Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với các loại bánh dân dã, gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Trong đó, món bánh ống Sóc Trăng là một đặc trưng nhất. Trong bài viết sau, Foodnk sẽ cùng bạn tìm hiểu về món bánh ống này của Sóc Trăng nhé! Ở phần này, bài viết sẽ tập trung về tổng quan.
Nguồn gốc
Tại các hàng quán ở tỉnh Sóc Trăng thực khách sẽ không khó để bắt gặp món bánh ống của nơi đây. Được biết, người Khmer đã làm ra bánh ống, đặc biệt là ở Sóc Trăng và Trà Vinh. Bánh có dạng hình trụ đặc trưng. Đây cũng là lý do tạo nên tên gọi của loại bánh này. Bánh thường được ưa chuộng vào mùa lạnh và ăn ngay lúc còn nóng. Bởi lẽ, lúc này hương vị thơm của bánh tỏa ra ngào ngạt khiến người thưởng thức không nỡ bỏ qua. Một khi đã đến Sóc Trăng hay Trà Vinh. Nếu bạn không thưởng thức món bánh ống đặc sản thì xem như phí công sức cả chuyến đi.
Ngày nay, bánh ống của Sóc Trăng dần phổ biến ở nhiều nơi. Tuy nhiên về hương vị nguyên bản thì được nhận xét không bằng chính gốc ở Sóc Trăng hay Trà Vinh.
Đặc trưng
Như đã nói, bánh ống có dạng hình trụ dài khoảng 10 – 12cm với đường kính nhỏ. Ống trụ làm bánh có chất liệu bằng nhôm hoặc inox. Tuy nhiên trước đây bánh ống nguyên bản ở Sóc Trăng hay Trà Vinh sẽ được làm từ ống tre rỗng ruột. Và việc sử dụng ống tre để làm bánh vẫn còn được duy trì cho đến hiện tại. Bởi lẽ, người ta cho rằng bánh ống bằng tre sẽ có hương vị đặc thù và ngon hơn.
Điều thú vị của bánh ống thu hút người thưởng thức là màu xanh ngọc. Màu xanh này được bao phủ bởi lớp dừa non được bào sợi. Nhiều người thường lầm tưởng loại cốm xanh sẽ được dùng để tạo ra màu xanh của bánh. Thế nhưng, màu xanh này đến từ lá dứa. Nó cũng là nguyên liệu để làm nên nhiều loại bánh ngon ở miền Tây Nam Bộ.
Khi thưởng thức, hương thơm của lá dứa cùng với vị béo của nước cốt dừa đọng lại ngay cuống họng. Thế nhưng lại không tạo cảm giác ngấy. Tất cả tạo nên một món bánh có độ xốp hoàn hảo nhất khi ăn.
Bánh sẽ được hấp chín bằng nồi nước sôi liên tục khi cho vào khuôn. Chính vì vậy ở những hàng quán bánh ống lúc nào cũng nghi ngút khói với hương thơm lan toả để thu hút người người đến thưởng thức.
Khi chín, người ta có thể rạch một đường theo chiều dọc bánh rồi cho nhân vào. Nhân này thường là muối mè với dừa nạo hoặc tùy theo sở thích người dùng rồi cuốn bánh lại như cũ để thưởng thức. Người ta cũng có thể không dùng nhân bánh. Thay vào đó, dừa nạo và muối mè sẽ được phủ ngoài bánh để ăn.
Tạm kết
Không chỉ ở Sóc Trăng hay Trà Vinh mà ở khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bánh ống dường như gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Có đi xa quê đến mấy khi về thì chiếc bánh ống này sẽ tạo ra nhiều kỉ niệm. Vậy trong phần tiếp theo, Foodnk sẽ cùng bạn tìm hiểu về nguyên liệu làm ra bánh ống Sóc Trăng, hãy cùng theo dõi Foodnk nhé!
Thúy Duy