Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024
Trang chủKiến thức chuyên ngànhPhụ gia thực phẩmMột số công dụng của phụ gia thực phẩm, quy định và cách sử dụng

Một số công dụng của phụ gia thực phẩm, quy định và cách sử dụng

Hầu hết các loại thực phẩm hiện nay đều không thể thiếu phụ gia như: mì chính, muối, chất tạo màu, chất tẩy trắng, chất tạo ngọt… Công dụng của phụ gia thực phẩm khi được sử dụng hợp lý, đúng tiêu chuẩn sẽ tạo được khẩu vị ăn ngon, dễ sản xuất, bảo quản sản phẩm.

Phụ gia thực phẩm là gì?

Là các chế phẩm tự nhiên hay tổng hợp hóa học, không phải là thực phẩm, được cho vào sản phẩm với mục đích đáp ứng nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến (tạo màu, mùi vị, tạo nhũ,…), vận chuyển, đóng gói, bảo quản, tăng giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Phụ gia vẫn còn được lưu lại trong thực phẩm ở dạng nguyên thể hoặc dẫn xuất nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Công dụng của phụ gia thực phẩm khi được sử dụng hợp lý, đúng tiêu chuẩn sẽ tạo được khẩu vị ăn ngon, dễ sản xuất, bảo quản sản phẩm.

Lợi ích và rủi ro khi sử dụng phụ gia thực phẩm

Nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, chúng có tác dụng tích cực:

  • Tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng.
  • Giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng.
  • Tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm hấp dẫn trên thị trường.
  • Kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm.
  • Giá thành thực phẩm thấp hơn: Trong rất nhiều trường hợp, việc sử dụng phụ gia làm giảm giá thành sản phẩm.

Những rủi ro của phụ gia thực phẩm

Nếu sử dụng không đúng liều lượng, chủng loại nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe:

  • Gây ngộ độc cấp tính: Nếu dùng quá liều cho phép.
  • Gây ngộ độc mạn tính: Dù dùng liều lượng nhỏ, thường xuyên, liên tục, một số chất phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài.

Ví dụ: Khi sử dụng thực phẩm có hàn the, hàn the sẽ được đào thải qua nước tiểu 81%, qua phân 1%, qua mồ hôi 3% còn 15% được tích luỹ trong các mô mỡ, mô thần kinh, dần dần tác hại đến nguyên sinh chất và đồng hóa các aminoit, gây ra một hội chứng ngộ độc mạn tính: ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút.

  • Nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai, nhất là các chất phụ gia tổng hợp.
  • Nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm: phá huỷ các chất dinh dưỡng, vitamin…

Một số quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm

1. Chỉ được phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh tại thị trường Việt Nam các phụ gia thực phẩm trong “danh mục” và phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền.

2. Việc sử dụng phụ gia trong danh mục trong sản xuất, chế biến, xử lý, bảo quản, bao gói và vận chuyển thực phẩm phải thực hiện theo “Quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế”.

3. Việc sử dụng phụ gia trong danh mục phải bảo đảm:

  • Đúng đối tượng thực phẩm và liều lượng không vượt quá giới hạn an toàn cho phép.
  • Đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn quy định cho mỗi chất phụ gia.
  • Không làm biến đổi bản chất, thuộc tính tự nhiên vốn có của thực phẩm.

4. Các chất phụ gia thực phẩm trong “Danh mục lưu thông trên thị trường” phải có nhãn đầy đủ các nội dung theo quy định.

5. Yêu cầu đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm: Trước khi sử dụng cần chú ý xem xét:

  • Chất phụ gia có nằm trong “Danh mục” hay không?
  • Chất phụ gia có được sử dụng với loại thực phẩm mà cơ sở định sử dụng hay không?
  • Giới hạn tối đa cho phép của chất phụ gia đó đối với thực phẩm là bao nhiêu? (mg/kg hoặc mg/lít)
  • Phụ gia đó có phải dùng cho thực phẩm hay không? Có bảo đảm các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn, bao gói, ghi nhãn theo quy định hiện hành không?

FOODNK

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

BÀI VIẾT MỚI