Bia thủ công, hay còn gọi là bia craft, đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa thưởng thức của nhiều người trên khắp thế giới. Khác với các loại bia công nghiệp được sản xuất hàng loạt, bia thủ công mang lại sự độc đáo và phong cách riêng của từng nhà sản xuất. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng Foodnk tìm hiểu tổng quan quy trình sản xuất bia thủ công.
Tổng quan quy trình sản xuất bia
Quy trình tổng quan sản xuất bia bao gồm các bước như ủ mạch nha, xay xát, nghiền và tách chiết. Sau khi bổ sung hoa bia, hỗn hợp được đun sôi. Tiếp theo là quá trình loại bỏ hoa bia và kết tủa, làm mát và sục khí, rồi lên men. Sau khi lên men, men được tách ra khỏi bia non. Tiếp tục qua giai đoạn ủ già, ủ chín và cuối cùng là đóng gói. Mục tiêu của toàn bộ quá trình này là chuyển đổi tinh bột từ ngũ cốc thành đường. Sau đó lên men với nấm men để tạo ra loại đồ uống có cồn và ga nhẹ.
Đối với bia thủ công, thường được sản xuất bởi các nhà máy bia quy mô vừa và nhỏ (microbreweries) với sản lượng hạn chế. Mỗi xưởng sản xuất bia sẽ có quy trình nấu ủ và công thức phối trộn riêng biệt để tạo ra những màu sắc, hương vị độc đáo. Điều này tạo nên sự độc quyền của mỗi xưởng sản xuất. Nhờ vào sự chú trọng vào hương vị và chất lượng, bia thủ công thường có mùi vị đa dạng. Đồng thời, mang lại cảm giác tươi mới hơn so với bia công nghiệp. Chính vì sự tỉ mỉ và phức tạp trong quy trình sản xuất, bia thủ công thường được đánh giá cao.
Nguyên liệu sản xuất bia thủ công
Bia thủ công được sản xuất từ bốn nguyên liệu chính: nước, malt (mạch nha), hoa bia và men bia tự nhiên. Mỗi loại nguyên liệu đều đóng vai trò quan trọng để tạo ra hương vị khác biệt và chất lượng của thành phẩm cuối cùng.
1. Nước
Nước chiếm phần lớn trong bia và ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị. Các nhà sản xuất bia thủ công thường rất chú trọng đến nguồn nước. Vì chất lượng nước sẽ quyết định độ tinh khiết và hương vị của bia. Nước phải được xử lý để loại bỏ các tạp chất và đạt các tiêu chuẩn về độ cứng, pH và khoáng chất. Một số nhà sản xuất còn sử dụng nước khoáng thiên nhiên để mang lại hương đặc biệt, thơm ngon hơn nhờ các nguồn nước tinh khiết.
2. Malt (mạch nha)
Malt thường được làm từ lúa mạch, lúa mì hoặc các loại ngũ cốc khác đã qua quá trình nảy mầm và sấy khô. Malt cung cấp đường lên men cần thiết cho quá trình sản xuất bia và ảnh hưởng đến màu sắc, hương vị của sản phẩm cuối cùng. Các nhà sản xuất có thể sử dụng nhiều loại malt khác nhau để tạo ra các sản phẩm bia có màu sắc đa dạng và vị đậm nhẹ khác nhau, điều này chỉ đặc biệt có ở bia thủ công.
3. Hoa bia
Chắc chắn khi sản xuất bia sẽ không thể thiếu hoa bia, nguyên liệu được sử dụng để tạo vị đắng và hương thơm đặc trưng cho bia. Ngoài ra, hoa bia còn có tác dụng bảo quản tự nhiên nhờ các hợp chất kháng khuẩn. Có nhiều loại hoa bia với các hương vị và mức độ đắng khác nhau. Điều này giúp cho các nhà sản xuất sáng tạo ra các loại bia với hương vị phong phú và đa dạng.
4. Men bia tự nhiên
Men bia sử dụng trong quy trình sản xuất bia thủ công thường là các loại men tự nhiên được tuyển chọn kỹ lưỡng. Men tự nhiên không chỉ lên men đường thành cồn và khí CO2 mà còn đóng góp vào hương vị đặc trưng của bia thủ công. Quá trình lên men với men tự nhiên thường phức tạp và khó kiểm soát hơn so với men công nghiệp. Tuy nhiên mang đến những đặc điểm hương vị độc đáo.
Quy trình sản xuất bia thủ công
1. Nghiền malt
Malt được nghiền nhỏ để giải phóng các enzyme và tinh bột bên trong, giúp quá trình lên men diễn ra thuận lợi. Quá trình nghiền malt cần được thực hiện một cách cẩn thận để không làm vỡ quá nhiều vỏ hạt. Từ đó, giúp quá trình lọc sau đó diễn ra dễ dàng hơn.
2. Nấu bia
Malt đã nghiền được trộn với nước nóng trong thùng nấu để tạo thành hỗn hợp. Trong quá trình này, nhiệt độ phải được kiểm soát chặt chẽ để enzyme trong malt chuyển hóa tinh bột thành đường. Thường được duy trì ở nhiệt độ khoảng 65 – 68oC trong vòng 60 – 90 phút.
3. Tách bã và nấu lại
Hỗn hợp sau đó được lọc để tách phần lỏng ra khỏi phần bã. Tiếp tục được đun sôi trong khoảng 60 – 90 phút và hoa bia được thêm vào trong giai đoạn này. Thời gian và lượng hoa bia được sử dụng sẽ ảnh hưởng đến độ đắng và hương thơm của bia. Hoa bia thường được thêm vào nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình đun sôi để tối ưu hóa hương vị và mùi thơm.
4. Lên men
Hỗn hợp sau khi được làm mát sẽ được chuyển vào các thùng lên men và men bia tự nhiên được thêm vào. Quá trình lên men thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần tùy thuộc vào loại bia và điều kiện nhiệt độ. Men sẽ chuyển hóa đường thành cồn và khí CO2 tạo ra hương vị đặc trưng cho bia. Sử dụng men tự nhiên có thể tạo ra những hương vị phức tạp và độc đáo, nhưng cũng đòi hỏi sự kiểm soát và kinh nghiệm cao từ người nấu bia.
5. Ủ bia
Sau khi lên men, bia được ủ để hoàn thiện hương vị và quá trình này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, giúp bia ổn định và phát triển các đặc tính hương vị tốt nhất.
6. Đóng chai và carbonate
Bia sau khi ủ xong sẽ được lọc và đóng chai. Trong một số trường hợp, thêm đường và men vào chai để tạo quá trình lên men lần thứ hai, tạo ra khí CO2 tự nhiên trong chai (carbonation). Quá trình này không chỉ giúp bia có được độ sủi bọt tốt mà còn tiếp tục phát triển hương vị trong chai.
Kết luận
Bia thủ công không chỉ đơn thuần là một thức uống mà còn là biểu hiện của nghệ thuật, nơi người thợ nấu bia gửi gắm tâm huyết và sáng tạo vào từng mẻ sản phẩm. Việc nắm bắt quy trình sản xuất bia thủ công giúp người tiêu dùng thêm phần trân trọng và thưởng thức bia một cách toàn diện. Mỗi ly bia thủ công kể một câu chuyện riêng, mang một phong cách độc đáo, thể hiện sự đam mê và tay nghề của người làm bia.
>> Xem thêm về Quy trình sản xuất bia trong công nghiệp
Vy Đặng