Một vài câu hỏi mang tính thời sự với các bạn sinh viên chuyên ngành Công nghệ thực phẩm nói riêng và hầu hết sinh viên nói chung là: Làm gì sau khi tốt nghiệp? Công việc nào thực sự phù hợp với ngành học của mình? Liệu kỹ sư có kinh doanh được? Hay đại loại là: Việc nào nhẹ nhàng mà lương cao? Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu riêng về ngành công nghệ thực phẩm nhé!
Ngành Công nghệ thực phẩm dành cho ai?
Lẽ đương nhiên, ai cũng có thể theo học ngành này rồi! Nhưng để học tốt, tiếp thu tốt và nhất là yêu thích để sau này gắn bó với sự nghiệp thì các bạn phải có một vài tố chất nho nhỏ. Đó là cẩn thận, sáng tạo, đam mê, là thích thú đặc biệt với sinh học, với hoá học, muốn khám phá những cái mới trong các sản phẩm thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày. Hay đơn giản chỉ là học vì một mục tiêu là sau này tốt nghiệp sẽ về chế biến một sản phẩm nào đó từ nông trại của nhà mình.
Kỹ sư Công nghệ thực phẩm sẽ học những gì?
Điểm qua một số trang tin tuyển sinh của các Trường ĐH/CĐ có đào tạo ngành này thì chúng ta sẽ thấy rằng, ngành học Công nghệ thực phẩm là một ngành khá “hot”. Nó bao gồm các chuyên ngành học như: Công nghệ chế biến (hầu hết các sản phẩm theo bộ môn như: nông sản, thuỷ sản, thịt, bánh kẹo,…), Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Dinh dưỡng học,…
Các bạn sẽ được trang bị khối kiến thức nền tảng và chuyên sâu về hóa học, sinh học; an toàn thực phẩm; nguyên liệu chế biến, quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm; máy thiết bị, quy trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm theo từng bộ môn chuyên nghành. Dĩ nhiên việc trang bị kiến thức cho bạn sẽ theo hướng lý thuyết kết hợp với thực hành, kiến tập nhà máy,… để các bạn có được những kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Và vì học từ lý thuyết đến thực tế, nên các bạn sẽ không bao giờ bị nhàm chán với ngành học này cả.
Sau khi tốt nghiệp các bạn sẽ có những kiến thức và kỹ năng gì?
Thực ra, ngành Công nghệ thực phẩm trước đây học rất chuyên sâu và rất nhiều kiến thức được phổ cập cho các bạn. Còn hiện tại, việc đào tạo gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp, nên khi vào các trường, các bạn sẽ được chọn chuyên ngành để đi theo. Và tuỳ vào chuyên ngành bạn chọn, các bạn sẽ có những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu khác nhau; dĩ nhiên các kiến thức và kỹ năng nền tảng thì không thể thiếu rồi.
Các bạn sẽ nắm được hầu hết các vấn đề liên quan đến việc sản xuất một sản phẩm thực phẩm và các khâu để đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ một cách an toàn. Bao gồm từ nguyên liệu, xử lý, sản xuất, đóng gói, đánh giá cảm quan, chất lượng, dinh dưỡng, phân tích sản phẩm, các tiêu chuẩn áp dụng, xây dựng nhà xưởng, máy thiết bị…
Những kỹ năng bạn sẽ có liên quan đến thao tác các dụng cụ, thiết bị, máy móc, kỹ năng tiếp nhận và xử lý vấn đề đối với sản phẩm. Các kỹ năng về nghiên cứu sản phẩm mới, xây dựng được thành dinh dưỡng phù hợp cho từng đối tượng. Kỹ năng đánh giá xây dựng quy trình phù hợp tiêu chuẩn,…
Ngoài ra, để làm tốt các công việc sau khi tốt nghiệp, bạn phải trau dồi kỹ năng mềm như: ngoại ngữ (ngoại ngữ nào cũng đều là lợi thế), kỹ năng giao tiếp, trình bày, thuyết trình và xử lý vấn đề.
Các công việc mà các bạn sẽ làm trong tương lai?
Các công việc mà các bạn sẽ gạch đầu dòng để apply CV ngay khi cầm tấm bằng tốt nghiệp có lẽ là R&D thực phẩm, QC – QA, Quản lý sản xuất, Nhân viên phòng thí nghiệm, Nhân viên phân tích, Tư vấn dinh dưỡng, Tư vấn tiêu chuẩn, Giảng dạy hoặc có thể là nhân viên làm theo ca trong các nhà máy chế biến,…Mà đôi khi các bạn quên rằng, có một công việc cực kỳ hấp dẫn đó là: Kỹ sư kinh doanh!
Dĩ nhiên, mỗi công việc các bạn chọn và được nhận sẽ phụ thuộc và nhiều yếu tố khác nhau: kiến thức bạn có, mục tiêu của bạn, chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, vị trí địa lý,…Không công việc nào là tốt hơn hay dễ dàng hơn công việc nào, quan trọng là bạn sẽ cống hiến cho công việc đó như thế nào để có được những kinh nghiệm tích luỹ quý giá.
Tại sao Kỹ sư kinh doanh là một công việc hấp dẫn?
Trước khi trả lời câu hỏi, hãy xem các bạn kỹ sư kinh doanh sẽ làm việc gì nhé. Các bạn có thể apply vào vị trí kinh doanh của hầu hết các công ty liên quan đến mảng thực phẩm, và sẽ là người tư vấn, bán hàng các sản phẩm đó cho công ty. Chẳng hạn như: máy thiết bị thực phẩm, thiết bị phòng lab, phụ gia thực phẩm, sản phẩm thực phẩm, sản phẩm phụ trợ, nguyên liệu thực phẩm, bao bì thực phẩm, công nghệ chuyển giao,..tất tật những sản phẩm mà ngành công nghiệp thực phẩm cần.
Việc tiếp xúc với khá nhiều điều mới mẻ trong ngành thực phẩm và tư vấn, bán hàng cho rất nhiều các khách hàng khác nhau sẽ mang đến cho các bạn trải nghiệm và kinh nghiệm vô cùng quý giá.
Lương và chế độ đãi ngộ đối với vị trí kinh doanh luôn hấp dẫn bởi khoản hoa hồng %/doanh thu mà bạn chốt được. Dĩ nhiên, khi bạn chăm sóc khách hàng tốt, hàng hoá bạn cung cấp chất lượng thì việc họ quay lại “n” lần sẽ giúp bạn có nguồn hoa hồng thụ động khá dày đấy.
Vậy theo bạn công việc này có đủ hấp dẫn không?
Bạn cần có thêm yếu tố nào để trở thành một Kỹ sư kinh doanh tài ba?
Ngoài những kỹ năng chuyên ngành và kỹ năng mềm như đã nêu trên các bạn cần phải tích luỹ thêm rất nhiều các kỹ năng khác trong cuộc sống nếu muốn thành công và trở nên tài ba.
Cốt lõi của người kinh doanh mà đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm là: đạo đức, được thể hiện qua hai yếu tố hiệu hữu là: trung thực và tận tâm.
Trung thực với chính mình, trung thực với sản phẩm mình kinh doanh, trung thực với tổ chức mình gắn bó và trung thực với khách hàng, đối tác. Khi bạn trung thực thì khách hàng sẽ tin tưởng và dễ đưa ra quyết định chọn lựa sản phẩm của bạn hơn bất cứ sản phẩm nào khác. Tận tâm trong công việc và phục vụ, tư vấn khách hàng sẽ giúp bạn tìm ra điểm mấu chốt mà khách hàng đang cần, và giải quyết được nút thắt đó là bạn đã thành công.
Ngoài ra, bạn phải tôi luyện khả năng sáng tạo, có góc nhìn đa chiều, tư duy nhạy bén để nắm bắt được tâm lý khách hàng và vận dụng tốt những kiến thức, kỹ năng mình có vào các trường hợp cụ thể. Đã là kỹ sư, đem kiến thức và kỹ năng của mình đi tư vấn khách hàng thì không những khách hàng rất thích thú mà bản thân các bạn cũng rất hào hứng vì được nói, được trao đổi, được giải quyết vấn đề đúng chuyên môn của mình.
Kết luận
Kỹ sư kinh doanh là một công việc khá hấp dẫn đối với sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm hiện nay. Nhưng để làm tốt và gắn bó với công việc này thì bạn cũng cần có nhiều hơn những kiến thức, kỹ năng cần có để làm được. Hy vọng, sau bài viết này, bạn đã có một gợi ý hấp dẫn về công việc để apply ngay khi tốt nghiệp nhé!
Nam Pro
[…] Kỹ sư kinh doanh (Sale Engineer) các sản phẩm máy thiết bị, công nghệ, sản phẩm thực phẩm […]