Lúa mạch là nguyên liệu lâu đời dùng để sản xuất bia. Thế nhưng giờ đây bạn có thể thử một loại bia mới sản xuất từ hạt fonio. Đây là loại ngũ cốc được trồng lâu đời nhất ở Tây Phi và được đánh giá là có tiềm năng giải quyết các thách thức kinh tế và môi trường hiện đại. Vậy liệu hạt fonio có được dùng để sản xuất bia trong tương lai hay không? Hãy tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Fonio – “Vụ mùa của người nông dân lười biếng”
Fonio trắng (digitaria exilis), một loại cỏ bản địa thuộc họ kê. Nó đã được trồng ở Tây Phi như một loại lương thực từ 5000 năm về trước. Ở vùng Senegal, Mali, Guinea, Burkina Faso và Togo, người dân đã trồng và ăn nhiều loại hạt kê không chứa gluten như lúa miến và fonio. Khả năng sinh trưởng của loài cây này được đánh giá là khá nhanh và mạnh mẽ. Chúng có thể phát triển ngay cả ở điều kiện khắc nghiệt. Vì lí do này mà người ta gọi fonio là “Vụ mùa của người nông dân lười biếng”.
Trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Mali và Senegal vào cuối những năm 1800, người Châu Âu gọi fonio là “cơm cứu đói” bởi vì họ không biết giá trị dinh dưỡng thật sự của loại ngũ cốc này. Ở Mali, người Pháp đã quyết định rằng nông dân nên trồng bông và ăn gạo nhập khẩu từ Châu Á. Sau đó, người dân Châu Phi đã đổi từ sử dụng loài lương thực bản địa này sang ăn lúa gạo nhập khẩu.
Ý tưởng về công nghệ sản xuất bia từ hạt fonio
Ý tưởng này được Thiam và Garrett Oliver – nhà sản xuất bia của Nhà máy bia Brooklyn phát triển. Với những hiểu biết rộng của Thiam về hạt fonio và kiến thức công nghệ về bia của Garrett Oliver, họ đã quyết định làm một mẻ bia fonio thử nghiệm.
Theo Thiam thì nếu người mua hạt fonio thay vì gạo, lúa mì hoặc lúa mạch thì có thể giúp Tây Phi và thế giới giảm bớt các vấn đề lớn như đói nghèo, thiếu lương thực, biến đổi khí hậu và cả hiện tượng sa mạc hoá. Vấn đề giờ đây chỉ còn là làm sao để bia sản xuất từ hạt Fonio thật ngon và chất lượng để thu hút sự chú ý từ người tiêu dùng.
Thêm vào đó, fonio còn là một loại cây trồng thân thiện với khí hậu hơn các loại ngũ cốc khác. Thực tế, để trồng 500g lúa mạch cần xấp xỉ 1238 lít nước trong khi 500g lúa mì cần 829 lít nước và 500g gạo trắng cần 1514 lít nước.
Fonio còn có khả năng sinh trưởng tốt, cụ thể loại ngũ cốc của Tây Phi này có thể phát triển mạnh chỉ với lượng mưa khoảng 600mm hàng năm và không cần dùng thêm thuốc trừ sâu hoặc phân bón như các loại cây trồng cùng họ khác.
Chất lượng bia sản xuất từ fonio và lúa mạch có khác nhau không?
Sau khi dùng thử sản phẩm bia từ fonio thì Oliver – biên tập viên của The Oxford Companion to Beer có nhận xét: “Fonio giúp tạo ra hương vị tuyệt vời cho bia. Loại bia này có cảm giác mịn hơn bia từ lúa mạch, có hương hoa và trái cây khiến tôi liên tưởng đến vải thiều hoặc gewürztraminer (một giống nho làm rượu thơm) và có một chút vị đắng nhẹ gợi nhớ đến vị đắng của của rượu sake.”
>> Xem thêm: Các nguyên liệu chính sử dụng trong Sản xuất Bia thủ công
Fonio còn là một loại ngũ cốc dinh dưỡng. Fonio cung cấp một nguồn protein và acid amin dồi dào, hàm lượng này cao hơn cả các loại ngũ cốc thông thường như lúa mì, gạo, ngô, lúa miến, lúa mạch và lúa mạch đen. Các thành phần khác như sắt, vitamin B trong loại hạt này cũng chiếm hàm lượng khá cao.
Những khó khăn khi sản xuất bia từ fonio
Làm sạch cát
Công đoạn này hiện nay được thực hiện hoàn toàn thủ công. Trong đó, công nhân sẽ đập vỡ từng khóm fonio để thu lấy hạt. Sau đó sử dụng nhiều nước để rửa sạch bụi bẩn và cát. Một người xử lý có kinh nghiệm có thể làm sạch từ 50 đến 100kg nguyên liệu mỗi ngày. Một kỹ sư cơ khí người Senegal đã phát triển máy phay fonio vào năm 1996, nhưng thiết bị này vẫn còn tương đối đắt đỏ đối với các hộ nông dân nhỏ.
Sắp tới, một nhà máy chế biến ở Mali do công ty Bühler của Thụy Sĩ sẽ phát triển thiết bị sơ chế fonio cho năng suất từ 2 đến 4 tấn mỗi giờ. Máy này sử dụng lượng nước ít hơn 40 lần so với công nghệ truyền thống. Tuy nhiên đến cuối năm 2024 thì thiết bị này mới được tung ra thị trường.
>> Xem thêm: Phân loại Bia theo phương pháp lên men và thành phần nguyên liệu
Đưa fonio trở lại nền thực phẩm của Châu Phi
Sau tác động lâu dài của chủ nghĩa dân Pháp, người Châu Phi đã không còn ăn loại ngũ cốc quen thuộc này và chuyển sang nhập khẩu lúa gạo. Họ dùng gạo như lương thực chính và hạt fonio bị người nông dân “lãng quên”. Không còn ai trồng loại ngũ cốc này nên khiến cho nó có giá đắt hơn cả gạo nhập khẩu. “Thu mua số lượng lớn hạt fonio làm nguyên liệu để sản xuất bia sẽ thúc đẩy người dân Châu Phi gia tăng trồng trọt và giúp giá thành của loại nguyên liệu này giảm xuống” – Theo đánh giá của Thiam. Tuy nhiên ý tưởng này nằm ở một tương lai xa hơn.
Tạm kết
Bia được sản xuất từ hạt fonio là một giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề nghèo đói và khủng hoảng lương thực của Tây Phi và cả thế giới. Công nghệ này hứa hẹn sẽ tiếp tục được nhân rộng và sản phẩm bia fonio sẽ trở thành một xu hướng bia mới trong tương lai.
Theo The Guardian
Vân Thanh