Nhiệm vụ của ngành công nghệ thực phẩm là nghiên cứu chế biến, tạo nên các sản phẩm thực phẩm đạt chất lượng. Vậy, thực phẩm đạt chất lượng được thể hiện qua các tiêu chuẩn nào?
Thực phẩm đạt chất lượng là sản phẩm thực phẩm đạt được các mức tiêu chuẩn về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh và cảm quan đúng với chủng loại thực phẩm đã được công bố, quy định trong các văn bản quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước.
Ví dụ: Sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em đến 12 tháng tuổi (Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7108:2008 (CODEX STAN 72-1981, REV.1-2007) về Thức ăn theo công thức dành cho trẻ sơ sinh và thức ăn theo công thức với các mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh):
- Để đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng, sản phẩm sữa bột phải đạt hàm lượng (mức yêu cầu) protein không nhỏ hơn 9%, hàm lượng chất béo 17-31%. Nếu những thành phần trên của sữa bột không đạt trong giới hạn các chỉ tiêu đã quy định thì xem như sản phẩm không đạt chất lượng về dinh dưỡng.
- Để đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh, sản phẩm sữa bột không được phép có sự hiện diện của các loại vi sinh vật: E.coli, Salmonella, Staphylococus aureus (số vi khuẩn trong 1g sản phẩm); nấm men, nấm mốc (số khuẩn lạc trong 1g sản phẩm),… ;đồng thời, hàm lượng các kim loại nặng tối đa là: Asen: 0.5 mg/kg; chì: 0.02 mg/kg; thủy ngân: 0.05 mg/kg,… Nếu không đạt trong giới hạn các chỉ tiêu trên, sản phẩm sữa bột xem như không đạt về mặt an toàn vệ sinh.
- Để đạt tiêu chuẩn về cảm quan, yêu cầu dành cho các chỉ tiêu cảm quan của sữa bột là: màu sắc: màu vàng kem, đồng đều; mùi vị: thơm, hơi ngọt đặc trưng của sữa, không có mùi vị là; trạng thái: dạng bột mịn, không bị vón cục, không có tạp chất lạ. Nếu không đạt các yêu cầu nêu trên, sản phẩm sữa bột xem như không đạt chất lượng về mặt cảm quan.
FOODNK