Khoai tây là loại cây trồng phổ biến đứng thứ 4 thế giới về sản lượng sau: lúa, lúa mì và ngô. Khoai tây cho thu hoạch củ với chất lượng dinh dưỡng cao. Ở Việt Nam, khoai tây được du nhập từ phương tây và dần dần trở thành cây trồng khá quan trọng trong nền nông nghiệp. Do đó, các món ăn có nguồn gốc từ khoai tây cũng trở nên phổ biến.
Khi nhắc tới khoai tây, chúng ta không thể không đề cập tới món khoai tây chiên đầy hấp dẫn. Nó đã trở thành món ăn nhanh trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta cần đi tìm hiểu quy trình sản xuất khoai tây chiên trong công nghiệp thực phẩm.
Cùng tìm hiểu về Khoai tây chiên được sản xuất trong công nghiệp thực phẩm như thế nào nhé!
Lịch sử của củ khoai tây
Khoai tây có nguồn gốc từ Peru, trong nghiên cứu được David Spooner xuất bản năm 2005 thì quê hương của cây khoai tây là một khu vực phía nam Peru (ngay phía bắc hồ Titicaca). Hiện tại người ta cho rằng khoai tây đã được du nhập vào châu Âu vào khoảng thập niên 1570 (khoảng 8 năm sau chuyến hành trình đầu tiên của Columbus vào năm 1492) và sau đó nó đã được những người đi biển châu Âu đưa đến các lãnh thổ và các cảng trên khắp thế giới khi chế độ thực dân châu Âu mở rộng vào thế kỷ 17 và 18. Khi đã được phổ biến ở châu Âu, khoai tây đã sớm trở thành một thực phẩm và cây trồng chủ yếu ở nhiều nới khác trên thế giới. Nhưng trong các thập kỷ cuối của thế kỷ 20, việc mở rộng diện tích trồng trọt khoai tây lớn nhất lại là ở châu Á, nơi có khoảng 8% số lượng khoai tây được trồng trên thế giới được trồng. Kể từ khi Liên Xô bị giải tán, Trung Quốc đã trở thành quốc gia sản xuất khoai tây lớn nhất thế giới,tiếp theo là Ấn Độ.(Wikipedia)
Quy trình sản xuất Khoai tây chiên trong công nghiệp thực phẩm
Khoai tây được thu hoạch ngoài đồng bởi máy móc chuyên dùng hiện đại với số lượng lớn. Số này được chuyển ngay tới các nhà máy chế biến. Ở các nhà máy này, khoai tây tươi được chế biến ngay trong vòng 48 tiếng, nếu để thời gian kéo dài hơn thì miếng khoai tây khi chiên nên sẽ có vết thâm.
Hình 1. Rửa đất và cặn bẩn bám vào củ khoai tây bằng các rãnh nước chảy
Công việc đầu tiên, khoai tây tươi được sạch đất và cặn bẩn. Chúng sẽ được đổ vào trong những ống nước chảy với lưu lượng lớn và vận tốc nhanh để làm sạch. Tiếp đó chúng được đưa tới máy gọt vỏ. Chiếc máy gọt vỏ có nhiệm vụ tách phần vỏ sần sùi ra khỏi củ khoai tây tươi. Cấu tạo chiếc máy có một trục chính vận chuyển khoai tây tươi có chiều xoắn ốc. Những con lăn được lắp xung quanh thành máy quay tròn, đảo đi đảo lại va chạm tạo ma sát để lấy đi phần vỏ. Chiếc máy này có năng suất với khoảng hơn 5 tấn khoai mỗi giờ.
Hình 2. Máy gọt sẽ tách vỏ khoai tây tươi
Vì hình dạng và kích thước các củ khoai tây là khác nhau cho nên người ta cần phải phân loại chúng để thuận tiện cho việc chế biến sau này. Chỉ các củ khoai đủ kích cỡ mới được phép tiếp tục chế biến, điều này đảm bảo cho mẫu mã của sản phẩm.
Công việc phân loại kích thước khoai tây được thực hiện bởi một máy lọc. Chiếc máy này hoạt động theo nguyên lý các củ khoai nhỏ sẽ có xu hướng rơi xuống dưới và qua nhiều lần sẽ lọc được các củ khoai tây đủ tiêu chuẩn. Đối với những củ khoai quá lớn, chúng sẽ được cắt đôi nhằm đảm bảo kích cỡ.
Hình 3. Phân loại khoai tây theo kích cỡ
Tiếp đó, các củ khoai tây sẽ được cắt thành những lát mỏng. Chiếc máy cắt có lưỡi quay tròn và có thể điều chỉnh được tương ứng với độ dày của miếng cắt. Ở đây, lát cắt miếng khoai tây sẽ được cắt dày khoảng 1,7 mm. Tương ứng với việc đó thì người ta tính ra trung bình những củ khoai tây sẽ cắt được khoảng 36 miếng nhỏ.
Hình 4. Máy cắt sẽ cắt củ khoai tây tươi ra thành những lát mỏng dầy 1,7mm
Sau khi cắt, những miếng khoai tây sẽ tiết ra rất nhiều nhựa. Nhựa tiết ra có thể gây thâm mất thẩm mỹ cho sản phẩm cho nên người ta cần rửa qua nước một lần nữa. Lần này nước rửa là nước lạnh và được rửa trong khoảng tầm 1 phút. Tiếp đó, các miếng khoai tây được vận chuyển trên băng tải và được quạt gió làm khô phần nước còn lại.
Hình 5. Rửa sạch khoai các lát khoai tây bằng nước lạnh trong 1 phút
Hình 6. Khoai tây được đem đi chiên trong dầu nóng ở nhiệt độ 200oC
Hình 7. Trộn các hương liệu và gia vị tạo mùi cho sản phẩm
Hình 8. Chia đều số lượng đóng gói khoai tây chiên vào các hộp
Công đoạn chiên khoai tây với máy chiên chứa dầu sôi ở khoảng 200oC. Thời gian để chiên khoai tây trong khoảng 3 phút. Sau đó, chúng nhanh chóng được dây chuyền vận chuyển tới hệ thống tách dầu chiên thừa. Trong quá trình chiên có thể xuất hiện những miếng khoai tây quá nhiệt bị cháy. Trên băng chuyền có lắp một cảm biến nhận diện màu sắc nhằm loại bỏ những miếng khoai tây chiên không đạt chất lượng.
Sau khi đã kiểm tra chất lượng của sản phẩm, người ta tiến hành tẩm ướp các hương liệu tạo màu và gia vị cho sản phẩm. Sản phẩm có thể có vị cay nồng, ngọt, chua và mặn … tùy vào mỗi loại tiêu chí khác nhau. Công đoạn cuối cùng của quá trình là đóng gói.
Theo Khoahoc247.com