Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024
Trang chủKiến thức đời sốngDinh dưỡngTìm hiểu về quả Dứa và các ứng dụng trong đời sống, công nghiệp

Tìm hiểu về quả Dứa và các ứng dụng trong đời sống, công nghiệp

Dứa tiếp tục là một loại quả phổ biến ở nước ta, chắc hẳn bạn đã từng ăn loại quả này dưới nhiều hình thức rồi đúng không? Hãy cùng tìm hiểu xem loại quả này có gì đặc biệt nhé!

Đặc điểm

Dứa (tên tiếng Anh là Pineapple) có các tên gọi khác như là: Khóm, Thơm (có nơi gọi là khớm) hay Gai (miền Trung) hoặc trái huyền nương, tên khoa học Ananas comosus, là một loại quả nhiệt đới. Quả dứa thực ra là trục của bông hoa và các lá bắc mọng nước tụ hợp lại. Còn quả thật là các “mắt dứa”, là một khối gồm khoảng 150-200 hoa (hoặc hơn), các đài hoa tạo thành một khối nén chặt gọi là quả (giả) của dứa. Nó có dạng hình tròn, hình trụ hay hình biến dạng (do con người chủ động tạo để làm cảnh).

Quả dứa thật ra là trục của bông hoa và các lá bắc mọng nước tụ hợp lại
Quả dứa thật ra là trục của bông hoa và các lá bắc mọng nước tụ hợp lại

Ở Việt Nam hiện đang trồng các giống sau

  • Dứa Victoria (dứa tây, dứa hoa) có các giống: Dứa hoa Phú Thọ: thuộc nhóm Queen, trồng được nơi đất chua xấu. Lá có nhiều gai và cứng, quả nhỏ, thịt quả vàng đậm, thơm, ít nước, giòn. Dứa Na hoa: lá ngắn và to, quả to hơn dứa hoa Phú Thọ, phẩm chất ngon, năng suất cao. Loại dứa Victoria này được du nhập từ 1931, trồng nhiều ở các đồi vùng Trung du. Quả bé nhưng thơm, ngọt.
  • Dứa Cayen: lá chỉ có ít gai ở đầu mút lá, lá dài cong lòng máng, quả to, khi chưa chín quả màu xanh đen, khi chín chuyển màu da đồng. Quả nhiều nước, thịt vàng ngà, mắt dứa to và nông, vỏ mỏng, thích hợp với đóng hộp. Trồng phổ biến ở Tam Điệp, Ninh Bình Tiền Giang.
  • Dứa ta thuộc nhóm Red Spanish: chịu bóng rợp, có thể trồng xen trong vườn quả, vườn cây lâm nghiệp, quả to nhưng vị ít ngọt.
  • Dứa mật (Ananas comosus sousvar – Singapor spanish) có quả to, thơm, ngon, trồng nhiều ở Nghệ An và Thanh Hóa.
  • Dứa không gai (Ananas comosus cayenne) được trồng ở Nghệ An, Quảng Trị, Lạng Sơn. Cây không ưa bóng. Quả to hơn các giống trên.

Ngoài ra gần đây còn nhiều giống dứa trồng làm cây cảnh do quả biến dạng và nhiều màu sắc được ưa chuộng để chưng cúng trong dịp tết.

Vậy nó được trồng nhiều ở đâu?

Ở nước ta, cây dứa được trồng khá phổ biến, phân bố từ Phú Thọ đến Kiên Giang. Tiền Giang là tỉnh có sản lượng dứa đứng đầu cả nước. Nhiều gia đình ở đây khá giả nhờ trồng loại cây này.

Năm 2007, sản lượng của tỉnh Tiền Giang đạt 161.300 tấn. Tiếp theo là Kiên Giang (85.000 tấn), Ninh Bình (47.400 tấn), Nghệ An (30.600 tấn), Long An (27.000 tấn), Hà Nam (23.400 tấn), Thanh Hoá (20.500 tấn). Tổng sản lượng cả nước năm 2007 đạt 529.100 tấn. Nhiều địa phương xây dựng thương hiệu đặc sản như dứa Đồng Giao (Tam Điệp – Ninh Bình), hoặc ở Kiên Giang, Tiền Giang đều có những nhà máy chuyên sản xuất, chế biến các thực phẩm từ loại quả này. Đồng thời, đây cũng là một loại trái xuất khẩu có giá trị.

Giá trị dinh dưỡng

Đây là loại quả có hàm lượng axit hữu cơ cao (axit malicaxit citric). Loại quả này là nguồn cung cấp mangan dồi dào cũng như có hàm lượng Vitamin C và Vitamin B1 khá cao. Đặc biệt nó có chứa enzym bromelain, có thể phân huỷ protein.

Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thành phần dinh dưỡng trong 100g quả như sau:

Bảng giá trị dinh dưỡng của quả Dứa
Bảng giá trị dinh dưỡng của quả Dứa

Một số công dụng

Tăng cường hệ miễn dịch

Theo Live Science, đây là loại quả có thể cung cấp 50% lượng vitamin C khuyến cáo hàng ngày cho cơ thể. Vitamin C là chất chống oxy hóa hòa tan trong nước tiểu giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào, chống lại các vấn đề về tim mạch, đau xương khớp.

Cải thiện sức khỏe xương

Hàm lượng mangan trong dứa có thể giúp thúc đẩy xương và cơ thể phát triển cao lớn. Một nghiên cứu năm 1994 của Viện Linus Pauling thuộc Đại học bang Oregon ở Corvallis (Mỹ) cho biết mangan rất hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh loãng xương ở phụ nữ sau khi mãn kinh.

Quả dứa nhiều màu sắc
Quả dứa nhiều màu sắc

Tăng cường thị lực

Dứa có thể giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, căn bệnh ảnh hưởng đế mắt ở những người cao tuổi do chứa hàm lượng vitamin C và chất chống oxy hóa cao.

Hỗ trợ tiêu hóa

Theo Mayo Clinic, loại quả này rất giàu chất xơ, giúp bảo vệ đường ruột ổn định. Ngoài ra, lượng bromelain – loại enzyme phân hủy protein hiệu quả có trong quả này, cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy…

Chống viêm, giảm cục máu đông

Không chỉ hỗ trợ tiêu hóa, enzyme bromelain còn giúp chống viêm nhiễm, giảm tốc độ tăng trưởng của các khối u. Ngoài ra, hợp chất này còn ngăn ngừa đông máu, hỗ trợ hiệu quả cho những người có nguy cơ bị đông máu.

Một số lưu ý khi sử dụng

Dứa có đặc tính làm mềm thịt, do vậy có thể gây sưng môi, má và lưỡi, nhưng có thể tự khỏi sau vài giờ. Tuy nhiên, nếu sưng kèm theo phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở, bạn có thể đã bị dị ứng dứa. Trong trường hợp này, bạn cần ngừng ăn và đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Tăng lượng đường trong máu

Đây là loại trái cây có lượng đường và carbohydrate rất cao, vì vậy, khi ăn quá nhiều có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu của cơ thể.

Gây hại cho răng

Đặc tính axit cao của dứa có thể gây ra quá trình háo học trong miệng khi ăn, chúng làm mềm răng, gây sâu răng, đặc biệt với người đang có vấn đề về răng miệng. Dấu hiệu sau khi ăn dứa thông thường là đau răng và ê buốt khi ăn đồ ăn nóng hoặc lạnh.

Phản ứng với một số loại thuốc

Bromelain có trong dứa là một loại enzyme có khả năng tương tác với một số loại thuốc nhất định. Các bác sĩ của Trung tâm y tế thuộc Đại học Maryland khuyến cáo bạn không nên ăn dứa khi đang uống thuốc kháng sinh, chống đông máu, chống co giật, thuốc làm loãng máu, trầm cảm hoặc mất ngủ.

Những người có tiền sử cơ địa dị ứng

Sau khi ăn, bromelain có thể kích thích cơ thể sản sinh ra các histamine, gây các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu, thậm chí gây khó thở. Bởi vậy, những bệnh nhân có tiền sử cơ địạ dị ứng như mề đay, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa… nên hạn chế ăn loại quả này để không làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Không tốt cho phụ nữ mang thai

Ăn quá nhiều dứa có thể làm tăng liều lượng lớn các enzyme bromelain trong cơ thể phụ nữ mang thai, kích thích co thắt tử cung, dẫn đến sảy thai.

Dứa sấy dẻo, một sản phẩm gia tăng giá trị của nguyên liệu
Dứa sấy dẻo, một sản phẩm gia tăng giá trị của nguyên liệu

Các sản phẩm được chế biến từ quả dứa

Do chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, phổ biến và đa dạng về giống loại, nên dứa được ứng dụng trong rất nhiều sản phẩm thực phẩm khác nhau, có thể kể đến như: các loại nước ép tươi, cốc-tai, mứt, bánh, kẹo, sấy khô, sấy dẻo, nước lên men và phổ biến nhất kể cả ở Việt Nam và trên thế giới đó là dứa đóng hộp.

Nguyễn Thị Phương Thảo – TTS VNO

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

BÀI VIẾT MỚI