GlobalGAP (tên gọi mới của EUREP GAP sau 7 năm áp dụng và được chính thức thông báo tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 8 tại Băng-cốc tháng 9/2007) là một bộ tiêu chuẩn được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu. Đại diện hợp pháp của Ban thư ký GlobalGAP là tổ chức phi lợi nhuận mang tên FoodPLUS GmbH có trụ sở tại Đức.
Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP được xây dựng bởi một hiệp hội bình đẳng của các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ, các tổ chức dịch vụ, các nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp, các tổ chức chứng nhận, các công ty tư vấn, các nhà sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, các trường đại học…và các hiệp hội của họ. Các thành viên này tham gia GlobalGAP với các tư cách khác nhau, với mục tiêu cụ thể khác nhau nhưng đều vì mục đích chung của GlobalGAP.
Hiệp hội GlobalGAP cung cấp tiêu chuẩn và khuôn khổ cho chứng nhận bên thứ 3 độc lập đối với các quá trình sản xuất tại các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và chỉ thừa nhận các tổ chức chứng nhận được công nhận năng lực theo tiêu chuẩn ISO/IEC Guide 65 hoặc EN 45011. Đến nay, GlobalGAP có sự tham gia của hơn 100 tổ chức chứng nhận từ khoảng 80 quốc gia khác nhau. Mục tiêu cuối cùng của GlobalGAP là phát triển nông nghiệp một cách bền vững trên các quốc gia thành viên.
GlobalGAP là công cụ quản lý trang trại nhằm:
– Đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế
– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩmcho nông sản thực phẩm
– Hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản
– Sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lực sản xuất nông nghiệp
– Làm giàu nông dân và phát triển nông thôn
– Bảo vệ môi trường và cảnh quan chung
Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP là công cụ kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa nhà sản xuất với người cung ứng nông sản thực phẩm, vì thế nó không hướng tới việc gắn nhãn trên sản phẩm dành cho người tiêu dùng cuối cùng, mà quan tâm tới sản lượng và địa điểm sản xuất. Bằng việc đăng ký số GGN (Global GAP Number), cung cấp và cập nhật thông tin của nhà sản xuất đã được chứng nhận trên Cơ sở dữ liệu của GlobalGAP, nhà cung cấp sẽ có cơ hội tự giới thiệu về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, phương thức sản xuất, mức độ an toàn, mùa thu hoạch và sản lượng của sản phẩm của mình. Bằng việc trở thành thành viên để có quyền truy cập hệ thống dữ liệu này, các nhà cung cấp có thể tìm kiếm nguồn hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi và tin cậy.
Yêu cầu của tiêu chuẩn GlobalGAP
Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP ra đời phiên bản đầu tiên năm 2000, cứ sau 3 năm áp dụng thì tiêu chuẩn GlobalGAP lại được xem xét và sửa đổi (nếu cần), phiên bản thứ 4 sẽ được ban hành trong năm 2011.
Để có thể áp dụng được cho các trang trại với các sản phẩm khác nhau (cây trồng, vật nuôi và thủy sản) với đặc thù sản xuất khác nhau, bộ tiêu chuẩn được thiết kế thành 3 loại tài liệu bao gồm:
– Quy định chung / General Regulation (GR) – tài liệu cung cấp các thông tin tổng thể, về tổ chức chứng nhận, các phương thức chứng nhận và yêu cầu đào tạo đối với chuyên gia đánh giá.
– Các điểm kiểm soát và tiêu chí sự phù hợp / Control Points and Compliance Criteria (CPCC) – tài liệu đưa ra các điểm cần kiểm soát và tiêu chí phù hợp cho từng điểm; Các điểm kiểm soát và tiêu chí sự phù hợp được cụ thể hóa theo các môdun sản phẩm khác nhau và được phân tầng theo mô hình dưới đây:
cho mọi trang trại / All Farms(AF) | CPCC cho trang trại Trồng trọt / Crop Base (CB) | CPCC đối với Rau và Quả |
CPCC đối với Hoa và Cây cảnh | ||
CPCC đối với Cà phê | ||
CPCC đối với Chè | ||
CPCC đối với trang trại tổng hợp | ||
CPCC đối với Cây khác | ||
CPCC cho trang trại Chăn nuôi / Livestock Base (LB) | CPCC đối với Gia súc và Cừu | |
CPCC đối với Động vật cho sữa | ||
CPCC đối với Lợn | ||
CPCC đối với Gia cầm | ||
CPCC đối với Vật nuôi khác | ||
CPCC cho trang trại Thuỷ sản / Aquaculture Base (AB) | CPCC đối với Cá hồi | |
CPCC đối với Cá tra | ||
CPCC đối với Tôm | ||
CPCC đối với Thuỷ sản khác |
– Bảng kiểm tra / Checklist (CL) – tài liệu dùng để các chuyên gia sử dụng trong quá trình đánh giá, cả đánh giá nội bộ lẫn đánh giá của tổ chức chứng nhận; Thực chất bảng kiểm tra này chính là yêu cầu rút gọn của tài liệu thứ 2 nói trên.
Vì thế khi áp dụng, một nhà sản xuất một nhóm sản phẩm phải:
– Đáp ứng các yêu cầu trong Quy định chung đối với nhà sản xuất.
– Phù hợp với yêu cầu kiểm soát có trong 3 văn bản có liên quan (ví dụ trang trại sản xuất rau phải áp dụng quy định kiểm soát cho mọi trang trại, cho ngành trồng trọt, và cho rau quả).
– Đánh giá nội bộ cho theo bảng kiểm tra dành cho trang trại rau quả và thêm bảng kiểm tra dành cho hệ thống quản lý chất lượng (nếu định chứng nhận theo nhóm).
Phương thức chứng nhận GlobalGAP
Nhà sản xuất có thể lựa chọn chứng nhận GlobalGAP theo một trong 4 phương thức sau:
– Một nhà sản xuất riêng lẻ đăng ký chứng nhận theo tiêu chuẩn GLOBALGAP để nhận được giấy chứng nhận cho riêng mình.
– Một nhóm nhà sản xuất có cùng một tư cách pháp nhân có thể đăng ký chứng nhận theo nhóm theo tiêu chuẩn GLOBALGAP để được nhận giấy chứng nhận chung khi đủ điều kiện.
– Một nhà sản xuất riêng lẻ đăng ký chứng nhận GLOBALGAP thông qua đánh giá đối chuẩn (Benchmarking) với một tiêu chuẩn GAP khác để nhận được giấy chứng nhận cho riêng mình.
– Một nhóm nhà sản xuất có cùng một tư cách pháp nhân có thể đăng ký chứng nhận GLOBALGAP thông qua đánh giá đối chuẩn (Benchmarking) với một tiêu chuẩn GAP khác để được nhận giấy chứng nhận chung khi đủ điều kiện.
Tuy nhiên, ở Việt nam, cho đến thời điểm này, chúng ta chưa có một tiêu chuẩn đủ điều kiện để đánh giá theo phương thức so sánh banchmarking, vì thế, việc chứng nhận chỉ có thể được tiến hành theo phương thức 1 hoặc 2. Các nhà sản xuất nhỏ lẻ có thể nhóm lại với nhau với một người đại diện hợp pháp, cùng nhau xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng và an toàn, thực hiện đánh giá nội bộ để đảm bảo mọi thành viên cùng tuân thủ và cam kết đáp ứng yêu cầu chung, để được cấp một giấy chứng nhận Global GAP chung cho cả nhóm. Việc chứng nhận theo phương thức nhóm có thể giúp nhà sản xuất giảm bớt chi phí chứng nhận nhưng có rủi ro cao (chỉ một nhà sản xuất không tuân thủ thì có nguy cơ cả nhóm bị hủy bỏ chứng nhận).
Quá trình xây dựng và áp dụng GlobalGAP vào trang trại
Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường Việt Nam là:
– Người sản xuất nông nghiệp không muốn thực hiện và duy trì cách thức nuôi trồng nông sản thực phẩm an toàn vì chi
phí cao nhưng lại không dễ dàng bán được giá cao hơn so với sản phẩm không an toàn.
– Trong khi người tiêu dùng lại cho rằng họ sẵn sàng trả giá cao nếu biết sản phẩm mình mua thực sự là an toàn, nhưng tự người tiêu dùng không có cách để xác minh xem sản phẩm nào là an toàn.
Một thực tế khác đang diễn ra trên thị trường quốc tế là, ngay cả những sản phẩm xuất khẩu có tiếng của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, tôm, cá basa… có giá bán thường thấp hơn so với một số nước khác vì bị ép giá do không đồng đều và ổn định chất lượng, không rõ nguồn gốc, sản lượng không lớn, chậm gom hàng… Đã không bán được giá cao lại còn bị kiện vì bán phá giá và bị rút Quota ở một số thị trường. Điều này cho thấy nếu nông sản Việt Nam cứ tiếp tục cạnh tranh bằng giá thì không những chúng ta không thể có lãi suất cao để duy trì chất lượng thương hiệu mà còn có nguy cơ tự đánh mất uy tín thị trường.
Để có lòng tin lâu dài của người tiêu dùng, nhà sản xuất nông nghiệp phải xây dựng, duy trì và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình thông qua 4 nhóm hoạt động sau:
– Xây dựng, áp dụng và chứng nhận quy trình nuôi trồng an toàn trong trang trại theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP.
– Xây dựng cơ chế, cách nhận biết và truy xét nguồn gốc sản phẩm (ghi chép và lưu hồ sơ về nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất trong trang trại và khách hàng mua sản phẩm đầu ra); hoạt động này nên được tiến hành lồng ghép với việc kiểm soát hoạt động sản xuất theo tiêu chuẩn.
– Thực hiện thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại trong nước và quốc tế (nếu cần) và các biện pháp thực tiễn để chống hàng giả, hàng nhái.
– Thực hiện các giải pháp tiếp thị hữu hiệu để kết nối với thị trường (hệ thống phân phối, thông tin trên nhãn/ bao bì, quảng cáo, triển lãm, hội thảo, hoạt động xã hội / công ích…)
Để có được thị trường và giá bán tốt hơn, các nhà sản xuất cần (tự mình hoặc có sự hỗ trợ của tư vấn) thực hiện các hoạt động chính sau đây:
– Đào tạo nhận thức chung về vai trò và tác dụng của việc xây dựng và áp dụng Global GAP cho tất cả người làm.
– Nghiên cứu tiêu chuẩn, quy phạm pháp luật của nơi sản xuất và thị trường xuất khẩu để xây dựng cách thức nuôi/ trồng đáp ứng yêu cầu.
– Thực hiện việc nuôi/ trồng theo quy trình đã xây dựng, ghi chép và lưu hồ sơ cần thiết theo yêu cầu đã xây dựng.
– Đào tạo đánh giá viên nội bộ và tiến hành đánh giá nội bộ trước khi đăng ký chứng nhận.
– Tham gia và thực hiện quá trình chứng nhận với tổ chức chứng nhận đã được công nhận và phê duyệt.
– Thực hiện tiếp các hoạt động xây dựng thương hiệu và thị trường để có được giá bán tốt hơn.
Chứng nhận GlobalGAP được coi là cây cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng để kết thúc câu chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước”. Nếu người tiêu dùng chỉ muốn mua sản phẩm an toàn thì nhà sản xuất phải đáp ứng, và ngược lại, nếu nhà sản xuất dám khẳng định về sự an toàn và uy tín thương hiệu sản phẩm của mình thì người tiêu dùng mới có niềm tin để trả giá cao hơn. Niềm tin của người tiêu dùng chỉ đến khi họ mắt thấy tai nghe, hoặc thông qua kết quả đánh giá, khẳng định của một bên thứ 3 có năng lực và độc lập (tổ chức chứng nhận).
Nói cách khác, áp dụng và chứng nhận hệ thống “Thực hành Nông nghiệp tốt” theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP là giải pháp nền tảng để nhà sản xuất nông nghiệp xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm của mình. Vì thế, những nhà sản xuất không ngoan sẽ coi chi phí cho hoạt động, áp dụng và chứng nhận GlobalGAP hay VietGAP là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững chứ không phải là chi phí cho sản phẩm.
Nguồn: Globalgap