Bảo quản thức ăn thừa có thể là điều mà hầu hết nhiều người hiện nay không thật sự quan tâm. Việc bảo quản thức ăn thừa là một cách tuyệt vời để giảm lãng phí thực phẩm. Mặc dù tiết kiệm là điều thông minh, nhưng việc ăn thức ăn thừa để quá lâu trong hoặc ngoài tủ lạnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Bài viết này sẽ chia sẻ thời gian bảo quản để chúng ta có thể sử dụng lại phần thức ăn thừa một cách an toàn nhất.
Các nhóm thức ăn thừa
Thực phẩm giữ được an toàn trong bao lâu phụ thuộc vào một số yếu tố như việc chuẩn bị thực phẩm vệ sinh, bảo quản đúng cách và phụ thuộc vào từng nhóm thực phẩm. Vì thế, mỗi loại thực phẩm khác nhau sẽ có thời gian bảo quản an toàn trong tủ lạnh khác nhau.
Nguyên nhân là do một số thực phẩm dễ chứa mầm bệnh như vi khuẩn hoặc chất độc có thể gây bệnh đối với sức khỏe cơ thể. Tuy nhiên, thức ăn thừa thường trộn lẫn với các nhóm thức ăn khác nhau. Chính vì thế, trong những trường hợp này, một nguyên tắc chung là phải loại bỏ thành phần nào trong món ăn dễ làm hỏng trước.
1. Nhóm thực phẩm có nguy cơ độc hại thấp
-
Hoa quả và rau
Tất cả trái cây và rau sống luôn phải được rửa kỹ trong nước sạch trước khi ăn và sau khi rửa sạch, chúng ta nên ăn chúng càng sớm càng tốt. Thời gian bảo quản của trái cây tươi đã được rửa và cắt kỹ, thường sẽ giữ được khoảng 3 – 5 ngày.
Trái cây và rau quả có hàm lượng nước cao như cà chua, dưa chuột, dâu tây,… chúng dễ mất độ tươi nhanh hơn so với những loại có hàm lượng nước thấp hơn như cải xoăn, khoai tây và chuối, vì thế thời gian bảo quản của nhóm rau quả hàm lượng nước cao ngắn hơn loại có hàm lượng nước thấp.
Khi đã nấu chín, rau nên được bảo quản trong hộp kín và thường sẽ giữ được đến 3 – 7 ngày trong tủ lạnh.
-
Bánh mì
Bánh mì tự làm có thể để được khoảng 3 ngày ở nhiệt độ phòng, trong khi bánh mì mua ở cửa hàng có thời gian bảo quản kéo dài tới 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, nếu quan sát ở bánh mì bắt đầu xuất hiện nấm mốc, không được phép ăn chúng.
Bảo quản bánh mì trong tủ lạnh sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng của chúng, tuy nhiên chất lượng của bánh sẽ giảm khi để càng lâu.
2. Thực phẩm có nguy cơ độc hại trung bình
Đối với nhóm mì ống và các loại ngũ cốc như lúa mạch, quinoa đã được nấu chín, sẽ giữ được đến 3 ngày khi được bảo quản đúng cách. Nếu bạn đông lạnh nhóm thức ăn này sau khi nấu, thời gian bảo quản của chúng có thể kéo dài tới 3 tháng trước khi bắt đầu mất độ tươi.
Đối với các món tráng miệng và đồ ngọt thường để được khoảng 3 – 4 ngày trong tủ lạnh.
3. Thực phẩm có nguy cơ độc hại cao
Thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao hơn là những thực phẩm có hàm lượng protein và độ ẩm cao hơn vì đây là yếu tố tạo nên một môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển.
-
Cơm nguội
Khuyến khích nên bảo quản và làm nguội cơm trong vòng 1 giờ sau khi nấu, và tiêu thụ cơm nguội chỉ trong vòng 3 ngày. Cơm nguội là nguy cơ hình thành bào tử Bacillus cereus, loại vi khuẩn sinh ra độc tố và dẫn đến gây ngộ độc thực phẩm.
-
Thịt và gia cầm
Nếu đã làm chín nhóm thực phẩm thịt, chúng ta có thể bảo quản an toàn trong tủ lạnh 1 – 2 ngày ở nhiệt độ 5°C. Nếu bạn rã đông thịt sống trước khi nấu, chỉ nên bảo quản chúng trong vòng 2 ngày.
Các sản phẩm như thịt nguội, salad đã mở nắp, nên được tiêu thụ trong vòng 3 – 5 ngày kể từ ngày mở.
-
Động vật có vỏ, trứng, súp và các món hầm
Trứng là một loại thực phẩm có nguy cơ cao chứa vi khuẩn Salmonella nếu bảo quản không đúng cách. Trứng luộc có vỏ nên được tiêu thụ trong vòng 7 ngày sau khi nấu chín và bảo quản trong tủ lạnh.
Động vật có vỏ và cá có thể chứa nhiều mầm bệnh hoặc chất độc như histamin có thể nguy hại đến sức khoẻ chúng ta, vì thế nên bảo quản chúng trong vòng 3 ngày ở nhiệt độ thấp.
Các món súp và món hầm, có hoặc không có thịt hoặc cá, thường sẽ để được 3 – 4 ngày trong tủ lạnh.
Kết luận
Mỗi nhóm thực phẩm sẽ có thời gian bảo quản khác nhau. Cụ thể hơn, nếu các thức ăn đã qua chế biến và bảo quản tiếp tục khi không sử dụng hết, nên lưu ý thời gian bảo quản của từng loại thức ăn thừa. Nếu thấy ở chúng bắt đầu xuất hiện nấm mốc, mùi hôi thối, hãy bỏ chúng ngay lập tức.
Vy Đặng