Nguồn gốc của trà sữa trân châu đầy bí ẩn và vẫn còn được tranh luận sôi nổi. Theo phiên bản chính thống của các sự kiện, câu chuyện bắt đầu từ những năm 1980 ở Đài Loan.
Nguồn gốc của trà sữa trân châu?
Trà sữa trân châu hay còn gọi là trà trân châu (珍珠奶茶) là một thức uống tinh túy của Đài Loan, nhưng thức uống này có từ bao giờ, ai đã phát minh ra nó và làm thế nào mà nó trở nên phổ biến đến vậy?
Nguồn gốc của trà sữa trân châu đầy bí ẩn và vẫn còn được tranh luận sôi nổi, nhưng theo phiên bản chính thống của các sự kiện, câu chuyện bắt đầu từ những năm 1980 ở Đài Loan.
Thực ra trước kia, công thức nguyên bản chỉ bao gồm “trà” và “sữa”. Chúng được pha bằng trà đen hay trà xanh và thêm si-rô đường như chất làm ngọt. Sau đó hỗn hợp sẽ được lắc trong bình lắc cocktail. Việc lắc này có tác dụng làm lạnh trà và tạo lớp bọt tương tự lớp bọt phủ trên ly bia khi mới rót.
Sau này, người ta đã phát minh thêm những viên trân châu hay khoai mì dai (粉圓) cho vào trà sữa. Lúc này mới tạo nên trà sữa trân châu, thức uống quen thuộc ngày nay.
Hai chuỗi quán trà đối thủ của Đài Loan – Phòng trà Hanlin (翰林茶館) ở Đài Nam và Chun Shui Tang (春水堂人文茶館) ở Đài Trung – đều tuyên bố đã sáng tạo ra loại đồ uống sủi bọt này.
Tranh chấp về nguồn gốc
Trà sữa trân châu bắt nguồn từ phòng trà Hanlin?
Phòng trà Hanlin khẳng định họ nảy ra ý tưởng này vào năm 1986 khi người sáng lập Tu Tsung-ho (?宗和) phát hiện những viên khoai mì màu trắng được bán tại chợ Yamuliao ở Đài Nam. Tu chợt nảy ra ý tưởng và mua những viên này về nhà, nấu chín rồi cho vào trà sữa. Ông nhận thấy kết cấu vừa ý và nhanh chóng đặt tên cho loại đồ uống mới là trà sữa trân châu vì những viên bột sắn màu trắng trong mờ như ngọc trai. Cho đến ngày nay, khách hàng tại bất kỳ chi nhánh nào của Phòng trà Hanlin đều có thể lựa chọn giữa những viên bột sắn trắng nguyên bản hoặc loại đen phổ biến hơn, được làm bằng đường nâu.
Chun Shui Tang mới thật sự là ông tổ của món trà sữa trân châu?
Tuy nhiên, Chun Shui Tang vẫn khẳng định họ mới là nhà phát minh thực sự của loại đồ uống này và cho biết nó được tạo ra bởi một nữ nhân viên lúc đó 20 tuổi, Lin Hsiu-hui (林秀慧). Vào năm sau đó, 1987, Lin đã thử nghiệm bằng cách trộn món ăn nhẹ yêu thích thời thơ ấu của cô, bột sắn dây, với trà sữa đá và cả trà đen chanh để tạo ra thứ mà họ tuyên bố là tách trà sữa trân châu đầu tiên trên thế giới.
Hai công ty vướng vào một cuộc tranh chấp gay gắt, đệ đơn kiện nhau và cuối cùng phải ra tòa để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, vì không ai có thể cấp bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu thành công cho sản phẩm của mình nên vào giữa những năm 1990, trà sữa trân châu đã xuất hiện trong thực đơn của các quán trà ở Đài Loan, vốn là nơi lui tới phổ biến của sinh viên, doanh nhân để thư giãn và nhai kẹo trong những ngày trước đó.
Giả thuyết khác về nguồn gốc của trà sữa trân châu
Tuy nhiên, có một lời giải thích khác hấp dẫn: sự xuất hiện sớm nhất của trà sữa trên thực tế có thể bắt nguồn từ thời đế quốc Anh. Giả thuyết này cho rằng trà sữa trân châu lấy cảm hứng từ món chè Cendel (Chè bánh lọt) ở Malaya thuộc Anh (nay là Singapore và Malaysia).
Món Cendel là sự kết hợp giữa các sợi bột gạo sền sệt có màu sắc bắt mắt (tương tự như bánh lọt của Việt Nam) cùng với nước cốt dừa và đá. Món giải khát này có thể bắt nguồn từ việc người dân địa phương quan sát người Anh thêm sữa vào trà cùng với việc các thành phố cảng như Malacca, Penang mang đến công nghệ làm lạnh tiên tiến nhất.
Tóm lại thì món Cendel này có sự tương đồng lớn với trà sữa trân châu mà chúng ta biết. Có thể trái ngược với những tuyên bố trên rằng thật ra trà sữa trân châu chỉ đơn giản bắt nguồn từ người bán hàng ở chợ đêm Đài Loan trong chuyến đi đến Singapore hay Maylaysia đã vô tình thưởng thức được món Cendol bản xứ. Có lẽ họ đã về biến tấu lại món trà sữa truyền thống của họ trở nên đặc sắc hơn bằng cách thêm những viên khoai mì dai vào.
Tạm kết
Bất kể nguồn gốc thực sự của trà sữa là gì thì việc loại thức uống nãy đã trở thành thức uống quốc dân là không hề chối cãi được. Không còn ai tranh cãi để phân xem “tôi” hay “anh” là người sáng chế ra thức uống độc đáo này. Điều họ quan tâm hơn là làm thế nào để liên tục đổi mới những kết hợp và kết cấu hương vị mới lạ để thu hút khách hàng quay lại mua nhiều hơn!
Theo Taipei Times
Vân Thanh