phải nhắm đến lợi nhuận.
Thứ nhất, quán của Trung Nguyên hầu như đều nằm tại các vị trí vàng, có giá thuê cao. Theo đánh giá của dân trong ngành, với một quán cà phê như vậy, Trung Nguyên tốn khoảng 300.000- 500.000 USD vốn đầu tư. Thứ hai, tham vọng mở quá nhiều quán khiến Trung Nguyên mở các quán cà phê san sát nhau, dẫn đến kém hiệu quả.
Kinh doanh không hiệu quả, lại mở quán ở những vị trí đắc địa. Vậy Trung Nguyên có mục đích gì?
Nói về kết quả kinh doanh, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên, cho rằng Trung Nguyên đi bằng 2 cách, phát triển cả chuỗi cà phê và phân phối cà phê rang xay, trong đó chuỗi cà phê làm nhiệm vụ gia tăng ảnh hưởng thương hiệu cho Trung Nguyên.
Rõ ràng chuỗi quán cà phê của Trung Nguyên đã làm tốt nhiệm vụ: Quảng bá thương hiệu Trung Nguyên. Vậy những Gloria Jean’s Coffee, Highlands hay The Coffee Bean & Tea Leaf thì sao?
Có vẻ như ông chủ các thương hiệu này vẫn lạc quan khi cho rằng thị trường cà phê Việt Nam còn đất sống. Ông Hoàng cho rằng thị trường cà phê còn quá sơ khai, vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho những thương hiệu mới tham gia thị trường.
Cùng chung nhận định, Andrew Nguyễn cho rằng, ở thị trường Mỹ có hàng chục, thậm chí hàng trăm thương hiệu cà phê phục vụ từ giới thượng lưu đến những khách hàng bình dân. Thị trường Việt Nam chưa phát triển đến mức có thể hội tụ đầy đủ những thương hiệu cà phê, nên thị phần của ngành này vẫn còn rộng. Ông Andrew cũng nhấn mạnh The Coffee Bean & Tea Leaf vẫn có thể mở 10 quán cà phê 1 năm và không có xứ xở nào uống cà phê nhiều như Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn lại GDP bình quân đầu người của Việt Nam và Mỹ mới thấy sự chênh lệch lớn. Năm 2012, Mỹ đạt 45.511 USD/người, Việt Nam chỉ đạt 1.540 USD/người. Trong khi 1 ly cà phê Starbucks ở Mỹ có giá 3-5 USD, về Việt Nam, cũng mức giá đó. Câu chuyện kinh doanh cà phê chuỗi ở Việt Nam rõ ràng còn một thách thức lớn nữa, đó là về giá.
Với những bước đi của mình, Highlands có vẻ đang cập nhật xu hướng này nhanh nhất. Và, thực tế là giấc mộng cà phê chuỗi vẫn còn đau đáu lắm.
Theo Zing