Nem và chạo là món ăn được nhiều gia đình ở các tỉnh đồng bằng phía Bắc chế biến làm món ăn. Món ăn ngon, tốn rượu nhậu này gây ra nhiều bệnh như nhiễm sán, bệnh liên cầu lợn.
Cận cảnh cách chế món chạo từ xương lợn sống
Anh Nguyễn Thanh Bình trú tại Đ. H, Thái Bình khoe, món chạo được làm từ phần xương sụn lợn sống và một ít thịt tách ra từ xương sườn được băm nhỏ, bóp với thính làm từ gạo rang. Thế là đã trở thành món đặc sản.
Tận mắt chứng kiến việc bóp chạo của anh Bình khiến người xem thấy sợ. Anh kể, tên của món này bắt nguồn từ đâu không ai biết rõ. Người ta chỉ biết rằng đây là một món ăn truyền thống có từ bao đời để lại và cứ cha truyền con nối. Có công việc gì lớn nhỏ trong gia đình người ta lại làm món này để cùng nhau ăn. Thậm chí, nhiều gia đình có người bị nhiệt miệng, bị ho người ta cũng ăn ngon lành như một bài thuốc đặc biệt trị bệnh táo bón, nhiệt, ho dai dẳng.
Anh mua ba lạng xương sườn lợn nhỏ về và bắt đầu chế biến món ăn truyền thống của gia đình. Cuộc vật lộn với những dẻ xương sườn bằng con dao pha và cái thớt gỗ cũng không dễ dàng tý nào. Vừa nhúng miếng sườn qua nước sôi để nguội, anh Bình lấy dao băm cho xương và thịt nát ra. Vừa băm anh vừa bảo xương sườn chỉ dùng loại lợn từ 30 – 50 kg, nếu dùng xương lợn to thì xương cứng, băm khó và không thể nhuyễn được.
Một tay cầm con dao, tay cầm miếng xương sườn, anh Bình thoăn thoắt nói: “Băm xương lợn không chỉ cần băm nhanh tay mà phải khẽ thì xương không bắn mà đứt nhanh. Mỗi một mẻ khoảng 4 lạng xương chỉ được một đĩa thôi. Tính ra ăn một đĩa chạo này cũng đắt lắm đấy. Cánh đàn ông mà nhâm nhi nó với rượu thì không ai chê được”. Các gia vị không thể thiếu cho món này là chanh tươi, ớt tươi, thính xay từ gạo rang hay còn gọi là thính câu cá, hành củ nướng, tỏi. Các khâu gia vị đã được anh chuẩn bị sẵn từ trước.
Anh kể tiếp “Làm chạo cũng giống với làm nem. Làm xong mà gói vào lá chuối hơ qua lửa cho mềm rồi để đến mai ăn thì ngon phải biết. Lúc đó, gia vị ngấm vào xương băm rồi nó làm xương chín tái và vị ngọt của tủy xương vẫn còn nguyên”.
Khi băm xong, anh đập tỏi tươi và hành nướng vào lẫn với xương. Băm cho đến khi nào tay sờ xương không còn cảm giác lạo xạo nữa. Xương sống sẽ được chuyển qua một chiếc mâm to hơn để bóp chanh, mì chính, nước mắm. Khi gia vị được phủ đều sẽ được bóp thêm thính để cho khô và dính vào nhau. Chỉ 5 phút sau khi nhào bóp anh Bình đã làm được một đĩa chạo ngon lành.
Quan sát bằng mắt thường dù chạo đã được băm nhỏ và bóp với thính nhưng màu đỏ đặc trưng của xương sống thì không thể lẫn đi đâu được. Đĩa chạo được sắp ra mâm và sẽ ăn kèm với lá sung, lá đinh lăng.
Anh Bình kể một vài năm trước gia đình anh vẫn làm món này rồi gửi lên Hà Nội làm quà. Nhiều người khi nhìn thấy làm thì kinh nhưng khi ăn rồi thì lại muốn ăn lần hai. Mùi thơm của gạo rang thính, của hành, nước mắm khiến người viết cũng muốn thưởng thức. Đúng như lời quảng cáo của người dân nơi đây nó vẫn giữ được vị ngọt của thịt mà không bị mùi hôi, mùi tanh của thịt sống nào cả.
Đối với món nem cũng tương tự với các gia vị của món chạo, anh Bình cho biết.
Viêm não vì nem chạo
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết nem chạo là món ăn phổ biến đặc biệt ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, món ăn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh, đặc biệt là các bệnh liên cầu lợn, viêm não do giun xoắn, sán làm tổ trong não.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Th. 45 tuổi trú ở Hưng Yên cũng bị liên cầu lợn sau khi tham gia ăn nhậu món nem chạo tại một đám cưới. Sau đó hai ngày, ông Th. xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, suy hô hấp.
Khi gia đình đưa lên bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cấp cứu, bệnh nhân đã bị biến chứng suy hô hấp nặng, viêm não. Qua chụp CT các bác sĩ cho biết màng não của ông Th. bị tổn thương nặng do vi khuẩn liên cầu lợn gây ra. Theo lời người nhà bệnh nhân, ông Th. tham gia ăn nhậu một đám cưới và có sử dụng chạo sống. Ông Th. được điều trị qua cơn nguy hiểm tuy nhiên bị di chứng nặng nề từ bệnh này để lại như giảm thính lực, lơ ngơ thần kinh.
Thạc sĩ Hà cho biết, khi ăn các sản phẩm từ lợn mà chưa được nấu chín như tiết canh, lòng, nem, cháo lòng lợn … vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Ở Việt Nam, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn, lòng, dồi, nem…
Theo Infonet