Cá Tra Việt Nam là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, thịt thơm ngon. Với sản lượng nuôi hàng năm lớn kết hợp với ngành chế biến cá tra xuất khẩu đang phát triển mạnh thì phụ phẩm của ngành này có tiềm năng trở thành nguyên liệu trong sản xuất dầu cá là rất lớn.
Đặc điểm Cá tra
Cá tra thuộc:
- Bộ: Siluriformes
- Họ: Pangasiidae
- Giống: Pangasius
- Loài: Pangasius hypopthalmus
Hình thái
Cá tra có cơ thể dài, không có vảy và da trơn. Đầu tương đối nhỏ màu xanh xám, mắt tương đối lớn. Ở đầu miệng có 2 cặp râu, chiếc trên ngắn hơn chiếc dưới. Chúng có vây đuôi xám hoặc đen, túi mỡ dưới bụng tương đối lớn.
Cá trưởng thành có thể đạt chiều dài tiêu chuẩn tối đa là 130cm và trọng lượng có thể đạt 44kg.
Phân bố và đặc tính sinh dưỡng
Cá tra phân bố ở các vùng nước ngọt thuộc một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Bangladesh, Trung Quốc và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.
Cá tra có tập tính ăn tạp thiên về động vật, nhưng tính háu ăn và tính tranh mồi ít hơn cá tra. Giai đoạn đang phát triển, cá tra dễ thích nghi với các loại thức ăn có nguồn gốc động vật, thực vật dễ kiếm như hỗn hợp tấm, cám, rau, cá vụn (nấu chín) do đó thuận lợi cho nuôi bè. Cá tra thường sống trong phạm vi pH 6.5 ÷ 7.5 và nhiệt độ khoảng 22 ÷ 26°C.
Tình hình nuôi trồng và chế biến cá tra trong nước
Ở Việt Nam, cá tra đã được nuôi và phát triển chủ yếu ở 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, và hai các tỉnh (Tây Ninh và Quảng Nam) với tổng diện tích canh tác 5.400 ha (năm 2018) và dự kiến sẽ tăng lên tới 7.600 – 7.800 ha vào năm 2020. Các tỉnh Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp là những vùng nuôi lớn nhất cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 75% tổng sản lượng cá tra cả nước. Ngành cá tra tự kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu theo hướng sản xuất bền vững theo chuỗi.
Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 131 thị trường. Top 8 thị trường chính gồm: Trung Quốc – Hồng Kông, Mỹ, EU, ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia và Nhật Bản đạt 1,61 tỷ USD, chiếm 80,4% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, tổng diện tích nuôi cá tra ĐBSCL ước đạt 6,6 nghìn ha, tăng 22,2% so với năm 2018. Sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tương đương với năm 2018. Trong đó, sản lượng tập trung ở các tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ.
Cả nước hiện có 200 cơ sở sản xuất giống cá tra, 3.000 ha ương dưỡng cá giống (bằng 100% so với năm 2018), sản xuất được khoảng 21 tỷ cá tra bột, hơn 2,1 tỷ cá tra giống. Trong năm 2019, đã thay thế được 45.000 con cá bố mẹ chọn giống. Dự kiến trong năm 2020 sẽ thay thế hết 60.000 con cá bố mẹ.
Có gần 100 nhà máy sản xuất cá tra tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các cơ sở này được trang bị các thiết bị và công nghệ tiên tiến cho phép tự động hóa một số công đoạn của dây chuyền sản xuất và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng.
Buồng mỡ lớn, tiềm năng trở thành nguyên liệu sản xuất dầu cá
Cá tra có buồng mỡ rất lớn, chiếm 15 ÷ 25% trọng lượng của nó, lượng mỡ này được xem là phụ phẩm từ các dây chuyền sản xuất cá tra, khoảng 250 ÷ 300 ngàn tấn/năm. Lượng phụ phẩm này hiện tại chỉ mới được nghiên cứu khả năng ứng dụng ở một số lĩnh vực: tổng hợp AKD từ mỡ cá sử dụng trong công nghệ xeo giấy, tổng hợp mỡ bôi trơn sinh học, ứng dụng mỡ cá làm nhiên liệu cho động cơ diesel.
FOODNK