Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024
Trang chủAn toàn thực phẩmHai nỗi oan của cà phê Việt

Hai nỗi oan của cà phê Việt

Kinh doanh cà phê đang vấp phải 2 nỗi oan rất vô lý: Một là do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, chưa hiểu đúng tác dụng của cà phê và hai là quan niệm về “cà phê thật”.

Ảnh: Nhiều loại hóa chất sử dụng để chế biến cà phê được bán tại chợ Kim Biên. (nguồn: Người lao động).

Ảnh: Nhiều loại hóa chất sử dụng để chế biến cà phê được bán tại chợ Kim Biên. (nguồn: Người lao động).

Nỗi oan thứ nhất

Trong khi ở nước ngoài, người ta uống 2-3 ly cà phê một ngày là bình thường thì ở Việt Nam, nhu cầu thưởng thức cà phê còn hạn chế bởi những quan niệm hết sức sai lầm.

Cà phê chắc chắn tốt hơn nước ngọt nếu đó là cà phê thật, nhưng rất nhiều người hiểu lầm, cho rằng uống cà phê nhiều sẽ bị nóng, bị nổi mụn. Một gói cà phê hòa tan giá chỉ 2.000-3.000 đồng, trong khi nước ngọt là 7.000-8.000 đồng chứa toàn hương liệu, đường.

Đề cập đến những tác dụng thú vị của cà phê với sức khỏe, ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Việt Nam, tâm sự: “Từ đó tới giờ tôi không uống cà phê, vì cứ nghĩ cà phê có hại cho sức khỏe. Nhưng khi đọc cuốn sách 100 lý do phải uống cà phê của một tác giả người Đài Loan, với những dẫn chứng rất khoa học, phỏng vấn rất nhiều người… tôi đã thay đổi hoàn toàn. Mỗi ngày tôi uống từ một đến hai ly cà phê và thấy đỡ nhức đầu mỗi khi làm việc căng thẳng, sáng suốt, tỉnh táo hơn. Cà phê còn chống lão hóa. Bà Tống Mỹ Linh giữ được sắc đẹp lâu bền nhờ tắm bằng cà phê đó thôi”.

Về nỗi oan thứ hai

Một công ty cà phê trong nước đã làm cuộc phỏng vấn bỏ túi với 10 anh tài xế taxi, cả 10 anh đều tỏ ra rất uyên thâm, hiểu biết, cho rằng cà phê ngon phải “đậm, đen, đặc, đắng”, nhưng mấy ai biết đặc do trộn bắp, đen do đậu nành cháy khét, đắng do hương hiệu hóa chất… từ chợ Kim Biên, cuối cùng dẫn đến…độc! Có người còn kết tội chất caffeine là nóng, độc. Quan niệm sai lầm này từ đâu mà ra?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu là do suốt cả một thời gian dài bao cấp, do ngăn sông cấm chợ, hạt cà phê giống như hạt vàng đen, không thể chuyên chở tới nơi khác. Những người chủ cơ sở đã “phát minh” ra đồ thay thế bằng những thứ độn khác nhau. Một thời gian dài dùng “đồ giả”, cái lưỡi của chúng ta đã bị đánh lừa.

Thực ra, đậu nành, hạt cau và bắp không có gì độc, nhưng do trong quá trình chế biến, muốn thêm bơ phải làm sao cho rẻ, nên cứ ra mua ở chợ Kim Biên (TP.HCM). Làm sao cho đen, cũng mua chợ Kim Biên, làm sao cho thơm, lại cũng chợ Kim Biên. Làm thương hiệu muốn có lợi nhuận phải tạo số đông, nhưng số đông đang lầm lạc khiến cho nhà sản xuất phải “gọt chân cho vừa đôi giày” mới bán được hàng…

Và kết cục là ngay tại đất nước trồng cà phê nhiều nhất nhì thế giới thì người dân đang phải uống cà phê “đểu”!

Cà phê thật màu nâu cánh gián, không đen đặc. Vị đắng có thể dễ tan, không lưu lâu. Bản thân cà phê trong cách rang chỉ khi nào cháy thì thành phần có thể gây chua mới biến mất. Còn rang vừa đủ chín tới vẫn có vị chua. Điều kỳ diệu của hạt cà phê là có hơn 200 thành phần hóa học tự nhiên, chỉ cách nhau một bậc nhiệt độ nhỏ là mùi vị khác hẳn, rang cà phê phải nổ 2 lần, ban đầu rất khô, sau tự nhiên tươm dầu, không cần phải cho thêm chất béo. Khi rang, một mùi thơm không thể cưỡng lại, quyến rũ cả tỉ người trên thế giới…

Theo Một thế giới
* Tiêu đề được Foodnk đặt lại

Ý KIẾN CỦA BẠN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Captcha verification failed!
CAPTCHA user score failed. Please contact us!

BÀI VIẾT MỚI