Xu hướng công nghệ thực phẩm đang tạo ra những thay đổi đáng chú ý, hứa hẹn sẽ định hình tương lai của ngành. Không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, những thay đổi này còn góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng như sức khỏe, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Cùng Foodnk tìm hiểu 10 xu hướng nổi bật sẽ định hướng ngành công nghệ thực phẩm trong năm 2025 nhé!
Giới thiệu tổng quan
Theo các chuyên gia khoa học và chính sách từ Viện Công nghệ Thực phẩm (IFT), 10 xu hướng hàng đầu trong ngành thực phẩm và đồ uống cho năm 2025 đã được xác định. Những xu hướng này bao gồm sự xuất hiện mạnh mẽ của các công nghệ số, từ tác động ngày càng lớn của trí tuệ nhân tạo (AI) đến nhu cầu cấp thiết về truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng công nghệ hiện đại.
Ngoài ra, bảng thành phần thực phẩm cũng là một chủ đề đáng chú ý. Nguyên nhân vì người tiêu dùng sẽ tiếp tục ưa chuộng các sản phẩm có nhãn sạch. Chính vì vậy, các cuộc thảo luận cũng như giám sát liên quan đến phụ gia thực phẩm và chất ô nhiễm hóa học sẽ vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, quan điểm rằng thực phẩm giàu dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh ngày càng được chú trọng.
IFT nhận định, cộng đồng khoa học thực phẩm, thông qua sự sáng tạo và đổi mới tập thể, sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc cung cấp thực phẩm an toàn, lành mạnh và bền vững. Dưới đây là 10 xu hướng cụ thể mà IFT đã dự báo cho năm 2025.
1. Thuốc GLP-1 tiếp tục phát triển mạnh mẽ
IFT nhận định rằng năm 2024 đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh ảnh hưởng của thuốc giảm cân GLP-1 đối với ngành thực phẩm. Tuy nhiên, đến năm 2025, điều này sẽ rõ ràng hơn: GLP-1 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Dự báo cho thấy thị trường GLP-1 toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm 29,6% từ nay đến năm 2030. Mặc dù việc sử dụng GLP-1 nhiều hơn có thể khiến tổng lượng tiêu thụ thực phẩm giảm, nhưng lại mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm cao cấp. Các công ty thực phẩm cần thích nghi bằng cách phát triển các sản phẩm mới, tập trung vào protein, sức khỏe đường ruột và nhu cầu dinh dưỡng của người dùng GLP-1.
2. Chiến lược ưu tiên giảm muối và đường
IFT cũng dự báo rằng các sản phẩm giảm muối và đường sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý. Các chính sách cập nhật, từ nhãn mác trên bao bì đến cam kết tự nguyện giữa chính phủ và ngành công nghiệp, sẽ đẩy nhanh sự phát triển của các sản phẩm thực phẩm ít muối, ít đường.
Điều này đã được thể hiện qua các cải tiến từ các nhà cung cấp nguyên liệu, nhiều trong số đó đã được trưng bày tại hội nghị IFT FIRST 2024. Một quy định mới của USDA cũng đã đặt mục tiêu giảm lượng đường thêm vào trong bữa ăn trường học xuống còn 10% tổng calo vào năm 2027.
Ngoài ra, Hướng dẫn Dinh dưỡng cho Người Mỹ giai đoạn 2025-2030 sẽ công bố các khuyến nghị mới về giảm muối và đường, góp phần định hình ngành thực phẩm trong tương lai.
3. Food is Medicine – Thực phẩm là thuốc được đẩy mạnh hơn
Theo IFT, khái niệm “Thực phẩm là thuốc” đang ngày càng được đưa vào các chính sách, nghiên cứu và hoạt động của nhiều tổ chức. Nhiều người từ các nhóm khác nhau đã bắt đầu áp dụng cách tiếp cận này, xem thực phẩm như một phương tiện giúp cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã khởi động sáng kiến “Thực phẩm là thuốc” vào năm 2023 nhằm giảm thiểu các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng. Đến năm 2024, IFT đã tham gia hội nghị Food is Medicine Summit lần đầu tiên để góp phần thúc đẩy sự phát triển của xu hướng này.
4. Nhãn sạch tiếp tục được ưa chuộng
Theo IFT, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm có bảng thành phần rõ ràng, dễ hiểu. Xu hướng này không chỉ phản ánh mong muốn minh bạch mà còn cho thấy niềm tin vào các sản phẩm tự nhiên, ít chế biến.
Bên cạnh đó, nhiều người vẫn giữ quan niệm rằng thực phẩm tự chế biến tại nhà an toàn và tốt cho sức khỏe hơn, đặc biệt trong bối cảnh thực phẩm siêu chế biến đang ngày càng bị chú ý và đặt câu hỏi về ảnh hưởng đến sức khỏe.
5. Phụ gia thực phẩm được giám sát chặt chẽ hơn
IFT cho biết, phụ gia thực phẩm sẽ tiếp tục là tâm điểm giám sát trong năm 2025. Tại California, một số phụ gia đã bị cấm theo Đạo luật An toàn Thực phẩm năm 2023, và điều này đang thúc đẩy các bang khác cân nhắc thực hiện những quy định tương tự.
Bên cạnh đó, FDA cũng đang chú trọng đánh giá lại các hóa chất được sử dụng trong thực phẩm sau khi chúng đã có mặt trên thị trường, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. IFT đã tổ chức nhiều hội thảo và cung cấp tài liệu để giúp công chúng hiểu rõ hơn về các phụ gia thực phẩm và các thông tin khoa học liên quan.
6. Truy xuất nguồn gốc trở thành ưu tiên
Những vụ thu hồi thực phẩm đáng chú ý gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm một cách nhanh chóng và chính xác. Tại Mỹ, các công ty thực phẩm đang chuẩn bị đáp ứng quy định mới của FDA, yêu cầu tuân thủ Quy định 204 về truy xuất nguồn gốc vào tháng 1 năm 2026.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, IFT đã cung cấp nhiều tài liệu và công cụ nhằm giúp các công ty triển khai hệ thống phù hợp, đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn hơn và giảm thiểu rủi ro.
7. Kiểm soát chất ô nhiễm trong thực phẩm
FDA hiện đang thực hiện chương trình Closer to Zero, tập trung vào việc giảm thiểu các chất ô nhiễm như chì, arsen, cadmi và thủy ngân trong thực phẩm. Chương trình này đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai, nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.
IFT cũng đã công bố nhiều báo cáo chia sẻ các giải pháp giảm hàm lượng kim loại nặng trong thực phẩm, đồng thời đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn hơn.
8. AI trong nghiên cứu và phát triển thực phẩm
AI đang mang lại nhiều thay đổi trong việc nghiên cứu và phát triển thực phẩm. Theo IFT, công nghệ này sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều để đẩy nhanh quá trình tạo ra sản phẩm mới, phân tích nhu cầu thị trường và cải thiện hiệu quả trong sản xuất.
9. AI được sử dụng trong nhà bếp
Không chỉ hỗ trợ trong nghiên cứu và sản xuất, AI còn được sử dụng trong nhà bếp, cả ở gia đình lẫn nhà hàng. Công nghệ này giúp người dùng tìm kiếm công thức nấu ăn mới, thay thế nguyên liệu một cách linh hoạt và đảm bảo các món ăn luôn đạt chất lượng ổn định.
10. Đầu tư vào công nghệ thực phẩm có dấu hiệu phục hồi
Sau một thời gian chững lại, lĩnh vực công nghệ thực phẩm đang thu hút sự quan tâm trở lại từ các nhà đầu tư. Những tổ chức lớn đã cam kết rót vốn hàng tỷ đô la vào ngành này, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và những ý tưởng sáng tạo.
Nguồn Tham khảo: ift.org
Vy Đặng