Trong nhà máy sản xuất thực phẩm, có một bộ phận sinh vật dù con người không muốn chúng xuất hiện nhưng ít nhiều vẫn tồn tại và làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm. Chúng chính là côn trùng và các động vật gây hại, bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Nhận dạng côn trùng gây hại
Côn trùng hay còn gọi là sâu bọ, là một lớp sinh vật thuộc về ngành động vật không xương sống, chúng có bộ xương ngoài làm bằng kitin, cơ thể có ba phần (đầu, ngực và bụng), ba cặp chân, mắt kép và một cặp râu. Đây là nhóm động vật đa dạng nhất hành tinh, gồm hơn một triệu loài đã được mô tả và gồm hơn một nửa số sinh vật sống. Số loài còn sinh tồn được cho là từ 6 – 10 triệu loài, và đại diện cho 90% dạng sống của các loài động vật khác nhau trên Trái Đất. Côn trùng có thể sống được ở hầu hết các môi trường sống, mặc dù chỉ có số ít các loài sống ở biển và đại dương, nơi mà động vật giáp xác chiếm ưu thế hơn.
Trong nhà máy sản xuất thực phẩm có các loài gây hại ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm như: chuột, côn trùng: gián, ruồi, kiến, bọ, mọt, nhện, rệp, sâu bướm, thằn lằn, chim, động vật sống ký sinh trên mèo, chó,…
Những dấu hiệu của việc bị lây nhiễm các loài gây hại như: có động vật chết, thấy phân, bao bì bị hư hại, có mùi lạ, có đốm bẩn/mất màu, những lỗ trên bề mặt, có những ấu trùng/nhộng, trứng, mạng nhện, những đống mãnh vụn.
Ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm
Việc côn trùng xâm nhập vào quy trình sản xuất thực phẩm là mối đe dọa có nguy cơ cao vì chúng sẽ gây ô nhiễm, thiệt hại theo nhiều cách. Ít nhiều làm ảnh hưởng đến cảm quan, chất lượng sản phẩm. Hẳn các bạn còn nhớ cách đây vài năm, lùm xùm vụ ruồi trong chai nước ngọt rồi chứ? Không những sản phẩm bị ảnh hưởng, người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà chính là thương hiệu, là doanh nghiệp sản xuất đó bị ảnh hưởng rất nhiều.
Đặc tính của côn trùng là thường sinh sống ở các khu vực dơ bẩn. Các khu vực ẩm thấp, những nơi không được quan tâm, vệ sinh sạch sẽ như ống cống, hố rác, khu vực xả thải, nước thải,… Ngoài ra các khu vực như khu sơ chế nguyên liệu, kho nguyên liệu, khu vực chế biến, đóng gói,… đều có thể có côn trùng. Bản thân cơ thể chúng mang nhiều vi khuẩn mầm bệnh nguy hiểm, khi chúng xâm nhập vào quy trình sản xuất thực phẩm sẽ lây truyền những bệnh tật rất nguy hiểm đến con người thông qua sản phẩm đã bị nhiễm bẩn. Một số căn bệnh có thể kể đến như thương hàn, phó thương hàn, giun đũa, giun kim, giun móc, sán, dịch tả, ngộ độc thức ăn,… và các dịch bệnh nguy hại khác.
Cách hạn chế ảnh hưởng
Phát hiện sớm và theo dõi liên tục là điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ nhiễm dịch hại. Bằng cách sử dụng Chương trình kiểm soát côn trùng dịch hại tổng hợp. Phương pháp kiểm soát côn trùng chuyên nghiệp.
Đối với kiểm soát côn trùng, dịch hại có rất nhiều phương pháp để ngăn ngừa và tiêu diệt. Tùy vào đặc tính, lối sống của mỗi loài mà áp dụng phương pháp khác nhau. Một số nhà máy thực phẩm, dược phẩm,… được thông qua các thông tư về an toàn, tiêu chuẩn khác nhau mà áp dụng cách làm chuẩn ISO, HACCP,…
Các biện pháp tiêu diệt côn trùng gây hại
Dịch vụ diệt côn trùng là dịch vụ sử dụng các phương pháp vật lý và hóa học để xử lý tình trạng xâm hại của các loại côn trùng gây hại xuất hiện trong môi trường sản xuất, làm việc của con người.
Dịch vụ diệt côn trùng bằng phương pháp vật lý
Phương pháp vật lý được sử dụng với mật độ thường xuyên hơn bởi chúng có hiệu quả về lâu dài, dùng được nhiều lần, nhiều nơi, đặc biệt không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hàng hóa hay ô nhiễm môi trường. Tùy theo đặc trưng môi trường sản xuất, nhu cầu của mình mà bạn chọn phương pháp phù hợp giúp nâng cao hiệu quả diệt côn trùng.
Sử dụng dịch vụ diệt côn trùng với phương pháp hóa học an toàn
Khi sử dụng dịch vụ diệt côn trùng áp dụng phương pháp hóa học hiện nay. Không khó để tìm được các loại hóa chất mà các công ty này sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này cần thực hiện một cách cẩn thận để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người thao tác, công nhân viên, nguồn nước hay các hàng hóa đang được sản xuất.
Về phương thức thực hiện, có hai loại phun hóa chất khác nhau giúp phát tán nhanh chóng và đều lên côn trùng. Các loại hóa chất có thể tác động giết côn trùng chết ngay tức khắc hoặc nhiễm vào cơ thể chúng và lây cho các con khác trong đàn.
- Phun hóa chất dạng sương: được áp dụng các không gian bên trong các nhà máy giúp tiêu diệt ngay các loại côn trùng bị ăn phải hóa chất hay diệt chúng từ từ. Hóa chất được tồn lưu ở các khu vực đã xử lý nhằm hạn chế sự xâm nhập của chúng trong một khoảng thời gian.
- Phun hóa chất dạng khói mù nóng: phun chủ yếu ở các khu vực khuôn viên bên ngoài giúp tiêu diệt ngay lập tức các loại côn trùng đang có mặt.
Hơn thế nữa, việc tái tạo lại vệ sinh môi trường sản xuất sẽ hạn chế và loại trừ an toàn các loại côn trùng, khiến chúng không có cơ hội sinh sản và phát triển hay tìm kiếm được thức ăn, đồng thời cách này cũng giúp bảo vệ sức khỏe của con người. Các hoạt động cần thiết như dọn dẹp khu vực nhà xưởng sạch sẽ, gọn gàng, không để rơi vãi thức ăn, lưu trữ các nguyên liệu vào môi trường kín, hạn chế nước đọng và lấp các trũng nước động,…
Đối tượng khách hàng cần sử dụng dịch vụ diệt côn trùng
Việc ngăn chặn và diệt côn trùng là điều kiện cần phải có của các công ty kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, nông sản và xuất nhập khẩu. Những năm gần đây, việc bị trả lại hàng hóa sau khi xuất nhập khẩu xảy ra phần lớn liên quan đến hàng rào kỹ thuật đó là kiểm soát côn trùng, công việc nhằm ngăn chặn các đối tượng dịch hại xâm nhập thông qua con đường mua bán gây hậu quả nghiêm trọng cho những doanh nghiệp chưa làm các công việc này.
Những công ty làm gia công về hàng thực phẩm cho khách hàng là các tập đoàn lớn của nước ngoài như Pepsi, Coca Cola thì sử dụng dịch vụ diệt côn trùng là một trong những tiêu chí để họ đánh giá xem có đủ điều kiện hợp tác không.
Ngoài ra, việc diệt côn trùng còn đem lại những lợi ích thiết thực cho công ty đặc biệt như các công ty có nhà ăn cho khoảng 3000 – 5000 công nhân nếu không diệt côn trùng tận gốc thì nguy cơ xuất hiện các bệnh dịch có thể làm giảm 3/4 số lao động của công ty trong một thời gian ngắn, làm chậm các đơn hàng đã ký kết, gây mất uy tín của doanh nghiệp.
Để kiểm soát những rủi ro trên có thể xảy ra thì doanh nghiệp bạn chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí rất nhỏ so với những mất mát khi sự việc xảy ra.
Phan Thị Tường Vi – TTS VNO