Rất khó để phân biệt thịt lợn, trâu, bò bị bơm nước bằng mắt thường. Tuy nhiên, các chị em nội trợ có kinh nghiệm vẫn truyền tai nhau một số “bí kíp”.
Khó phân biệt
Về nguyên tắc, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNTN cho rằng, rất khó để phân biệt thịt lợn, trâu, bò bị bơm nước bằng mắt thường.
Lý do bởi bản thân trong thịt cũng chứa một tỷ lệ nước nhất định, việc bơm nước vào chỉ làm gia tăng lượng nước. Do vậy, bằng mắt thường, chị em khó có thể nhận thấy rõ sự biến chuyển trong miếng thịt.
Do vậy, nếu không bắt quả tang thì chỉ còn cách mang miếng thịt đi xét nghiệm mới kết luận được là có bị bơm nước hay không.
Tuy nhiên, các chuyên gia thực phẩm và nhiều chị em nội trợ có kinh nghiệm vẫn truyền tai nhau một số “bí kíp”.
Thịt gà: Xem đùi và lườn
Chị Hạnh, (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) cho hay, với thịt gà, để tránh mua phải gà, vịt bị bơm nước, khi mua, chị em nên quan sát hai bên đùi và lườn con gà, vịt. Nếu thấy căng bóng, thớ thịt dày, to thì không nên mua. Nếu còn nguyên con, chị em cầm dốc ngược con gà, vịt lên, nếu thấy nó biến dạng nhiều thì đã bị bơm nước.
“Theo một số người hay buôn bán gà vịt thì nếu bơm nước, người bán thường chọn hai vị trí đùi và lườn để bơm. Ngoài cách dốc ngược, chị em cũng có thể dùng tay ấn vào đùi, lườn gà, vịt. Thịt bị bơm nước thường bập bùng và nhão”, chị Hạnh nói.
Cũng chia sẻ kinh nghiệm, PGS TS. Nguyễn Duy Thịnh, Phòng Quản lý Chất lượng, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, nếu nhận thấy con vịt, gà quá béo, chị em chỉ cần lấy dao hoặc vật nhọn chọc thủng lớp da, nếu bị bơm nước thì nước sẽ chảy ra.
“Nếu người bán bơm ít nước thì mình có thể nhận bằng cách quan sát, con vật có thể mỡ màng, béo hơn”, PGS TS Thịnh nói.
Thịt lợn, bò
Nếu là các loại thịt lợn, thịt bò thì rất khó nhận ra.
Tuy nhiên, để mua một miếng thịt lợn, bò tươi, chị em nên dùng ngón tay ấn vào miếng thịt, nếu trên thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra là miếng thịt tươi. Ngoài ra, các thớ thịt phải đều, màng ngoài khô, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc.
Về nguyên tắc khoa học, PGS TS Thịnh phân tích, nếu là trường hợp bơm nước vào con lợn thì có khả năng họ truyền qua mạch máu của con lợn đã chết. Do đó, chỉ khi nào lấy tiết rồi thì mới bơm nước vào và trên thực tế thì không bơm được bao nhiêu.
Còn trường hợp bơm nước vào thịt đã giết bằng xi lanh thì cũng có thể xảy ra.
Trường hợp bơm thuốc an thần để giết mổ thì mắt thường không phân biệt được vì loại thuốc an thần được sử dụng không màu, không mùi, không vị nên chỉ có thể phân tích mới phát hiện được.
PGS TS Thịnh cũng khuyến cáo, chị em có thể dùng một cách để nhận ra thịt lợn, bò bị bơm nước là khi nấu, để ý nếu ngót đi nhiều do chảy ra nhiều nước thì có thể là căn cứ cho thấy thịt đã bị bơm nước hoặc tạp chất. “Tuy nhiên, cách này cũng khó vì sự nhận định còn phụ thuộc vào đặc điểm thị của giống, loài. Ví dụ “thịt trâu thì teo, thịt heo thì nở””, PGS TS Thịnh nói.
Nhìn nhận một cách hóm hỉnh về mánh khóe gian lận thương mại bằng cách bơm thêm nước, tạp chất vào thịt, rau, PGS TS Thịnh cho rằng: “Những người buôn bán tại Việt Nam có lẽ nên được “trao giải sáng kiến” trong việc sử dụng phương pháp không có căn cứ khoa học để làm tăng khối lượng các loại thịt, rau.
Thực tế, PGS TS Thịnh nhìn nhận, đây là hành vi gian lận thương mại không thể chấp nhận được, làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người mua hàng. Do đó, ngoài việc phát hiện ra những nơi bán loại thịt, gà, vịt….bị bơm nước hoặc có dấu hiệu bất thường, chị em đi chợ nên truyền tai nhau đừng nên mua ở chỗ đó, để họ không bán được hàng và không dám làm như vậy, cũng là một cách để giải quyết được vấn đề ngoài việc chờ sự can thiệp của cơ quan chức năng.
FOODNK