Muối ăn là một trong những loại gia vị cơ bản nhất, nó có mặt trong hầu hết các món ăn từ xưa đến nay và phủ khắp thế giới. Về bản chất, loại gia vị này là một hợp chất hoá học cấu thành từ 2 ion là Na+ và Cl–. Ngoài công dụng tạo nên vị cho món ăn, muối ăn còn rất hữu hiệu trong việc bảo quản thực phẩm, đặc biệt là thịt và cá. Chính điều này đã khiến loại gia vị này trở nên rất có giá trị, đến nỗi nó được xem như một hình thức trả “lương” trong lịch sử.
Tác dụng bảo quản của muối ăn đã được đề cập chi tiết trong bài viết trước. Cơ chế của việc bảo quản thực phẩm này là do nó hút ẩm, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại và khuyến khích các lợi khuẩn. Vậy tại sao muối ăn lại có thể hết hạn được?
Nguyên nhân khiến chúng hết hạn không phải là do bản chất của chúng – NaCl mà thay vào đó, chính các chất phụ gia mà các nhà sản xuất trộn vào để ngăn vón cục, và thêm chất dinh dưỡng mới là thủ phạm. Iốt, chất chống vón cục, khoáng chất vi lượng trong các loại muối hồng, đỏ, đen, trắng có thể bị phân huỷ theo thời gian. Tuy nhiên việc hết hạn cũng không chắc sẽ gây hại cho người dùng, bởi nhiều loại muối được gán mác iốt, muối dinh dưỡng,… nhưng thực chất cũng chỉ là muối ăn thông thường mà thôi. Do đó, hãy quan sát bằng mắt, nếu bạn phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu bất thường gì như nấm mốc thì hãy ngừng sử dụng ngay.
Mặc dù theo lý thuyết muối nguyên chất không bao giờ sợ hết hạn, thế nhưng bạn cũng không nên quá chủ quan. Bởi với đặc tính hút ẩm, muối có thể hấp thụ nước từ không khí, hút mùi từ nhà bếp của bạn, khiến chúng bị vón cục và có mùi lạ. Để khắc phục tình trạng đó, bạn nên bảo quản muối trong hộp kín khí, đặt ở nơi khô thoáng và nhất là tránh ánh sáng trực tiếp.
Theo Lifehacker