Kể từ khi ra đời, “mì tôm” đã len lỏi và duy trì sự hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới với vai trò như một lực đẩy kinh tế và xã hội – theo bình luận của ba nhà nhân chủng học nổi tiếng trên tờ Boston Globe (8/9/2013).
Những gói mì ăn liền nhỏ bé, tiện dụng – vốn quen thuộc với hầu hết người Việt Nam qua tên gọi “mì tôm” – có khởi nguồn từ món mì “Ramen” truyền thống nổi tiếng của người Nhật.
Chẳng có gì khiêm tốn và cũng hữu hiệu hơn hết với một cái “dạ dày rỗng” hơn một gói mì ăn liền. Mì gói có thể trở thành một bữa sáng ngon lành, trở thành món lót dạ bữa trưa hay thậm chí là một bữa tối bất đắc dĩ khi không còn lựa chọn lương thực nào khác. Trong lúc các xu hướng ẩm thực cứ đến rồi đi, những gói mì ăn liền nhỏ bé vẫn kiên trì bám trụ nhờ những ưu thế không thể chối cãi: Giá rẻ, dễ ăn và dễ phù hợp với khẩu vị.
Mì gói có thể trở thành một bữa sáng ngon lành, trở thành món lót dạ bữa trưa hay thậm chí là một bữa tối “bất đắc dĩ”.
Chính những yếu tố trên đã tạo ra cho các gói mì ăn liền một sức ảnh hưởng lớn đến hầu hết các cư dân ở mọi khu vực của thế giới. 3 nhà nhân chủng học nổi tiếng thế giới – bị gây ấn tượng mạnh trước sự hiện diện của mì gói ở mọi nơi, từ những khu ký túc xá đại học đắt tiền cho đến những con hẻm nghèo của các nước đang phát triển – đã quyết định lần theo dấu vết “sự trỗi dậy” của loại lương thực thời công nghiệp này tại Nhật, Mỹ và Papua New Guinea.
Trong cuốn sách mới nhất của họ: “Hành trình của món mì: Sự trỗi dậy toàn cầu của một thực phẩm công nghiệp trong thế kỷ 21”, các tác giả Deborah Gewertz của Đại học Amherst, Frederick Errington của Đại học Trinity và Tatsuro Fujikura từ Đại học Kyoto đã chỉ ra sự phụ thuộc lớn của con người vào loại lương thực “dễ mang theo, dễ mua và dễ chế biến” này.
Năm 2012, khoảng 100 tỷ gói mì và cốc mì đã được tiêu thụ trên thị trường, theo Hiệp hội Mì Ăn liền thế giới, với tỉ lệ trung bình mỗi người 14 gói. Hương vị của mì gói rất đa dạng để có thể thích ứng với bất kỳ đòi hỏi về hương vị ẩm thực nào của các khách hàng từ châu Á cho đến châu Phi. Trong nghiên cứu của một ngân hàng đối với các cư dân tại khu vực Tokyo (Nhật Bản), các gói mì ăn liền đã đánh bại máy tính, dàn máy karaoke và cả máy nghe nhạc lừng danh Walkman để giành vị trí sáng chế gây ảnh hưởng nhất tại Nhật Bản trong thế kỷ 20.
Không những thế, các nhà nhân chủng học còn phát hiện ra rằng, các gói mì ăn liền nhỏ bé đã đảm trách một vai trò phức tạp và đa dạng hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu của người đã sáng chế ra chúng. Các gói mì, theo những nhà nghiên cứu này, đã trở thành một công cụ của “cung cấp lương thực tư bản” nhằm thông báo về định vị của mỗi người trong thế giới về mặt kinh tế. Loại lương thực này cho phép đói nghèo, tạo ra một tầng lớp khách hàng tiêu dùng chủ đạo tại đáy của kim tự tháp kinh tế. Cùng thời gian, chúng mang lại tác dụng lớn khi cung cấp các dưỡng chất rẻ tiền cho người nghèo.
Liệu Koki Ando, con trai của người đã phát minh ra mì gói, có đúng khi ông phát biểu tại Hội nghị Mì Ăn liền Thế giới 2010 rằng, chính sản phẩm này đã cứu thế giới? Câu trả lời có thể tìm được qua cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Gewertz đến từ Amherst:
– Ở khía cạnh nào những gói mì ăn liền có thể được ví như một “phát minh”?
– Người Nhật đã có một truyền thống ẩm thực lâu đời về món mì Ramen. Chúng ta đang nói về món mì Ramen thực sự được tạo nên từ những nguyên liệu tinh tế cùng nước dùng tuyệt hảo. Song năm 1958, sau chiến tranh, người dân trở nên đói kém… Đây là một phần lý do đã thôi thúc ông Momofuku Ando tạo nên một loại thực phẩm công nghiệp ngon, giá rẻ, dễ kiếm, dễ chế biến để có thể giúp chặn nạn đói. Ông Ando đã học hỏi từ nguyên tắc chế biến món đồ rán nổi tiếng của Nhật là tempura, về các công đoạn chuẩn bị để giúp tempura dễ rán, dễ chín. Ông đã áp dụng công thức chế biến tempura để tạo nên các gói mì ăn liền đầu tiên: Làm khô sợi mì và giúp chúng trở nên dễ ăn nhờ các gói dầu thực vật tẩm ướp hương vị. Khi được chế với nước sôi, các sợi mì lập tức mềm trở lại và sẵn sàng cho bữa ăn.
– Tại sao bà quyết định nghiên cứu về mì ăn liền?
– Những gói mì ăn liền đã xuất hiện trên “đĩa thức ăn nhân chủng học” của chúng tôi, có thể nói như vậy, sau khi rất nhiều người tại Papua New Guinea – nơi chúng tôi công tác từ thập niên 1970 đến nay – sử dụng chúng như một loại lương thực không thể thiếu trong đời sống. Thậm chí, một người từng thốt lên rằng: “Nếu không có mì ăn liền, sẽ chẳng có hy vọng nào cả”.
– Điều thú vị về mì gói ăn liền là hầu hết tất cả mọi người trên thế giới đều ăn chúng, nhưng với các lý do khác nhau và theo những khẩu phần khác nhau. Vì vậy, theo một chiều hướng nhất định, những gói mì ăn liền đã trở thành một lối kể câu chuyện toàn cầu về cách chúng ta liên kết với nhau và cũng khác biệt nhau đến thế.
– Mì ăn liền có ý nghĩa như thế nào tại các khu vực mà bà đã nghiên cứu?
– Người Nhật Bản có ưu thế là luôn dễ dàng có thể thưởng thức món mì Ramen – “khởi nguồn sáng tạo” cho các gói mì ăn liền. Song mỗi năm, thị trường Nhật Bản vẫn tiếp nhận thêm đến 600 loại mì gói ăn liền mới. Đây quả là một điều thú vị.
Thị trường Mỹ khá cơ bản: Mọi người mua mì vì chúng rẻ. Có ba phân khúc khách hàng: Phân khúc lớn nhất gồm những người “tiêu dùng thường xuyên”, đa phần là người nghèo. Họ chủ yếu là nhân viên phục vụ trong các nhà hàng ăn nhanh và được trả lương theo giờ. Một người đàn ông chúng tôi từng phỏng vấn cho biết ông ta ăn mì gói vào mỗi bữa sáng và bữa trưa hàng ngày.
Phân khúc khách hàng thứ hai là những tù nhân. Họ mua mì gói tại khu cung cấp thực phẩm trong nhà tù và chế biến chúng cùng mọi nguyên liệu có được theo cách vô cùng ấn tượng để làm bánh, bơ đậu phộng và kể cả là các loại thạch. Chúng tôi cho rằng điều đó giúp họ tìm kiếm cảm giác tự do. Các tù nhân mua mì gói theo lựa chọn, với mục đích tạo ra bất cứ món ăn gì họ muốn. Phân khúc khách hàng thứ ba, tất nhiên, là các sinh viên. Các sinh viên trung lưu và ngay cả bố mẹ của họ đã từng sáng chế hẳn ra câu châm ngôn rằng: “Ngày xửa ngày xưa, tôi đã từng sống nhờ vào mì tôm”.
Và tiếp đó là thị trường Papua New Guinea, nơi mì tôm đã ra mắt vào thập kỷ 1980, thời điểm có làn sóng di cư từ nông thôn ra các trung tâm đô thị. Mì tôm đã được xem là “vũ khí chống đói” cho bộ phận dân cư này. Người dân tại đây không chỉ sống nhờ vào mì tôm mà họ còn thực sự thích loại lương thực này vì một lý do khác. Họ có thể đi vào các cửa hiệu sáng choang, mua mì gói và thích thú với trải nghiệm được lựa chọn đồ trên các giá siêu thị, dù đó chỉ là những gói mì rẻ tiền.
– Bà đề cập đến những người “ở đáy kim tự tháp” như đối tượng khách hàng mà mì tôm được thiết kế hướng đến. Bà có thể giải thích rõ hơn?
– C.K.Prahaland đã từng viết một cuốn sách gây ảnh hưởng lớn có nhan đề: “Vận may ở đáy kim tự tháp”. Ông nhận định rằng thậm chí ngay cả những người nghèo cũng có tiền, và có rất nhiều người nghèo như vậy. Do đó, nếu bạn có thể tạo ra một sản phẩm thực sự phục vụ cho đối tượng khách hàng ở đáy kim tự tháp, bạn sẽ kiếm được lợi nhuận rất lớn. Ông cũng đưa ra một quan điểm, giống như rất nhiều các nhà kinh doanh khác, về tình huống “cùng thắng”. Nếu bạn bán hàng cho những người ở đáy kim tự tháp, trao cho họ quyền được lựa chọn và được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của họ, điều này sẽ giúp họ tiến lên theo khía cạnh kinh tế. Có nhiều người đã vươn lên tầng lớp trung lưu.
– Vậy tương lai của mì gói sẽ như thế nào?
– Tôi nghĩ tương lai của mì tôm không bao giờ ngừng lại. Chúng tôi đã gặp rất nhiều những người nghèo vô cùng cần đến một nguồn dinh dưỡng dù ít ỏi. Chúng tôi không cho rằng mì tôm có thể cứu thế giới theo bất cứ cách nào, song cùng đi đến kết luận, dù có chút miễn cưỡng, rằng chúng mang lại nhiều tác động tốt hơn là xấu trong việc giúp người nghèo có thể sống và vươn lên.
Theo Zing